Các bài nổi bật

Lên Tiếng Cho Chủ quyền

Các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lên án  sự hung hăng trên biển của Trung Quốc

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Hành vi gây hấn liên tục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) ở Biển Đông đang thôi thúc các quốc gia Đông Nam Á bảo vệ chủ quyền hàng hải, các quyền khác và quyền tự do hàng hải của họ. Mặc dù đối đầu với một nước láng giềng hùng mạnh về kinh tế đòi hỏi phải tính toán đường đi nước bước cẩn thận, nhưng các quốc gia ở quanh Biển Đông đã và đang tăng cường những biện pháp phòng thủ hàng hải, lên tiếng chống lại hành động khiêu khích và bảo vệ lãnh hải của họ.

Việt Nam, nước chủ trì Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020, đã tập hợp các bộ trưởng quốc phòng của những quốc gia thành viên trong một tuyên bố vào tháng 12 năm 2020 kêu gọi khu vực “tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, và theo đuổi phương hướng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, mà không có sự ép buộc, tuân theo luật pháp quốc tế”.

10 thành viên ASEAN cũng như Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý với tuyên bố này. Tuyên bố đã không đề cập đến Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam đã đưa thông điệp này tiến một bước xa hơn, với một thông cáo báo chí cho biết các bộ trưởng đã đồng ý “sử dụng các biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề khác biệt, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và chủ quyền, bao gồm cả các tranh chấp ở Biển Đông”.

Trong một kỷ nguyên mà Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đánh bắt cá bất hợp pháp trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) của nước khác, gây áp lực lên các nước láng giềng buộc họ không được khai thác tài nguyên thiên nhiên, người nhận không nêu tên của thông điệp đã quá rõ ràng. Đối với Việt Nam, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và lãnh hải của nước này là một hành động để duy trì sự tồn tại, một chuyên gia cho biết. “Biển Đông gần như là một vấn đề sống còn đối với Việt Nam,” ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Tập đoàn Rand,. chia sẻ với DIỄN ĐÀN. 

Thủ tướng Việt Nam khi đó ông Nguyễn Xuân Phúc, ở giữa, phát biểu trước các bộ trưởng ngoại giao tham dự một cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng 9 năm 2020, trong đó đề cập đến những căng thẳng đang dâng cao ở Biển Đông. THE ASSOCIATED PRESS

Tuy nhiên, việc kháng cự nước láng giềng lớn hơn là điều khó khăn với Việt Nam. “Một mặt, Trung Quốc chắc chắn là một đối thủ của Việt Nam ở Biển Đông”, ông Grossman nhận định. “Việt Nam cũng rất dè chừng với Một vành đai, Một con đường [chương trình cơ sở hạ tầng] và việc xây đập trên sông Mê Kông cũng như cách điều đó ảnh hưởng đến Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ở khu vực hạ lưu”.

Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia mà Việt Nam gọi là một đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, danh hiệu cao nhất mà nước này gắn cho một quốc gia khác. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. “Họ thấy rõ rằng Trung Quốc sẽ chẳng biến đi đâu cả trong khu vực này”, ông Grossman nói. “Đó là một sự tính toán thiệt hơn cẩn thận mà Việt Nam buộc phải làm”.

Việt Nam đã âm thầm tán thành chiến lược của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở vì nước này có một vị thế cứng rắn trước thái độ khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và “đề xuất ý định của Washington trong việc duy trì sự hiện diện trong khu vực trong nhiều năm tới”, ông Grossman đã viết trong một bài báo vào tháng 1 năm 2021 cho tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat.

SỰ CAN THIỆP TỐN KÉM

Sự can thiệp của Trung Quốc vào công cuộc thăm dò dầu của Việt Nam ở Biển Đông đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính. Việt Nam đã trả tổng cộng 23 nghìn tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ) cho hai công ty dầu mỏ quốc tế sau khi hủy bỏ các dự án ở Biển Đông của họ do áp lực từ Trung Quốc, theo The Diplomat đưa tin vào tháng 7 năm 2020.

Công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Việt Nam, PetroVietnam, dự kiến sẽ phải thanh toán cho Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hai trong số các mỏ dầu tiềm năng của Repsol nằm ở rìa của EEZ của Việt Nam nhưng nằm trong đường chín đoạn không có căn cứ về mặt pháp lý mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Quyết định hủy bỏ hợp đồng của Việt Nam được đưa ra sau khi Trung Quốc tập hợp 40 tàu hải quân ngoài khơi bờ biển đảo Hải Nam, cách bãi khoan hai ngày đường.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa gạt bỏ mong muốn khai thác tài nguyên trong EEZ của mình. Nước này đang làm việc với công ty năng lượng Nhật Bản Inpex về một thỏa thuận khoan trong các khu mỏ ngoài khơi. Động thái này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, tờ South China Morning Post đưa tin vào tháng 1 năm 2021. 

