Các bài nổi bật

An Ninh Hàng Hải Của Pháp Ở Khu Vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey chia sẻ những góc nhìn về khu vực với DIỄN ĐÀN

Là một quốc gia về danh nghĩa ở Thái Bình Dương, Pháp quan tâm đến các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các vùng lãnh thổ của Pháp trong khu vực này là nơi sinh sống của 1,6 triệu người, và có 200.000 công dân Pháp sống ở các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey, tổng tư lệnh của Pháp phụ trách khu vực hàng hải châu Á-Thái Bình Dương, được gọi là ALPACI, và Lực lượng Vũ trang ở Polynesia thuộc Pháp, nói với DIỄN ĐÀN. Ông Rey đã làm nhiệm vụ trên biển trong 25 năm, chủ yếu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông tốt nghiệp khóa học Chỉ huy và Tham mưu Cao cấp ở Vương quốc Anh và các khóa học tương đương của Pháp. Ông đã giữ các vị trí từ chỉ huy trung đội biệt kích, chỉ huy tàu tuần tra và chỉ huy tàu khu trục đến tổng tham mưu trưởng của nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle và chỉ huy tàu khu trục phòng không Forbin. Được điều động tới Bộ Ngoại giao, ông cũng là cố vấn cho hợp tác an ninh và quốc phòng ở châu Á và Nam Mỹ. Từ năm 2017-2020, ông đã giữ cương vị phó giám đốc của đơn vị Hỗ trợ Dịch vụ Hạm đội, giám sát việc chuẩn bị hoạt động của các tàu nổi, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay.

Vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) của Pháp ở Thái Bình Dương lớn đến mức nào?

Pháp có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Trong một loạt các EEZ trong khu vực, EEZ Thái Bình Dương của Pháp là vùng lớn nhất với diện tích 6,8 triệu kilomet vuông phân bố xung quanh bốn trung tâm nằm giữa Úc và Mêhicô. Các khu vực đó bao gồm Clipperton, Polynesia thuộc Pháp, New Caledonia, cùng với Wallis và Futuna.

Vùng EEZ được kiểm soát như thế nào?

Vì diện tích rộng lớn nên việc giám sát và kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế này thực sự là một thách thức. Công tác bảo vệ EEZ bao gồm bốn nhiệm vụ chính: an toàn hàng hải (tìm kiếm và cứu hộ, giám sát giao thông tàu thuyền); bảo vệ môi trường (ứng phó và sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu); an ninh hàng hải (thực thi pháp luật, chống khủng bố); cũng như ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp (đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (illegal, unreported and unregulated – IUU), và nạn buôn bán người, ma túy hoặc vũ khí).

Lực lượng Vũ trang Pháp sử dụng những tiềm lực nào?

Lực lượng Vũ trang Pháp ở Thái Bình Dương được trang bị các phương tiện linh hoạt như tàu hộ vệ giám sát, tàu tuần tra, tàu hỗ trợ và trợ giúp ở vùng biển ngoài khơi và tàu kéo hoạt động ở vùng ven biển. Các loại máy bay như Falcon Guardian, Casa và trực thăng Dolphin cũng được sử dụng. Ngoài ra, hoạt động giám sát bằng vệ tinh cho phép bao phủ các khu vực rộng lớn.

Đối với các nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, tôi điều phối hoạt động của tất cả các cơ quan và công tác liên quan đến biển như hải quan, bộ phận các vấn đề hàng hải, lực lượng hiến binh, cảnh sát quốc gia và cơ quan quản lý của Polynesia, cơ quan này phụ trách bảo vệ tài nguyên hàng hải. Vào năm 2011, một Trung tâm Liên Cơ quan Hàng hải đã được tạo ra để cải thiện công tác giám sát hàng hải. Trung tâm này bao gồm ba nhánh, mỗi nhánh phụ trách một mảng là hợp nhất thông tin, giám sát đánh bắt cá, tìm kiếm và cứu hộ.

Tàu ngầm tấn công FS Emeraude của Hải quân Pháp di chuyển theo đội hình với tàu khu trục chở trực thăng JS Hyuga của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản vào tháng 12 năm 2020 trong khi thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải tích hợp. TRUNG SĨ NHÌ MARKUS CASTANEDA/HẢI QUÂN HOA KỲ

Sự hiện diện trên biển của Pháp có giới hạn trong EEZ của Pháp không?

Không. Các mối đe dọa an ninh hàng hải không bị giới hạn bởi các đường biên hàng hải quốc gia, và tôi tin rằng chúng ta phải áp dụng một cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết các thách thức hàng hải ở Thái Bình Dương.

Với 7.000 đến 10.000 người làm trong ngành quốc phòng, Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất duy trì sự hiện diện quân sự thường trực, điều này nhấn mạnh cam kết trong khu vực và tham vọng toàn cầu của nước này. Tổ chức quân sự này phụ thuộc vào hai bộ chỉ huy trong khu vực: một cho khu vực hàng hải của Ấn Độ Dương ở Abu Dhabi, được gọi là ALINDIEN và đơn vị của tôi ở Papeete là cho ALPACI. Ngoài ra, ba bộ chỉ huy địa phương ở Djibouti, La Reunion và New Caledonia thường xuyên cung cấp tiềm lực và sự hỗ trợ cho tiền tuyến, đồng thời bảo vệ EEZ riêng của họ.

Trong khuôn khổ này, ông sẽ hiểu rằng tôi không có ý định giới hạn hành động của Pháp trong nội bộ các EEZ của Pháp. Là một cường quốc hạt nhân và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Pháp tham gia đầy đủ vào việc đối phó với các mối đe dọa hàng hải trong khu vực cũng như phòng ngừa khủng hoảng. Các tài sản quân sự được đặt cố định ở Thái Bình Dương có thể dễ dàng được tăng cường bởi các tàu hoặc máy bay đến từ vùng đất liền của Pháp. Ví dụ như, nhóm tác chiến tàu sân bay của Pháp đã hoạt động trong khu vực vào năm 2019 khi tàu sân bay Charles de Gaulle ghé thăm cảng tại Singapore trong thời gian diễn ra Đối thoại Shangri-La, và máy bay tầm xa của Pháp đã cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt quan trọng ở Thái Bình Dương trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Những hoạt động triển khai khác, bao gồm nhóm đặc nhiệm hoạt động cả trên cạn và dưới nước, tàu khu trục hoặc máy bay tuần tra trên biển của chúng tôi, đã được lên kế hoạch và sẽ được đổi mới hàng năm. Ngay cả khi chúng ta xử lý những mối lo ngại hàng hải, thì cách tiếp cận liên cơ quan vẫn đóng vai trò cơ bản trong việc đạt được hiệu quả hoạt động.

Các lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của tôi cũng đối phó với tình trạng gia tăng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên, đảm bảo tự do hàng hải trên biển và trên không trong các khu vực chung, và với chủ nghĩa đa phương.

Những thách thức chính trong khu vực này là gì?

Bảo vệ quyền tự do hàng hải là nhiệm vụ tối quan trọng. An ninh hàng hải trên toàn thế giới đều dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS). Luật này nhằm mục đích duy trì quyền tự do hàng hải. Cam kết về hải quân của Pháp trên khắp Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ này. UNCLOS đã được đàm phán trong một thời gian dài giữa hơn 150 quốc gia. Năm 1982, tại Vịnh Montego, Jamaica, họ đã đưa ra một thỏa thuận dựa trên sự thỏa hiệp tốt nhất giữa quyền của các quốc gia ven biển trong việc khai thác tài nguyên hàng hải và nguyên tắc có tính lịch sử về quyền tự do đi lại bên ngoài vùng lãnh hải. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều phải bảo vệ và thúc đẩy sự thỏa thuận này.

 Những thách thức an ninh trên biển bao gồm vô vàn những chủ đề khác nhau, bao gồm cướp biển, đánh bắt cá IUU, biến đổi khí hậu, buôn bán bất hợp pháp và người tị nạn.

Buôn bán ma túy là một vấn đề rất quan trọng. Pháp có những hành động như thế nào để xử lý vấn nạn này?

Để chống lại những kẻ buôn bán ma túy, chiến lược trên biển của chúng tôi bao gồm:

Giám sát lượng tàu bè đi vào và đi ra, đặc biệt là những tàu bè di chuyển chậm, thuyền buồm hoặc tàu đánh cá đi vào hoặc rời khỏi khu vực hàng hải của chúng tôi.

Phân tích các cơ sở dữ liệu hàng hải để phát hiện những tín hiệu yếu.

Chia sẻ thông tin hàng hải với các đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp Hoa Kỳ phía Tây và Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp Hoa Kỳ phía Nam.

Khi tất cả các thông tin này cho thấy cần có một sự can thiệp, thì tôi chịu trách nhiệm điều phối trên biển tất cả các công tác có liên quan (hiến binh, hải quan và công tố viên).

Nhờ chiến lược này, các tàu thuyền của Pháp đã tịch thu hơn 5 tấn cocain từ các tàu trên đường từ Trung Mỹ đến Úc/New Zealand trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020. Hàng trăm tàu thuyền cũng bị lực lượng hiến binh và các đơn vị hải quan kiểm tra.

Nhiều quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lo lắng về việc đánh bắt cá quá mức. Chiến lược của Pháp trong lĩnh vực này là gì?

Về việc đánh bắt cá bất hợp pháp, chiến lược của Pháp dựa trên ba hoạt động chính:

Theo dõi các hành vi bất thường hoặc đáng ngờ thông qua các cảm biến điện tử. 

Tối đa hóa lợi ích từ hình ảnh vệ tinh.

Triển khai các tài sản trên không và trên biển.

Do đó, các tàu đánh cá nước ngoài biết rằng họ đang bị theo dõi, trong và ngoài EEZ, nên họ sẽ không mạo hiểm để đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của chúng tôi.

