Câu chuyện Nổi bật

Nhật Bản và Anh mở rộng quan hệ quốc phòng trên biển

Reuters và The Associated Press

Vào tháng 7 năm 2021, Vương quốc Anh thông báo rằng họ sẽ triển khai cố định hai tàu chiến đến các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nước này, trong ảnh, và các tàu hộ tống đi đến Nhật Bản vào tháng 9 thông qua các vùng biển mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đang tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Các kế hoạch cho chuyến thăm cấp cao của nhóm tác chiến tàu sân bay được đưa ra khi Vương quốc Anh tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản, nước đã bày tỏ tình trạng lo lắng ngày càng tăng trong những tháng gần đây về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả mối đe dọa về việc hợp nhất hòn đảo Đài Loan tự quản với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace cho biết trong một thông báo chung tại Tokyo với người đồng cấp Nhật Bản, ông Nobuo Kishi, rằng: “Sau khi nhóm tác chiến được triển khai lần đầu, Vương quốc Anh sẽ phân công cố định hai tàu trong khu vực từ cuối năm nay”.

Đại sứ quán Anh tại Tokyo đã không trả lời ngay lập tức khi được hỏi là các tàu của Hải quân Hoàng gia sẽ hoạt động từ cảng nào trong khu vực này.

Sau khi đến Nhật Bản, ông Kishi cho biết, tàu HMS Queen Elizabeth và các tàu hộ tống sẽ tách ra để thực hiện các cuộc viếng thăm riêng biệt đến các căn cứ hải quân của Hoa Kỳ và Nhật Bản dọc theo quần đảo Nhật Bản.

Là một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, Nhật Bản tiếp nhận số lượng các lực lượng quân đội Hoa Kỳ lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ, bao gồm tàu, máy bay và hàng ngàn Lính thủy đánh bộ.

Tàu sân bay của Vương quốc Anh, đang chở các máy bay phản lực tàng hình F-35B trong chuyến đi đầu tiên, sẽ neo đậu tại Yokosuka, nơi có bộ chỉ huy hạm đội của Nhật Bản và tàu USS Ronald Reagan, tàu sân bay của Hoa Kỳ duy nhất được triển khai ở nước ngoài.

Tàu HMS Queen Elizabeth đang được hộ tống bởi hai tàu khu trục, hai tàu hộ vệ, hai tàu hỗ trợ và các tàu từ Hoa Kỳ và Hà Lan.

Con tàu sẽ đến Nhật Bản qua Biển Đông, nơi Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền với một số khu vực, với các điểm dừng ở Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc.

Trong một dấu hiệu nữa về sự tham gia ngày càng tăng trong khu vực này của Anh, ông Wallace, người đã đến Nhật Bản cùng với một phái đoàn các chỉ huy quân đội, cho biết sau này Vương quốc Anh cũng sẽ triển khai một Nhóm Phản ứng Ven biển, một đơn vị Thủy quân lục chiến được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ bao gồm sơ tán và các hoạt động chống khủng bố.

Ông Wallace cho biết chuyến thăm của tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia là một phần trong chiến lược “nghiêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của nước ông mà có các mục tiêu chung với Nhật Bản.

Ông phát biểu trong một cuộc họp báo: “Cả hai nước chúng tôi đều muốn bảo vệ và duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc”.

Nhật Bản cũng đã và đang tìm cách mở rộng và thắt chặt hơn những mối quan hệ an ninh với các quốc gia khác, bao gồm Úc, Pháp và các nước Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Ông Kishi cho biết Vương quốc Anh là một đối tác quan trọng trong việc giải quyết những thách thức chung mà họ phải đối mặt trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nói: “Chúng tôi đã khẳng định vị thế chung của mình trong việc cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Ông Wallace cho biết nhiệm vụ của hai quốc gia cùng chí hướng là “bảo vệ những bên không thể tự bảo vệ mình trước những đối thủ sẽ đe dọa họ”.

Ông Wallace và ông Kishi cho biết họ cũng đồng ý đẩy nhanh các cuộc thảo luận về khả năng hợp tác trên máy bay chiến đấu FX thế hệ tiếp theo của Nhật Bản, tập trung vào các hệ thống động cơ và hệ thống phụ.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button