Một Trọng điểm Chiến lược cho Nhật Bản

Đông Nam Á mang đến những cơ hội mới cho quan hệ đối tác về an ninh hàng hải
Sĩ quan chỉ huy (đã về hưu) John F. Bradford/Hải quân Hoa Kỳ
Chiến lược hàng hải của Nhật Bản về cơ bản tập trung vào việc hợp tác với đồng minh Hoa Kỳ nhằm đảm bảo rằng các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà đóng vai trò tối quan trọng đối với an ninh của nước này được an toàn và được bảo vệ. Hầu hết các hoạt động của hai cơ quan an ninh hàng hải của nước này là, Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản (Japan Maritime Self-Defense Force – JMSDF) và Lực lượng Cảnh sát Biển Nhật Bản (JCG) đều tập trung vào các vùng biển gần của Nhật Bản và tìm cách ngăn chặn các hành động gây hấn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Bắc Triều Tiên và Nga đồng thời hỗ trợ công tác quản trị tốt vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Nhật Bản cũng triển khai những lực lượng của mình đến các địa điểm dọc theo các tuyến đường biển đó, chẳng hạn như Vịnh Aden và Eo biển Hormuz, nơi những hoạt động vận chuyển của Nhật Bản đang bị đe dọa trực tiếp và ở mức đáng ngại. Có tầm quan trọng không kém đối với chiến lược này là các hoạt động của Nhật Bản nhằm vào các tuyến đường biển tương đối an toàn và an ninh hơn, nhưng vẫn dễ gặp rủi ro mà đi qua và gần Đông Nam Á. Điều này bao gồm các vùng biển khép kín, chẳng hạn như Biển Đông, Biển Java và Vịnh Bengal, cũng như các nút thắt then chốt, chẳng hạn như các eo biển Lombok, Malacca, Singapore và Sunda.
Phần lớn nỗ lực này dựa trên sức mạnh kinh tế của Nhật Bản, và Nhật Bản đã đầu tư mạnh vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực an toàn cùng với các quốc gia ven biển trong khu vực trong hơn 50 năm qua. Trong 20 năm qua, JCG cũng đã tham gia vào việc phát triển năng lực thực thi pháp luật hàng hải của các quốc gia ven biển. Trong thập kỷ qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tham gia bằng cách bắt đầu các dự án xây dựng năng lực mới với các lực lượng hải quân trong khu vực, và JMSDF tiến hành ngày càng nhiều các hoạt động quân sự trong các vùng biển của khu vực.
Với tất cả các nhánh của quyền lực nhà nước Nhật Bản hiện đang đầu tư vào an ninh hàng hải Đông Nam Á, khu vực này đang tự khẳng định vai trò của mình như một trọng điểm mới trong chiến lược hàng hải của Nhật Bản. Phạm vi, ý định chiến lược và có lẽ cả sự phát triển trong tương lai của các hoạt động an ninh hàng hải của Nhật Bản ở Đông Nam Á cần được nghiên cứu tỉ mỉ hơn.
CHIẾN LƯỢC HÀNG HẢI CỦA NHẬT BẢN
Chiến lược an ninh hàng hải đã vững chắc của Nhật Bản nhìn chung có thể được tách thành hai phân đoạn về mặt địa lý, một phân đoạn là vùng biển nội địa của Nhật Bản và phân đoạn còn lại liên quan đến các tuyến đường biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong các vùng biển gần, Nhật Bản phải đối mặt với áp lực an ninh đáng kể từ phía bắc, phía tây và phía nam. Những hành động khiêu khích nhất thời về mặt quân sự, tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề hậu chiến tranh tạo ra những mối quan ngại về an ninh và hạn chế sự hợp tác giữa Nhật Bản và các nước láng giềng là Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.
Trong không gian trên biển, sự cạnh tranh với Trung Quốc là căng thẳng nhất. Các vòng đồng tâm của lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản và Trung Quốc cùng các lực lượng hải quân liên tục thách thức chủ quyền, thăm dò phản ứng và tìm cách khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku. Tình hình này đòi hỏi nguồn lực đáng kể của hạm đội trong khi phần còn lại của Biển Hoa Đông đem đến một vùng biển phía trước dài cần được tuần tra và giám sát. Mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên và sự hỗ trợ của Nhật Bản trong công tác thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với quốc gia đó cũng khiến hạm đội bận rộn. Phía trên những vùng biển tiếp giáp Nhật Bản, Lực lượng Tự vệ Không quân Nhật Bản thường xuyên triển khai các máy bay chiến đấu để đáp trả các hoạt động bay của Trung Quốc và Nga. Với tình hình ngày càng nghiêm trọng này, việc bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản và thực thi các trách nhiệm quốc gia của mình trong hải phận và không phận theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã chiếm phần lớn nguồn lực dành cho an ninh của Nhật Bản.

