Hoa Kỳ đối phó với nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, lao động cưỡng bức ở Thái Bình Dương

Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Hoa Kỳ cho biết họ đã giáng một đòn chí mạng vào hoạt động lao động cưỡng bức và đánh bắt cá bất hợp pháp ở các đảo Thái Bình Dương vào tháng 8 năm 2021 khi họ chặn một tàu mang cờ Fiji nhập khẩu cá ngừ vào Hoa Kỳ.
Theo Associated Press (AP) đưa tin, lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã ban hành lệnh ngừng nhập khẩu từ Hangton số 112, một tàu đánh bắt cá ngừ bằng dây câu dài dưới sự điều hành của một công dân Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas đã phát biểu trong một thông cáo báo chí rằng: “Các công ty bóc lột nhân công của họ không được phép kinh doanh tại Hoa Kỳ”. “Các sản phẩm được làm ra từ lao động cưỡng bức không chỉ bóc lột người lao động, mà còn gây tổn hại cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và dẫn đến những lựa chọn mua hàng thiếu đạo đức cho người tiêu dùng”.
Đây là hành động mới nhất nhắm vào các tàu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được vận hành bởi những người lao động di cư đang phải chịu những điều kiện làm việc tồi tệ. Chỉ ba tháng trước đó, Hoa Kỳ đã chặn hàng nhập khẩu từ toàn bộ 30 tàu do một đội tàu đánh cá của Trung Quốc vận hành vì lý do là cách những tàu đó đối xử với thủy thủ đoàn của mình. Hoa Kỳ đã cấm hải sản từ Dalian Ocean Fishing. Tàu này buộc các thủy thủ phải làm việc trong điều kiện giống như nô lệ, dẫn đến cái chết của một số ngư dân Indonesia vào năm 2020, các quan chức cho biết.
Đã có nhiều ghi chép về các điều kiện vô nhân đạo như vậy trong các đội tàu đánh cá xa bờ, nhưng một số đơn vị vận hành tàu đã điều chỉnh chiến thuật để tránh bị phát hiện. Trường hợp của Hangton số 112 là một ví dụ về cái mà các chuyên gia gọi là việc sử dụng “cờ thuận tiện” (flags of convenience – FOC) để che giấu quyền sở hữu.
Trong báo cáo vào tháng 10 năm 2020 “Trốn tránh Trách nhiệm: Cờ thuận tiện tạo điều kiện cho hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp thoát các biện pháp trừng phạt như thế nào” (“Off the Hook: How flags of convenience allow illegal fishing to go unpunished”), tổ chức từ thiện Tổ chức Công lý Môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh nhận thấy rằng việc các đơn vị vận hành tàu sử dụng cờ của các quốc gia khác “làm trầm trọng thêm bản chất mập mờ của ngành đánh bắt cá, cản trở các nỗ lực nhằm xác định và xử phạt những người hưởng lợi cuối cùng của các hoạt động đánh bắt cá IUU [bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định], cung cấp cho họ một lối thoát dễ dàng”.
Mặc dù không có định nghĩa phổ quát về FOC trong ngành thủy sản, Liên đoàn Người lao động trong ngành Giao thông Vận tải Quốc tế định nghĩa khái niệm này là khi người hưởng lợi của hoạt động đánh bắt cá cư trú tại một quốc gia khác với quốc gia mà tàu mang cờ. (Ảnh: Một người lính của Hải quân Indonesia đứng canh một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc đang đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của Indonesia vào năm 2016.)
Ví dụ, đôi khi các tàu đánh cá bằng lưới rà của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) không treo cờ Trung Quốc. Trường hợp của quốc gia châu Phi Ghana minh họa cách Trung Quốc xâm nhập vào cái đáng lẽ phải là một ngành công nghiệp được kiểm soát nội địa.
Ghana cấm quyền sở hữu của người nước ngoài trong lĩnh vực tàu lưới rà, nhưng các công ty Trung Quốc đã hoạt động thông qua các công ty Ghana làm bình phong để nhập khẩu tàu của họ vào đội tàu và có được giấy phép đánh bắt cá, báo cáo của Tổ chức Công lý Môi trường cho biết. “Trên giấy tờ, quyền lợi hoàn toàn thuộc về người Ghana, trong đó có Hội đồng quản trị của chủ doanh nghiệp đã đăng ký. Tuy nhiên, thực tế là 90-95% đội tàu đánh cá bằng lưới rà của Ghana có kết nối với những lợi ích của Trung Quốc”.
Một cuộc điều tra gần đây của tổ chức phi lợi nhuận Đối thoại Trung Quốc phát hiện ra 35 tàu đánh cá bằng lưới rà hoạt động trên khắp Ghana, Guinea và Sierra Leone đều thuộc sở hữu của Dalian Mengxin Ocean Fisheries, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Mười bảy trong số các tàu này treo cờ Ghana.
Điều này có thể tạo ra một lỗ hổng trong việc thực thi luật pháp, cũng như một mối đe dọa về khả năng cạnh tranh nếu các đơn vị vận hành tàu có dính líu đến lao động nô lệ. “Đại dương của chúng ta đang bị đe dọa”, Tổ chức Công lý Môi trường báo cáo. “Việc đánh bắt quá mức đã đẩy nhiều trữ lượng thủy sản đến bờ vực, và một số đã bị sụp đổ hoàn toàn”.
HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES