Câu chuyện Nổi bật

Hành trình của nhóm tác chiến tàu sân bay do Anh dẫn đầu hỗ trợ các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Đợt triển khai trên biển đáng gờm nhất của Vương quốc Anh trong nhiều thập kỷ đang chứng minh cách một lực lượng Hải quân Hoàng gia hồi sinh có thể phô diễn sức mạnh toàn cầu trong sự hợp tác với Hoa Kỳ, các đồng minh châu Âu và các đối tác khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay mới nhất của Vương quốc Anh, HMS Queen Elizabeth, đang dẫn đầu Nhóm tác chiến tàu sân bay 21 (Carrier Strike Group 21 – CSG21), rời Bắc Đại Tây Dương vào tháng 5 năm 2021 trong khuôn khổ của Chiến dịch Fortis. Lực lượng đặc nhiệm dự kiến sẽ đi 26.000 hải lý trong một hành trình kéo dài đến tháng 12 năm 2021 và cuối cùng sẽ đến Nhật Bản. Trên đường, tàu sẽ đi qua các vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, tuyến đường có lượng hàng hóa trị giá hơn 5 nghìn tỷ đô la Mỹ đi qua mỗi năm, phần lớn trong số đó liên quan đến các ngành công nghiệp và người tiêu dùng của Vương quốc Anh cũng như các đồng minh của nước này.

Sứ mệnh này giúp trấn an các đối tác trong khu vực về cam kết của Vương quốc Anh và các đồng minh về quyền tự do hàng hải như được nêu trong Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc.

Bộ Quốc phòng Anh gọi sứ mệnh này là một minh chứng thực tế cho ý định của Vương quốc Anh trong việc “hướng” các nỗ lực quân sự, thương mại và ngoại giao của mình sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như được nêu trong “đánh giá tích hợp” vào tháng 3 năm 2021 của chính phủ nước này. Đánh giá đó đã xác định vai trò ở phạm vi toàn cầu của Vương quốc Anh trong thập kỷ tới.

Các nỗ lực quốc phòng của Vương quốc Anh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã bao gồm các Hiệp định Phòng thủ Năm Cường quốc với Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore.

Lực lượng đặc nhiệm CSG21 bao gồm hai tàu khu trục nhỏ, hai tàu khu trục và một tàu ngầm từ Hải quân Hoàng gia, cũng như tàu khu trục USS The Sullivans của Hải quân Hoa Kỳ và tàu khu trục nhỏ HNLMS Evertsen của Hải quân Hoàng gia Hà Lan. Ngoài ra còn có 10 máy bay tiêm kích F-35B Lightning của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được giao cho tàu sân bay cùng với tám chiếc F-35B của Không quân Hoàng gia Anh.

Đại tá Simon Doran, sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ trên tàu Queen Elizabeth, nói với MARINES, trang web của Quân đoàn Thủy quân lục chiến: “Đợt triển khai này nhấn mạnh tầm hoạt động toàn cầu của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ và Vương quốc Anh và khả năng hoạt động cùng nhau của những lực lượng đó”. “Vương quốc Anh là một trong những đồng minh mạnh mẽ và có năng lực cao nhất của chúng tôi, và lần triển khai này tăng cường những khả năng ngăn chặn và phòng thủ của khối liên minh NATO”.

Lực lượng đặc nhiệm đã liên kết với các tàu chiến của Pháp và Ý trên đường đi và tiến hành những nhiệm vụ chiến đấu ở Trung Đông chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo với sự tham gia của những chiếc F-35 của Anh và Hoa Kỳ. Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lực lượng này sẽ tiến hành các cuộc tập trận trên không và trên biển với Lực lượng Tự vệ Nhật Bản và đến thăm các đối tác quốc phòng quan trọng khác bao gồm Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc. (Ảnh: Các máy bay tiêm kích Rafale của Pháp đang đậu trên tàu sân bay Charles de Gaulle còn tàu HMS Queen Elizabeth ở phía sau trong cuộc tập trận vào ngày 3 tháng 6 năm 2021, ngoài khơi bờ biển nước Pháp).

Đợt triển khai này đã chứng kiến một số cột mốc. Các chiến dịch chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo vào tháng 6 đánh dấu lần đầu tiên các máy bay của Hoa Kỳ đã tham chiến từ tàu chiến của một quốc gia khác kể từ Thế chiến II, theo Bộ Quốc phòng Anh. Những nhiệm vụ đó cũng đánh dấu nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên cho tàu Queen Elizabeth, con tàu lớn nhất từ trước đến nay mà Hải quân Hoàng gia đưa ra biển. Theo United Press International, đây cũng là lần đầu tiên Vương quốc Anh triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay có đội hình chính thức.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace cho biết nhóm tác chiến là một “biểu tượng của ‘Nước Anh Toàn cầu‘ được biến thành hành động và thể hiện cam kết của chúng tôi với Nhật Bản, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đương đầu với các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế”.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button