Chiến lược của Nhật Bản nhằm đảm bảo sự an toàn và an ninh của các tuyến đường biển quan trọng dựa trên ba yếu tố: tận dụng liên minh với Hoa Kỳ, triển khai lực lượng đến các địa điểm trọng yếu nhất và tăng cường quan hệ với các đối tác có năng lực ngày càng cao dọc theo các tuyến đường biển.
Trong những năm gần đây, chiến lược hàng hải của Nhật Bản đã được lồng ghép trong các chiến dịch quốc gia để tập trung chính sách đối ngoại của Nhật Bản vào dải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kéo dài dọc theo các tuyến đường biển của nước này đến châu Âu và châu Phi. Ngay sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức lần đầu tiên vào năm 2006, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó là ông Taro Aso đã công bố Vòng cung Tự do và Thịnh vượng (Arc of Freedom and Prosperity). Chính sách đối ngoại này đã bổ sung cho các ưu tiên đã có của Nhật Bản liên quan đến việc quản lý những mối quan hệ với các nước láng giềng liền kề và tăng cường liên minh với Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh thêm vào việc thúc đẩy nền dân chủ và tăng cường khả năng với một vòng cung gồm các quốc gia đối tác trải dài từ Bắc Âu, xuyên qua Trung Đông, qua tiểu lục địa Ấn Độ và trên khắp Đông Nam Á. Đáng chú ý, vòng cung này tương xứng về mặt địa lý với các tuyến đường thương mại chính của Nhật Bản, trừ những tuyến đường qua Thái Bình Dương mà vốn đã an toàn, nhờ vào liên minh với Hoa Kỳ. Ông Abe đã trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu đầu tiên nhấn mạnh khái niệm địa chính trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2007 khi ông có bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ với tiêu đề “Sự Hợp lưu của Hai Vùng biển”. Hai thủ tướng tiếp theo, cả hai đều thuộc Đảng Dân chủ Tự do, tiếp tục thực hiện ưu tiên này. Khi Đảng Dân chủ Nhật Bản giữ cương vị lãnh đạo trong chính phủ từ năm 2009-12, các Thủ tướng Yukio Hatoyama, Naoto Kan và Yoshihiko Noda đã sử dụng những cách diễn đạt khác nhau nhưng vẫn duy trì cách tiếp cận chính sách đối ngoại này đối với các quốc gia ven biển ở Nam và Đông Nam Á. Ngay sau khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, ông Abe đã xuất bản một bài tiểu luận có tựa đề “Hình thoi An ninh Dân chủ của châu Á”. Bài luận đó mở đầu bằng: “Hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Thái Bình Dương không thể tách rời hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương. Nhật Bản, với tư cách là một trong những nền dân chủ dựa vào biển lâu đời nhất ở châu Á, nên đóng một vai trò lớn hơn — cùng với Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ — trong việc duy trì lợi ích chung ở cả hai khu vực”.
Đông Nam Á rõ ràng là trung tâm của hình thoi, và khu vực này hiện là tâm điểm trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở được công bố vào năm 2016.
CÁC HOẠT ĐỘNG DÂN SỰ CỦA NHẬT BẢN NHẰM TĂNG CƯỜNG AN TOÀN VÀ AN NINH HÀNG HẢI CỦA KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
Các tuyến đường biển giữa vùng biển nội địa của Nhật Bản và vùng biển nguy hiểm xung quanh Trung Đông trải dài hơn 5.000 hải lý (9.260 km). Nhìn chung, những tuyến đường biển này đi qua các quốc gia ven biển có khả năng thực hiện công tác quản trị cần thiết để đảm bảo an toàn cho dòng chảy thương mại tự do. Tuy nhiên, các quốc gia ven biển có sự chênh lệch rất lớn về năng lực hàng hải, các tuyến đường biển vẫn còn nhiều trắc trở và các nhà lãnh đạo trong giới doanh nghiệp cũng như chính phủ Nhật Bản lo ngại rằng các sự kiện gây xáo trộn có thể nhanh chóng tạo ra một cuộc khủng hoảng. Các mối nguy hiểm khiến Nhật Bản lo lắng bao gồm các thách thức về việc di chuyển trên biển liên quan đến các nút thắt có lưu lượng tàu bè qua lại lớn, những thách thức về môi trường, chẳng hạn như thời tiết khắc nghiệt và sự cố tràn dầu, cướp biển, khủng bố và rủi ro chiến tranh. Trong năm thập kỷ qua, Nhật Bản ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết những thách thức này bằng cách hỗ trợ các dự án xây dựng năng lực cho quốc gia ven biển như một yếu tố cốt lõi trong chiến lược an ninh hàng hải của mình.
