Câu chuyện Nổi bật

Các nhà máy than mới đe dọa những mục tiêu khí hậu của Trung Quốc

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tiếp tục xây dựng các nhà máy điện sử dụng than, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau khi thời kỳ phong tỏa nhưng khiến người ta phải đặt ra câu hỏi về khả năng của đất nước này trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu của mình.

Theo Reuters đưa tin, các cơ quan lập kế hoạch cấp địa phương ở Trung Quốc đã phê duyệt 24 nhà máy điện sử dụng than mới trong nửa đầu năm 2021. Những phê duyệt này được đưa ra khi một hội đồng khí hậu của Liên Hợp Quốc nói rằng biến đổi khí hậu đang sắp vượt khỏi tầm kiểm soát vào đầu tháng 8 năm 2021. Hội đồng này đã kêu gọi hành động ngay lập tức và ở quy mô lớn để giảm phát thải.

Tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên báo cáo rằng Trung Quốc không chỉ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới mà còn là nước thải ra lượng lớn nhất khí nhà kính khiến khí hậu nóng lên. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết đến năm 2030 lượng khí thải carbon sẽ lên mức cao nhất và đến năm 2060 sẽ bằng không, nhưng các tỉnh địa phương cần năng lượng tiếp tục phê duyệt các dự án than mới.

Đến năm 2026 chính phủ trung ương mới bắt đầu cắt giảm lượng tiêu thụ than, mặc dù họ đã cam kết sẽ kiểm soát số lượng các dự án than được đưa vào hoạt động. Bà Li Danqing, một nhà vận động về khí hậu và năng lượng ở Bắc Kinh cho nhóm bảo vệ môi trường Greenpeace, nói với Reuters: “’Kiểm soát’ không nhất thiết có nghĩa là không phê duyệt các nhà máy điện sử dụng than mới, vì vậy chúng ta vẫn đang thấy những phê duyệt mới”. “Mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương vẫn là vấn đề cốt lõi”.

Người dân Trung Quốc đã và đang phải hít thở bầu không khí là hậu quả của tình trạng tiếp tục phụ thuộc vào than này. Vào tháng 3 năm 2021, một bài viết được xuất bản bởi Trường Môi trường Yale, có tiêu đề “Bất chấp các Cam kết sẽ Cắt giảm Khí thải, Trung Quốc vẫn Thỏa sức dùng Than” (“Despite Pledges to Cut Emissions, China Goes on a Coal Spree”). Bài viết nói rằng gần đây tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh đạt mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2019. Thép, xi măng và các ngành sản xuất nặng khác dùng năng lượng từ than đá đã đẩy lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc tăng thêm 4% trong nửa cuối năm 2020 so với năm trước đó.

Trung Quốc chiếm 28% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu và vẫn đang xây dựng các nhà máy điện dùng than với tốc độ sẽ tạo ra công suất điện than mới cao gấp ba lần so với tất cả các quốc gia khác cộng lại, bài viết của Yale cho biết. (Ảnh: Trung Quốc tiếp tục xây dựng các nhà máy điện đốt than như nhà máy này ở Hoài Nam và đứng đầu thế giới về lượng khí thải carbon dioxide.)

Tình trạng lệ thuộc vào than dường như đi ngược lại với mong muốn mà nước này đã bày tỏ về việc cắt giảm lượng khí thải. Một chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang trông cậy vào công nghệ mới để đạt được mục tiêu đến năm 2060 sẽ trung hòa lượng carbon. Ông Swithin Lui, một nhà phân tích tại Climate Action Tracker và Viện NewClimate, cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang trông đợi vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon chưa có khả năng triển khai rộng rãi, việc mở rộng thêm năng lượng tái tạo, thủy điện, pin nhiên liệu hydro và điện hạt nhân. “Không có kế hoạch triển khai nào cho điều đó”, ông Liu nói, theo bài báo của Yale. “Về cơ bản là né tránh tương lai mà thôi.”

Tuy nhiên, một trong những lựa chọn đó là khô kiệt theo nghĩa đen. Theo Reuters, hạn hán nghiêm trọng gây ra bởi biến đổi khí hậu đang làm cạn kiệt các con sông và hồ chứa đóng vai trò then chốt đối với sản xuất thủy điện ở một số quốc gia, bao gồm Brazil, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hạn hán có thể đe dọa những tham vọng quốc tế trong việc chống lại quá trình nóng lên trên toàn cầu bằng cách cản trở nguồn năng lượng sạch hàng đầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thủy điện chiếm gần 16% sản lượng điện của thế giới.

Trung Quốc vẫn đang hồi phục sau một đợt hạn hán nghiêm trọng ở phía tây nam tỉnh Vân Nam mà đã đe dọa nguồn nước của hơn 2 triệu người.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button