Câu chuyện Nổi bật

Tổng thống Hoa Kỳ Biden ủng hộ việc bác bỏ các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc

The Associated Press

Vào tháng 7 năm 2021, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã giữ nguyên quyết định bác bỏ của chính quyền trước đối với gần như tất cả các tuyên bố về chủ quyền hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) ở Biển Đông. Chính quyền Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo Trung Quốc rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Philippines trong khu vực điểm nóng sẽ dẫn đến phản ứng của Hoa Kỳ theo một hiệp ước phòng thủ tương hỗ.

Thông điệp cứng rắn từ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nằm trong một tuyên bố được đưa ra trước dịp kỷ niệm 5 năm ngày phán quyết của tòa án quốc tế mà đã xử phần thắng cho Philippines và bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc xung quanh Quần đảo Trường Sa cũng như các rạn san hô và bãi cạn lân cận. Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết này.

Trước dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày đưa ra phán quyết, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là ông Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết nhưng cũng cho biết họ coi hầu như tất cả các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận của Trung Quốc đều là bất hợp pháp.

“Không có nơi nào trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bị đe dọa nhiều hơn là ở Biển Đông”, ông Blinken nói. Ông đã cáo buộc Trung Quốc tiếp tục “ép buộc và hăm dọa các quốc gia ven biển Đông Nam Á, đe dọa tự do hàng hải trong tuyến đường toàn cầu có vai trò trọng yếu này”.

“Hoa Kỳ tái khẳng định chính sách đã đưa ra vào ngày 13 tháng 7 năm 2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông”, ông Blinken phát biểu, đề cập đến một tuyên bố của người tiền nhiệm, ông Mike Pompeo. “Chúng tôi cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào Lực lượng Vũ trang Philippines, các tàu hoặc máy bay của chính quyền ở Biển Đông sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ tương hỗ của Hoa Kỳ”.

Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 bắt buộc hai quốc gia phải hỗ trợ cho nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

Trước tuyên bố của ông Pompeo, chính sách của Hoa Kỳ đã luôn nhấn mạnh rằng các tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua quy trình trọng tài theo cơ cấu của Liên Hợp Quốc. Sự thay đổi trong chính sách không áp dụng cho các tranh chấp về các bãi đất nổi lên trên mực nước biển, về bản chất được coi là “lãnh thổ”.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng nước này đã thể hiện rằng mình đứng về phía Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, tất cả đều phản đối những khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực biển xung quanh các đảo, rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông đang bị tranh chấp.

Ông Blinken đã phát biểu trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi (Trung Quốc) tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, chấm dứt hành vi khiêu khích và thực hiện các bước để trấn an cộng đồng quốc tế rằng họ cam kết với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ mà tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ”.

Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của tòa án, nói rằng đây là một “chiêu trò” và đã từ chối tham gia vào các quy trình phân xử trọng tài. Nước này tiếp tục đi ngược lại quyết định với các hành động hung hăng mà đã khiến họ vướng vào những vụ tranh chấp lãnh thổ với Malaysia, Philippines và Việt Nam trong những năm gần đây.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như tất cả Biển Đông, nơi lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đô la được vận chuyển qua mỗi năm, và thường xuyên phản đối bất kỳ hành động quân sự nào của Hoa Kỳ trong khu vực.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách củng cố các tuyên bố của mình bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo san hô. Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền nào đối với vùng biển này nhưng đã triển khai tàu chiến và máy bay trong nhiều thập kỷ để tuần tra và thúc đẩy quyền tự do hàng hải và quyền bay trên vùng trời nước khác trên tuyến đường thủy tấp nập này. (Ảnh: Một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đi gần các đảo có tranh chấp do Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.)

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button