Tình trạng gia tăng của những vụ cướp biển trong khu vực sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 đã thúc đẩy sự mở rộng các nỗ lực xây dựng năng lực của Nhật Bản để đưa vào hoạt động thực thi pháp luật hàng hải. Thủ tướng Keizo Obuchi đã khởi động việc mở rộng này tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Cộng Ba (ASEAN+3) vào tháng 12 năm 1999, khi ông tìm kiếm hành động hợp tác quốc tế để chống cướp biển bằng cách đề xuất thành lập một cơ quan cảnh sát biển trong khu vực, tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước cho các công ty vận tải biển và cải thiện công tác điều phối trong khu vực.
Không lâu sau đó, Nhật Bản đã cung cấp thiết bị và đào tạo cũng như thúc giục tiến hành các cuộc tuần tra kết hợp. Sau khi một loạt các phái đoàn của Nhật Bản đến thăm khu vực để tìm hiểu thực tế và Tokyo tổ chức một số hội nghị lớn, tuy tham vọng của Nhật Bản đã thu hẹp lại, nhưng sự tham gia rộng hơn vào việc thực thi pháp luật hàng hải ở Đông Nam Á đã hình thành nhanh chóng. Vào năm 2000, JCG bắt đầu thiết lập các vị trí thường trực ở nước ngoài cho các sĩ quan để hỗ trợ các lực lượng cảnh sát biển của khu vực (bắt đầu với Lực lượng Cảnh sát Biển Philippines mới thành lập), và vào năm 2001, JCG bắt đầu tập trận với các lực lượng cảnh sát biển trong khu vực (bắt đầu với Philippines và Thái Lan). Vào năm 2006, các nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản dẫn đến việc tạo ra Thỏa thuận Hợp tác Khu vực về Chống Cướp biển và Cướp có Vũ trang nhằm vào các Tàu ở châu Á (Regional Cooperation Agreement on Combating Piracy and Armed Robbery against Ships in Asia – ReCAAP).

Một khía cạnh đáng chú ý trong sự hỗ trợ mà Nhật Bản dành cho an ninh hàng hải của Đông Nam Á là việc chuyển giao các tàu tuần tra cho các cơ quan thực thi luật biển trong khu vực. Trong số này có các tàu đánh cá chuyển đổi, tàu tuần tra Nhật Bản đã hết nhiệm vụ cũng như các tàu mới. Tàu đã được cung cấp bởi các quỹ tư nhân của Nhật Bản, thông qua các khoản vay được chính phủ tạo điều kiện, và dưới hình thức là khoản hỗ trợ trực tiếp. Những ví dụ trong thời kỳ đầu là các cuộc chuyển giao cho Indonesia và Philippines vào giữa thập niên 2000. Vì các tàu này được bọc thép, nên việc chuyển giao chịu sự chi phối của Ba nguyên tắc của Nhật Bản về Xuất khẩu Vũ khí và các đối tác nhận chỉ được sử dụng chúng cho các hoạt động thực thi pháp luật, bao gồm chống cướp biển và chống khủng bố. Việc nới lỏng Ba nguyên tắc vào năm 2011 và 2014 đã tinh chỉnh quá trình chính sách, và trong những năm gần đây, Nhật Bản đã mở rộng các chương trình của mình để cung cấp tàu tuần tra. Tính đến nay, cảnh sát biển và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải ở Campuchia, Indonesia, Malaysia, Palau, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam đã nhận được các tàu tuần tra từ Nhật Bản.