Một viên chức của PetroVietnam, người đã từ chối được nêu tên, nói với tờ báo rằng ông tin rằng hoạt động khoan sẽ bắt đầu vào năm 2021. “Chúng tôi đã tính toán phản ứng từ phía Trung Quốc, nhưng chúng tôi chưa làm gì sai. Chúng tôi sẽ chỉ khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”, ông cho biết.

MỘT LỜI CHỈ TRÍCH HIẾM HOI

Malaysia cũng đang lên tiếng để bảo vệ các quyền trên biển của mình. Bộ trưởng ngoại giao nước này đã công bố vào tháng 8 năm 2020 rằng Malaysia đã đệ trình một văn bản lên Liên Hợp Quốc để làm rõ các quyền của mình đối với phần còn lại của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý (370km) so với đường cơ sở của nước này, Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein đã phát biểu trước Quốc hội vào tháng 8 năm 2020, theo Bloomberg đưa tin.

“Malaysia phản đối tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có những quyền lịch sử đối với các vùng biển đó”, ông Hishammuddin nói. “Chính phủ Malaysia cũng cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở trên Biển Đông là không có bất kỳ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế.” Theo Bloomberg đưa tin, sự chỉ trích này là một động thái bất thường của Malaysia, nước đã tránh phê phán Trung Quốc bằng cách hướng những lời bình luận vào việc đảm bảo rằng các tuyến đường thủy được thông thoáng cho hoạt động giao thương.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ở giữa, duyệt lính trên tàu Hải quân Kri Usman Harun của Indonesia tại Cảng Selat Lampa, Quần đảo Natuna. Chuyến thăm vào tháng 1 năm 2020 của ông Widodo diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên quan đến quyền đánh bắt cá. THE ASSOCIATED PRESS

Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự và tiền đồn trên các rạn san hô, bãi đá và bãi ngầm, đồng thời tuyên bố rằng nước này có quyền đối với gần 80% diện tích của Biển Đông. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với các phần của cùng một khu vực. Một tòa án quốc tế vào năm 2016 đã bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực rộng lớn là không phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Mặc dù nền kinh tế của Malaysia vẫn kết nối chặt chẽ với Trung Quốc, nước này đang hợp tác với các đối tác quốc phòng để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình. Đây là một trong bốn lực lượng quân đội ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ nhận các máy bay không người lái (unmanned aerial vehicle – UAV) từ Hoa Kỳ để tuần tra và tiến hành hoạt động trinh sát trên Biển Đông. Malaysia đã nhận được sáu chiếc ScanEagles vào tháng 5 năm 2020 và rốt cuộc sẽ nhận được tổng cộng 12 chiếc, còn Indonesia và Philippines mỗi nước sẽ nhận được tám chiếc. Việt Nam dự kiến sẽ nhận được sáu chiếc. Tất cả những bên nhận cho biết họ sẽ sử dụng UAV để hỗ trợ an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Hoa Kỳ sẽ tài trợ toàn bộ cho chương trình này với chi phí khoảng 32 tỷ đồng (1,4 triệu đô la Mỹ) cho mỗi máy bay. Việc giao 6 chiếc UAV còn lại cho Malaysia và 22 chiếc cho các nước khác được dự kiến sẽ hoàn thành muộn nhất là năm 2022.

INDONESIA ĐỨNG LÊN

Khi Cơ quan An ninh Hàng hải của Indonesia chặn một tàu khảo sát của Trung Quốc trong EEZ của nước này vào tháng 1 năm 2021, đây đơn thuần là cuộc đụng độ mới nhất trong một loạt các xung đột với tàu Trung Quốc trong vài năm qua. Theo Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia – RFA) đưa tin, tàu Xiang Yang Hong 03 đã tắt hệ thống theo dõi của mình, nên các tàu của chính phủ Indonesia đã hộ tống tàu này ra khỏi EEZ của Indonesia.

