Câu chuyện Nổi bật

Hoa Kỳ tặng tàu tuần tra để tăng cường an ninh hàng hải của Việt Nam

Tom Abke

Một tàu tuần tra do Hoa Kỳ chế tạo đã đến vùng biển Việt Nam vào ngày 14 tháng 7 năm 2021, trong khuôn khổ của sự hợp tác giữa các đối tác an ninh được thiết kế nhằm tăng cường việc thực thi pháp luật hàng hải của Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển quyền sở hữu tàu tuần tra dài 115 mét từ Cảnh sát Biển Hoa Kỳ (U.S. Coast Guard – USCG) sang Cảnh sát Biển Việt Nam (Vietnam Coast Guard – VCG) thông qua chương trình Tài trợ Quân sự Ngoại giao (Foreign Military Financing – FMF) của Hoa Kỳ. Đó là tàu tuần duyên thứ hai được cung cấp cho Hà Nội theo chương trình này.

Theo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), đài truyền thanh nhà nước của Hà Nội, tàu tuần duyên này dự kiến sẽ tăng cường hoạt động thực thi pháp luật hàng hải, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ cũng như những nhiệm vụ nhân đạo khác của Việt Nam.

Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Illegal, unreported and unregulated – IUU) là một thách thức thường xuyên trong công tác thực thi pháp luật đối với Việt Nam, đặc biệt là với các tàu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo Đài Á Châu Tự Do đưa tin, đội tuần tra của VCG đã ngăn chặn và bắt giữ hai tàu Trung Quốc tham gia vào hoạt động đánh bắt cá IUU trên vùng biển Việt Nam ngoài khơi thành phố Móng Cái ở phía bắc vào tháng 9 năm 2020.

“Việc tặng tàu tuần duyên này cho Việt Nam là một ví dụ cụ thể nữa về tăng cường quan hệ đối tác an ninh Hoa Kỳ-Việt Nam trong khu vực,” một tuyên bố từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết.

USCG bắt đầu huấn luyện một thủy thủ đoàn gồm 46 người từ Việt Nam tại căn cứ ở Seattle, Washington, vào tháng 2 năm 2021. Vào ngày 1 tháng 6 năm 2021, tàu tuần duyên đã khởi hành lên đường đến Việt Nam, nơi thủy thủ đoàn được yêu cầu cách ly trong 21 ngày trước khi cập bờ do các hạn chế về COVID-19.

Được đổi tên thành CSB 8021 bởi VCG, tàu tuần duyên này trước đây được gọi là USCGC John Midgett, VOV cho biết thêm. Được chế tạo vào những năm 1960, tàu tuần duyên này được sửa chữa lại tại xưởng đóng tàu Lake Union Drydock Co. ở Seattle. Nó có trọng lượng nước rẽ là 3.250 tấn và có thể hoạt động trên biển trong thời gian lên tới 45 ngày. (Ảnh: Một tàu tuần duyên do Hoa Kỳ tặng cho Cảnh sát biển Việt Nam chuẩn bị rời Seattle, Washington, vào ngày 1 tháng 6 năm 2021.)

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, việc chuyển giao tàu này và một tàu khác vào năm 2017 tạo nên những cuộc chuyển giao quốc phòng quan trọng nhất giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2016-19, chương trình FMF đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 3 nghìn 450 tỷ đồng (150 triệu đô la Mỹ) ngân sách hỗ trợ an ninh. Hơn 1 nghìn 300 tỷ đồng (58 triệu đô la Mỹ) đã được dành riêng cho việc chuyển hai tàu tuần duyên.

Phát ngôn viên của USCG, Trung úy Scott Carr đã phát biểu trong một tuyên bố: “Lần chuyển giao này củng cố quan hệ đối tác giữa Cảnh sát Biển Hoa Kỳ và Cảnh sát Biển Việt Nam, tăng khả năng tương tác giữa các quân chủng và sau cùng là tăng cường công tác quản trị hàng hải trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”.

Chương trình FMF cũng đã hỗ trợ trong việc chuyển giao 24 tàu tuần tra cao tốc Metal Shark cho Việt Nam. Sáu chiếc cuối cùng đã được giao vào tháng 5 năm 2020, theo tờ Thời Đại – Vietnam Times có trụ sở tại Hà Nội đưa tin. Trong năm 2018, chương trình FMF đã trao 115 tỷ đồng (5 triệu đô la Mỹ) cho Việt Nam theo sáng kiến Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sáng kiến này nhằm tăng cường năng lực của máy bay tuần tra trên biển, máy bay không người lái và huấn luyện radar ven biển.

Có vô vàn những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang được đẩy mạnh. Việt Nam là một đối tác trong Sáng kiến Hoạt động Hòa bình Toàn cầu của Hoa Kỳ, thông qua đó nước này đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Hải quân Việt Nam cũng đã tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (Rim of the Pacific) do Hoa Kỳ tổ chức vào năm 2018 và đã tiếp đón các tàu hải quân Hoa Kỳ ghé thăm cảng, bao gồm cả tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào tháng 3 năm 2020.

“Hoa Kỳ và Việt Nam có chung một lịch sử vô cùng phức tạp về sự hy sinh”, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã phát biểu tại Bộ Quốc phòng Việt Nam vào cuối tháng 7 năm 2021. Nơi ông đã tới để họp với các nhà lãnh đạo Việt Nam mới đắc cử Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, theo tin từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. “Khi hai quốc gia chúng ta tiến hành bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ đã cam kết sẽ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam cũng như chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng của quý vị”.

Ông Austin cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam đã thắt chặt mối quan hệ hơn vì niềm tin chung của họ rằng hòa bình và thịnh vượng trong khu vực phụ thuộc vào một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Ông nói: “Một trong những mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi có sự tự do và không gian để vẽ nên tương lai của riêng họ”.

Tom Abke là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Singapore.

 

HÌNH ẢNH: LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button