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG TỰ VỆ NHẬT BẢN Ở ĐÔNG NAM Á
Những đợt triển khai tàu sớm nhất của JMSDF có mục tiêu cụ thể là tác động đến tình hình an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, phù hợp với các nỗ lực và khuôn khổ đa phương. Vào tháng 12 năm 2004, các tàu và máy bay của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (Japan Self-Defense Forces – JSDF) nằm trong số các lực lượng quốc tế đã ra quân sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương. Trong năm 2005, JMSDF đã tham gia cuộc tập trận trên biển để khai mạc Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương (Western Pacific Naval Symposium – WPNS) do Hải quân Cộng hòa Singapore tổ chức, và các sĩ quan của Lực lượng Tự vệ Trên bộ Nhật Bản đã tham gia vào hội thảo cứu trợ sóng thần và các phần tham mưu cấp cao của cuộc tập trận quân sự Thái Lan-Hoa Kỳ Cobra Gold. Kể từ đó, các cuộc tập trận hàng hải được tài trợ bởi các tổ chức đa phương như WPNS, Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) đã được tiến hành thường xuyên hơn, và JMSDF đã liên tục tham gia, thường là cử các đội quân đông nhất. Mặc dù có ý nghĩa quan trọng từ góc độ ngoại giao quốc phòng, những cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia này thường khá đơn giản và nhằm mục đích xây dựng lòng tin hơn là tăng cường năng lực hoạt động. Nhiều hoạt động trong số đó tập trung vào việc ứng phó với thiên tai hơn là những lo ngại về an ninh thông thường.
Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng của Nhật Bản năm 2010 đã trở thành chính sách quan trọng đầu tiên tuyên bố rằng JSDF sẽ bắt đầu tiến hành các nhiệm vụ xây dựng năng lực với các lực lượng quân đội nước ngoài. Hoạt động đầu tiên theo chính sách này là việc triển khai một tàu JMSDF vào năm 2010 để tiến hành các hoạt động xây dựng năng lực ở Campuchia và Việt Nam trong khuôn khổ chiến dịch Đối tác Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Kể từ đó, các tàu JMSDF đã tham gia vào Đối tác Thái Bình Dương mỗi năm, chỉ bỏ qua năm 2011 khi đang hỗ trợ các hoạt động ứng phó với thiên tai trong nước sau một trận động đất và sóng thần. Năm 2012, Nhật Bản đã thực hiện hoạt động xây dựng năng lực song phương đầu tiên ở Đông Nam Á, một hội thảo về y học dưới nước được tổ chức với Hải quân Việt Nam. Sự kiện song phương thứ hai là một hội thảo tập trung vào lĩnh vực hải dương học vào tháng 2 năm 2013 tại Trung tâm Hoạt động Hàng hải của Hải quân Indonesia ở Jakarta. Kể từ đó, Nhật Bản đã tiến hành các hoạt động xây dựng năng lực song phương tương tự với tám quốc gia đối tác khác. Trong số 10 đối tác này, tất cả ngoại trừ Mông Cổ đều là các quốc gia ven biển
ở Biển Đông hoặc Vịnh Bengal.
Vào tháng 12 năm 2013, Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên của Nhật Bản đã giải thích ý định chiến lược đằng sau các hoạt động này: “Nhật Bản sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia ven biển đó dọc theo các tuyến thông tin liên lạc trên biển cùng với các quốc gia khác trong việc tăng cường những năng lực thực thi pháp luật trên biển của họ và củng cố sự hợp tác với các đối tác trên các tuyến đường biển mà có chung lợi ích chiến lược với Nhật Bản”.
Trong thập kỷ qua, JMSDF cũng đã mở rộng các hoạt động ở Biển Đông. Không giống như các cuộc tập trận đa phương và các hoạt động xây dựng năng lực được đề cập ở trên, các hoạt động này dường như tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng các lựa chọn cho việc tiến hành các hoạt động hải quân cao cấp xung quanh vùng biển đó. Vì Nhật Bản không công khai địa điểm của các tàu thuyền và tàu ngầm của mình, không rõ những hoạt động triển khai này bắt đầu từ khi nào.