“Nếu họ đã liên tục di chuyển mà không thực hiện các hoạt động đáng ngờ, thì đó sẽ không phải là một vi phạm. Nhưng trong chuyến đi này, AIS [automatic identification system – hệ thống nhận dạng tự động] của họ đã bị tắt, và điều này đã làm dấy lên nghi ngờ,” Đô đốc Suwito, chỉ huy tác chiến của Cơ quan An ninh Hàng hải của Indonesia, đã nói với các phóng viên. “Chúng tôi hỏi tại sao AIS bị tắt, và câu trả lời của họ là nó đã bị hỏng”.

Indonesia đã nhiều lần đối đầu với Trung Quốc về các cáo buộc rằng các tàu đánh cá Trung Quốc, với sự hộ tống của các tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, hoạt động trong EEZ của nước này ngoài khơi quần đảo Natuna. Cảnh sát Biển Indonesia đã và đang tăng cường các biện pháp phòng thủ khi xung đột vẫn tiếp diễn. Vào đầu tháng 1 năm 2021, Indonesia đã mua 20 khẩu súng tiểu liên cho 10 tàu tuần tra, theo RFA đưa tin. Ngoài các loại súng 12,7 mm, lực lượng Cảnh sát Biển cũng đã nhận được sự chấp thuận từ Bộ Quốc phòng về việc mua các hệ thống súng tiểu liên 30 mm để phòng thủ trên tàu.

CÁC ĐỐI TÁC ĐỒNG CHÍ HƯỚNG

Các quốc gia Đông Nam Á cũng dựa vào các đối tác quốc phòng quốc tế để thực thi chủ quyền đối với các vùng biển của họ. Vào tháng 4 năm 2020, tàu chiến HMAS Parramatta của Úc đã tiến hành các cuộc tập trận với Hải quân Hoa Kỳ ở vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông. Hải quân Hoa Kỳ đã cử ba tàu chiến của mình đến Biển Đông “để hỗ trợ an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Hoạt động triển khai này xảy ra trong giai đoạn căng thẳng gia tăng. Chỉ vài ngày trước đó, Trung Quốc đã thiết lập các cơ quan hành chính trên các đảo ở Biển Đông và trước đó một tháng đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu mới về các rạn san hô nhân tạo trong vùng lãnh thổ mà Philippines và những nước khác tuyên bố chủ quyền.

Trong bối cảnh những hành động gây tranh cãi đó, các quốc gia trong khu vực đã hoan nghênh sự lên án mạnh mẽ của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lúc bấy giờ ông Mike Pompeo vào tháng 7 năm 2020 đối với các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc, ông Grossman cho biết. 

Ông Pompeo đã phát biểu trong tuyên bố: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như đế quốc hàng hải của mình”. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ mới được phê chuẩn Antony Blinken đã bày tỏ lập trường nhất quán khi ông nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin vào cuối tháng 1 năm 2021. “Bộ trưởng Blinken đã cam kết sẽ sát cánh cùng các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở khu vực Đông Nam Á trước áp lực từ phía Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí. 

Các quốc gia Biển Đông tham gia vào các tranh chấp biển với Trung Quốc đánh giá cao sự hỗ trợ này, nhà phân tích quốc phòng Grossman cho biết. Trong trường hợp của Việt Nam, nước này “có lẽ cảm thấy tự tin hơn rằng Hoa Kỳ có kế hoạch ủng hộ Hà Nội trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền đối với đảo Trường Sa nằm trong EEZ của mình. Đáng nói là, Washington đặc biệt nhấn mạnh rằng Bãi cạn Tư Chính — nơi xảy ra cuộc xung đột lớn gần nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2019 — là một phần không thể chối cãi trong EEZ của Việt Nam”, ông Grossman đã viết trên The Diplomat.

Ông Grossman đã nói với DIỄN ĐÀN rằng Việt Nam muốn thấy sự cam kết lâu dài của Hoa Kỳ ở Biển Đông và rằng các nhà lãnh đạo hài lòng với các tuyên bố của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Ông Grossman nói: “Mặc dù Việt Nam không thể bày tỏ phản ứng vui mừng khôn xiết của mình đối với tuyên bố của ông Pompeo, nhưng rõ ràng Việt Nam đã thầm hài lòng về điều đó”.

Chiến lược về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở đòi hỏi các đồng minh và đối tác phải hợp lực cùng nhau để giữ cho các tuyến đường biển quốc tế được thông thoáng và các vùng lãnh hải được bảo vệ, ông chia sẻ. “Tôi nghĩ rằng đó là hy vọng của Hoa Kỳ, và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở dọn đường cho điều đó. Hoa Kỳ muốn có các đối tác cùng chí hướng, những bên cũng đang phải đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó chính là nơi ý tưởng đến gần hơn với thực tiễn.”  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button