Câu chuyện Nổi bật

Hoa Kỳ và Indonesia xây dựng căn cứ huấn luyện trên biển ở Batam

BenarNews

Các nhà chức trách cho biết, Hoa Kỳ và Indonesia đang xây dựng một trung tâm huấn luyện lực lượng bảo vệ bờ biển trị giá 3,5 triệu đô la Mỹ ở Batam, một trung tâm công nghiệp và giao thông ở đầu mút phía nam của Biển Đông, để tăng cường năng lực của Jakarta trong việc chống lại tội phạm trong nước và xuyên quốc gia.

Đại diện của Cơ quan An ninh Hàng hải và Cảnh sát Biển Indonesia, được gọi là Bakamla, và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jakarta đã tham dự lễ khởi công vào ngày 25 tháng 6 năm 2021 tại Căn cứ Hải quân Batam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Indonesia Sung Kim, người đã tham dự sự kiện này qua phương thức trực tuyến, phát biểu trong một tuyên bố: Hoa Kỳ “tiếp tục cam kết hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Indonesia trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực bằng cách chống lại tội phạm trong nước và tội phạm xuyên quốc gia”.

Chuẩn đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Bakamla, cho biết việc xây dựng trung tâm đào tạo sẽ được hoàn thành vào năm 2022 và cơ sở này sẽ hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và được điều hành bởi tổ chức của ông.

Ông Aan, người cũng đã tham dự sự kiện qua mạng, cho biết: “Sẽ không có binh lính nào của Hoa Kỳ đóng quân ở đó”. “Chúng tôi, trong vai trò là một tổ chức mới, vẫn còn hạn chế về mặt năng lực, vì vậy cần phải có sự đổi mới để cải thiện các năng lực của nguồn nhân lực.

Batam, thủ phủ của tỉnh Quần đảo Riau, chỉ cách Singapore 32 kilomet về phía nam, gần vùng biển mà Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ.

Trung tâm đào tạo này là một nỗ lực hợp tác của Bakamla, cơ quan được thành lập vào năm 2014, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ; Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. (Ảnh: Tàu KN Tan Jung Datu của Cảnh sát biển Indonesia, bên trái, đi cạnh tàu Tuần duyên Stratton của Cảnh sát biển Hoa Kỳ ở Eo biển Singapore vào tháng 8 năm 2019.)

Bakamla đã tăng cường các cuộc tuần tra trên biển trong những năm gần đây sau khi các tàu đánh cá Trung Quốc được các tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Jakarta ngoài khơi quần đảo Natuna ở phần đầu mút phía nam của Biển Đông. Cơ quan này cũng đã tịch thu hàng chục tàu cá Việt Nam bị cáo buộc là xâm phạm vùng biển Indonesia. Đầu năm 2021, Bakamla đã bắt giữ hai tàu chở dầu, một mang cờ Iran và một mang cờ Panama khi hai tàu này đang thực hiện một vụ chuyển dầu bất hợp pháp ở Biển Java.

Thêm vào những căng thẳng trong các tuyến đường thủy vốn đã đông đúc, Bắc Kinh gần đây đã cho phép các tàu của lực lượng cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí chống lại bất kỳ tàu nào bị phát hiện trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích của Biển Đông theo cái gọi là đường chín đoạn của nước này, một ranh giới tùy tiện mà tòa án quốc tế đã bác bỏ vào năm 2016 là không có cơ sở hợp pháp.

Indonesia không coi mình là một bên trong các tranh chấp lãnh thổ về Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh tuyên bố các quyền theo lịch sử đối với các phần thuộc vùng biển chồng lấn với EEZ của Indonesia.

Hoa Kỳ cũng đã giúp Indonesia xây dựng một trung tâm huấn luyện hàng hải tại Căn cứ Hải quân Ambon ở tỉnh Maluku ở phía đông vào năm 2018.

Cơ sở mới sẽ có sức chứa tối đa là 50 học viên và 12 giảng viên và bao gồm các lớp học, văn phòng, nhà bếp và khu vực ăn uống, doanh trại và một đường dốc thả tàu, tuyên bố cho biết.

Ông Aristyo Rizka Darmawan, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững tại Đại học Indonesia, cho biết: “Đây là một bước đi tích cực cho cả hai quốc gia, [đồng thời] cũng rất có lợi cho Indonesia trong việc khẳng định biểu tượng về sự hiện diện của mình ở Biển Bắc Natuna”.

Ông cho biết sự hợp tác này cũng cho thấy những nỗ lực của Indonesia nhằm cân bằng vị thế của mình trong bối cảnh của sự ganh đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Indonesia đang thể hiện sự trung lập của mình tách biệt khỏi sự hợp tác, vì quốc gia Đông Nam Á này cũng tận dụng mối quan hệ của mình với Trung Quốc, điều này sẽ góp phần vào sự ổn định trong khu vực”.

Ông Aristyo cho biết sáng kiến này cũng sẽ mở rộng sự hiện diện của Washington trong khu vực theo cách được công chúng Indonesia chấp nhận.

Ông nói: “Nhưng về mặt địa chính trị, đây là một tín hiệu rõ ràng cho Hoa Kỳ đối đầu với sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là sau hoạt động trục vớt tàu KRI Nanggala-402 với sự giúp đỡ của các tàu hải quân Trung Quốc”.

Indonesia đã chấp nhận sự hỗ trợ từ ba tàu hải quân Trung Quốc trong chiến dịch trục vớt một tàu ngầm bị chìm ở phía bắc Bali vào tháng 4 năm 2021 với 53 Thủy thủ trên tàu. Chiến dịch này cuối cùng đã thất bại.

Các tàu và máy bay từ Úc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Hoa Kỳ đã tham gia vào các nỗ lực tìm kiếm trước đó để tìm tàu ngầm của Indonesia. Tàu này bị chìm trong một cuộc tập trận bắn ngư lôi.

 

HÌNH ẢNH: HẠ SĨ QUAN BẬC 1 LEVI READ/CẢNH SÁT BIỂN HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button