Một số nhà phân tích, bao gồm các đô đốc Nhật Bản đã nghỉ hưu, cho rằng JMSDF cũng đang chuẩn bị để sẵn sàng chống lại một trạm tàu ngầm tên lửa đạn đạo tiềm năng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mối lo ngại như thế sẽ giúp giải thích sự chú trọng của JMSDF vào những mối quan hệ đối tác của mình với Philippines và Việt Nam, các quốc gia kẹp giữa khu vực phía bắc của vùng biển này và nằm sát sườn căn cứ tàu ngầm quan trọng của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Mối quan hệ của JMSDF với Hải quân Philippines là mối quan hệ đối tác phát triển nhất trong số các nước ở Đông Nam Á. Các sĩ quan JMSDF đã bắt đầu dự khán cuộc tập trận Balikatan diễn ra hàng năm của Philippines và Hoa Kỳ vào năm 2012 và mức độ tham gia sau đó đã tăng lên. Vào năm 2016, tàu ngầm huấn luyện Oyashio của Nhật Bản đã ghé thăm Vịnh Subic ở Philippines cùng với hai tàu khu trục của JMSDF, và các thủy thủ đã tham gia vào các hoạt động xây dựng lòng tin với các đối tác Philippines. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm của JMSDF đến thăm Philippines sau 15 năm. Kể từ đó, tàu ngầm JMSDF đã thường xuyên đến thăm Vịnh Subic.
Philippines cũng là quốc gia đầu tiên và cho đến nay, là quốc gia duy nhất nhận thiết bị phòng thủ của Nhật Bản. Các cải cách chính sách vào năm 2014 đã cho phép Tokyo phê duyệt xuất khẩu quốc phòng cho quân đội đối tác, và vào năm 2017, hai máy bay huấn luyện TC-90 đã qua sử dụng của JMSDF đã được giao cho Lực lượng Vũ trang của Philippines. Tại đây, chúng được chỉ định là máy bay tuần tra trên biển C-90. Ba chiếc TC-90 nữa đã được chuyển giao vào năm 2018.
Nhật Bản cũng đã ưu tiên phát triển những mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Hoạt động nâng cao năng lực đầu tiên của JMSDF trong khu vực diễn ra trong đợt điều động tàu vận chuyển đổ bộ JS Kunisaki đến Qui Nhơn, Việt Nam vào năm 2010, trong khuôn khổ của Đối tác Thái Bình Dương. Tuy tập trung vào các hoạt động điều trị y tế và trao đổi văn hóa, chuyến thăm cũng bao gồm việc sử dụng các phương tiện đổ bộ lên một bãi biển Việt Nam. Năm tiếp theo, Việt Nam đã tổ chức các hoạt động xây dựng năng lực đầu tiên của JSDF ở Đông Nam Á mà không được hỗ trợ trong khuôn khổ một sự kiện của Hoa Kỳ hoặc đa phương. Kể từ đó, mối quan hệ đã phát triển, tuy chưa đạt đến mức độ bao gồm các cuộc tập trận hoặc hoạt động quốc phòng song phương.
Việc triển khai hàng năm các tàu chở trực thăng lớn, chẳng hạn như JS Izumo cho đợt triển khai kéo dài nhiều tháng đến Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, tóm lược bản chất đa dạng của các hoạt động của JMSDF trong khu vực. Vào năm 2016, trong lần đầu tiên triển khai như vậy, JS Ise là con tàu lớn nhất tại cuộc tập trận đa quốc gia Komodo do Indonesia tổ chức. Sau đó, con tàu này đi đến Biển Đông với một đội các chuẩn úy của những lực lượng hải quân trong WPNS để tham gia huấn luyện trong khi thực hiện một cuộc tập trận phối hợp ba bên với các tàu của Hải quân Hoàng gia Úc và Hải quân Hoa Kỳ. Sau chuyến thăm để bày tỏ thiện chí đến Manila, JS Ise là tàu lớn nhất tham gia Cuộc Tập trận Huấn luyện Thực địa về An ninh Hàng hải/Chống Khủng bố ADMM+ vào tháng 5 năm 2016 bắt đầu tại Brunei và kết thúc tại Singapore. Trong năm tiếp theo, JS Izumo, tàu lớn nhất của JMSDF, đã tiến hành hoạt động triển khai tương tự đến Đông Nam Á bao gồm: một chương trình đào tạo về an ninh hàng hải cho các sĩ quan của những lực lượng hải quân ASEAN trong khi các tàu ở Biển Đông; đón tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm cảng đến Manila; ghé thăm Sri Lanka; và hoàn thành hai ngày tập trận với các tàu từ Úc, Canada và Hoa Kỳ bao gồm các cuộc trao đổi giữa các sàn tàu và các sự kiện bắn đạn thật. Những đợt triển khai tương tự trong năm 2018 (JS Kaga) và 2019 (JS Izumo) kết hợp các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, những cuộc tập trận với hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng hải quân khác, hỗ trợ các chương trình an ninh hàng hải đa phương và xây dựng mối quan hệ song phương với các đối tác trong khu vực.