Trong năm 2020, chúng tôi liên tục giám sát 1.677 tàu đánh cá nước ngoài và máy bay Guardian đã bay trên 304 tàu đánh cá trong EEZ và khu vực xung quanh.

Các thông lệ hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả với các quốc đảo Thái Bình Dương cũng được áp dụng. Ví dụ về các biện pháp như vậy bao gồm chia sẻ thông tin hàng hải mỗi tuần một lần, tàu Pháp tuần tra trong các EEZ khác, triển khai sĩ quan liên lạc trên tàu Hải quân và đào tạo về công tác thực thi pháp luật cho chính quyền địa phương.

Pháp hợp tác với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác theo cách nào?

Pháp duy trì những mối quan hệ song phương với tất cả các quốc gia trong khu vực thông qua mạng lưới ngoại giao quan trọng của mình, cũng như thông qua sự hợp tác quân sự thường xuyên.

Hơn nữa, Pháp đã hội nhập đầy đủ vào các tổ chức đa quốc gia, chẳng hạn như Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương, cuộc họp của các Chỉ huy An ninh Thái Bình Dương, và Nhóm Công tác về Vận tải Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Pháp đã tham gia vào Cuộc họp-Mở rộng gần đây nhất của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á].

Từ năm 2002, Pháp cũng là thành viên của một tổ chức hợp tác quốc phòng bốn bên. Nhóm này được thành lập vào năm 1992 theo sáng kiến của Úc, New Zealand và Hoa Kỳ nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc đảo để tối ưu hóa sự hợp tác có cấu trúc cho hợp tác song phương về quân sự và an ninh. Tổ chức này cũng nỗ lực nhằm tăng cường đối thoại chính trị giữa các quốc gia ở Thái Bình Dương và theo kịp bất kỳ diễn biến nào liên quan đến an ninh.

Pháp tham gia vào nhiều cuộc tập trận trong khu vực, chẳng hạn như Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific – RIMPAC). Ngay cả trong bối cảnh đầy thách thức vì có đại dịch, chúng tôi đã có thể cử một tàu Hải quân Pháp tham gia vào cuộc tập trận quan trọng này. Điều đó cho thấy mối quan hệ đối tác bền chặt mà chúng tôi có với Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng như với tất cả các lực lượng của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng RIMPAC không phải là cuộc tập trận quan trọng duy nhất. Tôi không thể ngừng lời mà không đề cập đến các cuộc tập trận Marara và Croix du Sud, được tổ chức bởi Pháp, luân phiên hai năm một lần, ở Polynesia và New Caledonia. Cuộc tập trận Marara vào tháng 4 và tháng 5 năm 2021 đã mô phỏng một chiến dịch viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai ở một quốc đảo Thái Bình Dương và đã thể hiện một cơ hội quan trọng để tập huấn cùng nhau và trao đổi kinh nghiệm về một kịch bản thực tế.

Ông còn lời cuối nào muốn chia sẻ không?

Thường xuyên triển khai các phương tiện hải quân và/hoặc không quân trong không gian rộng lớn này góp phần duy trì những mối quan hệ song phương và đa phương với các đối tác của Pháp. Hai tàu hộ tống của chúng tôi (một đặt tại Tahiti và một đặt tại Noumea) được nhiều người biết đến không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở Đông Thái Bình Dương. Pháp cũng triển khai từ Pháp đến khu vực Thái Bình Dương, thường xuyên hết mức có thể, nhóm đặc nhiệm Jeanne d ‘Arc (gần như hàng năm kể từ năm 2013), bao gồm một bến đỗ trực thăng và một tàu hộ tống, cũng như nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc tàu khu trục.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến những năng lực của Pháp trong việc triển khai các phương tiện hàng không trong thời gian ngắn tới các địa điểm cách xa căn cứ của mình trong phần đất liền của nước Pháp. Vào tháng 8 năm 2018, những phương tiện tham gia Nhiệm vụ Pegase (bốn máy bay chiến đấu Rafale và máy bay hỗ trợ) đã đến thăm một số quốc gia đối tác ở châu Á sau khi tham dự cuộc tập trận Pitch Black ở Úc.  


Pháp: Một Quốc gia thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Các ưu tiên chiến lược của Pháp trong khu vực đầy thách thức này được xác định trong “Chiến lược Quốc phòng của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, được ấn hành vào năm 2019:

Bảo vệ và đảm bảo toàn vẹn chủ quyền của Pháp, và việc bảo vệ công dân, lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.

Đóng góp vào an ninh môi trường khu vực thông qua sự hợp tác về quân sự và an ninh.

Duy trì quyền tiếp cận tự do và rộng mở tới những khu vực chung, cùng với sự hợp tác của các đối tác, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu và môi trường quân sự đầy thách thức.

• Hỗ trợ trong việc duy trì sự ổn định và cân bằng chiến lược thông qua hành động toàn diện và
đa phương.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button