CÁC QUỸ ĐẠO TƯƠNG LAI CHO SỰ THAM GIA CỦA NHẬT BẢN VÀO AN NINH HÀNG HẢI Ở ĐÔNG NAM Á
Bản chất pha trộn của việc triển khai tàu nòng cốt của JMSDF đến các vùng biển Đông Nam Á phản ánh các mục tiêu hàng hải nhiều mặt của Nhật Bản trong khu vực này. Nhật Bản đang mở rộng các sáng kiến xây dựng năng lực đã diễn ra trong nhiều thập kỷ trong khu vực để đưa vào các khía cạnh quân sự. Các hoạt động này nhằm tăng cường các mối quan hệ với những quốc gia ven biển ngày càng giàu năng lực dọc theo các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhật Bản. Các hoạt động hải quân này, theo một số cách, là một bước tiến đơn giản trong chính sách lâu dài của Nhật Bản nhằm hỗ trợ sự phát triển của năng lực hàng hải. Tuy nhiên, sự mở rộng này phản ánh việc nới lỏng các hạn chế đối với chính sách trong nước của Nhật Bản và sự thoải mái ngày càng tăng của các đối tác Đông Nam Á trong việc tiếp đón các lực lượng Nhật Bản. Những năng lực ngày càng tăng cũng như hành vi khiêu khích trên biển của Trung Quốc đã đẩy nhanh quỹ đạo này, xét đến sự phụ thuộc lớn của Nhật Bản vào Biển Đông và những lo ngại của nước này rằng chiến dịch của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền ở đó có liên quan chặt chẽ đến chiến dịch chống lại Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Mục tiêu chiến lược bao trùm của Nhật Bản nhằm thúc đẩy tình trạng an toàn và an ninh bền vững của các tuyến đường biển quan trọng ở Đông Nam Á về cơ bản vẫn không thay đổi trong hơn 50 năm qua. Tuy nhiên, Nhật Bản đã ngày càng mở rộng phạm vi của những thách thức về an ninh khu vực mà nước này trực tiếp giải quyết và các cơ quan mà họ huy động để hỗ trợ trong nỗ lực này. Trong khoảng một thập kỷ qua, các cơ quan này đã bao gồm Bộ Quốc phòng và JMSDF. JMSDF hiện thường xuyên triển khai đến Biển Đông và có lịch sử về việc tiến hành các cuộc tập trận chiến đấu cấp cao với Hoa Kỳ và các lực lượng hải quân ngoài khu vực khác trong vùng biển tranh chấp đó. Lực lượng này có những đóng góp to lớn cho các cuộc tập trận đa phương trong khu vực và đã thực hiện các hoạt động xây dựng năng lực song phương với các lực lượng hải quân trong khu vực. Các hoạt động dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng với các yếu tố hạn chế chính là khả năng tham gia của các tàu và các nguồn lực khác của đội tàu.
Tính đến nay, các cam kết song phương ở Đông Nam Á gần như bị hạn chế chỉ trong các hoạt động bày tỏ thiện chí và các dự án khiêm tốn tập trung vào việc xây dựng năng lực cảnh sát của các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, có thể được kỳ vọng rằng Nhật Bản sẽ tham gia nhiều hơn vào việc hỗ trợ các quốc gia trong khu vực về năng lực phòng thủ quân sự. Thỏa thuận gửi các radar phòng không mới đến Philippines đặt ra một tiền lệ về phương diện này. Thái độ gây hấn trên biển kéo dài của Trung Quốc sẽ là một yếu tố thúc đẩy quan trọng, nhưng Nhật Bản vẫn sẽ quan tâm đến các mối đe dọa hàng hải khác và ngày càng tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc phòng của mình bên cạnh việc dựa vào Hoa Kỳ.
Với việc Bộ Quốc phòng và JMSDF cùng các cơ quan khác của Nhật Bản tham gia trực tiếp vào an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, khu vực này rõ ràng đã trở thành một trọng tâm mới trong chiến lược hàng hải của Nhật Bản. Điều quan trọng là các quốc gia Đông Nam Á phải nhận ra rằng khi sự tự kiềm chế của Nhật Bản được nới lỏng, họ sẽ phải đối mặt với những quyết định lớn hơn liên quan đến bản chất và phạm vi của mối quan hệ quốc phòng mà họ mong muốn với Nhật Bản.
Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế đã xuất bản bài viết này lần đầu vào tháng 9 năm 2020. Bài đã được biên tập để phù hợp với hình thức của DIỄN ĐÀN.