Câu chuyện Nổi bật

Đánh bắt cá IUU của Trung Quốc đe dọa không chỉ sinh kế và sự ổn định kinh tế.

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Các ngư dân từ châu Phi đến Nam Mỹ đến Đông Nam Á tiếp tục lên án các hoạt động đánh bắt thủy hải sản có tính gây hấn và cưỡng ép của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

“Chúng tôi sẽ ngày càng bắt được ít cá hơn vì chúng tôi không thể kiểm soát được việc đánh bắt cá quá mức của Trung Quốc. Có thể chúng tôi sẽ sớm chứng kiến sự sụp đổ của ngành đánh bắt thủy hải sản của mình,” ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, nói với Deutsche Welle (DW), đài truyền hình quốc tế của Đức vào cuối tháng 5 năm 2021.

Ngư dân Philippines đã và đang phải vật lộn với việc những tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của họ từ năm 2012, khi Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, ngư dân Vicente Pauan nói với DW. Các tác động đã trở nên trầm trọng hơn trong năm qua vì các lệnh phong tỏa liên quan đến vi-rút corona đang ngăn cản các nhà khai thác tiếp cận các thị trường lớn hơn, ông cho biết.

“Chúng tôi thậm chí còn không có đủ cá để nuôi sống gia đình mình. Chúng tôi bán lỗ vốn và ngập trong nợ nần. Chúng tôi sẽ chết đói mất thôi,” ông Pauan, 35 tuổi, chia sẻ.

Theo Chỉ số Đánh bắt Cá IUU, một chỉ số xếp hạng các quốc gia dựa trên tình trạng thi hành luật lệ, Trung Quốc là nước góp phần lớn nhất vào hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo (illegal, unregulated and unreported – IUU) trên toàn thế giới. Theo Liên Hợp Quốc, đánh bắt cá IUU chiếm gần một phần ba tổng lượng cá trong đại dương, với 90% trữ lượng cá trên toàn cầu đã được khai thác hết cỡ, khai thác quá mức hoặc cạn kiệt hoàn toàn.

Theo Chỉ số Đánh bắt Cá IUU, Trung Quốc cũng có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới, với dữ liệu vệ tinh cho thấy khoảng 17.000 tàu như vậy được đăng ký tại Trung Quốc. Theo báo The Guardian đưa tin, có thêm 1.000 tàu nữa của Trung Quốc được đăng ký dưới cờ thuận tiện (flags of convenience). Trong khi đó, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ cộng lại mới chỉ có hơn 500 tàu đánh bắt xa bờ.

Các chuyên gia lập luận rằng việc Trung Quốc tiếp tục khai thác trữ lượng cá đặt ra một mối đe dọa địa chính trị đối với sự ổn định kinh tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác nữa. Theo LHQ, sự sụp đổ của ngành thủy sản trên toàn thế giới sẽ phá hủy sinh kế của khoảng 10% dân số và ảnh hưởng xấu đến khoảng 3 tỷ người vì họ dựa vào thủy hải sản để làm nguồn đạm chính.

Ông Batongbacal gọi việc Trung Quốc mở rộng ở Biển Đông là không thể tránh khỏi.

“Trung Quốc cần cung cấp thực phẩm cho dân số hơn 1 tỷ người của mình. Điều này không có gì đặc biệt về mặt tư tưởng hay thậm chí về mặt chính trị, chỉ đơn giản là thực tế bắt buộc phải vậy”, ông nhận định.

Các hoạt động đánh bắt cá IUU của Trung Quốc không chỉ là các mối đe dọa về sinh thái và kinh tế mà còn vi phạm chủ quyền của các quốc gia. Ở Biển Đông, các đội tàu đánh cá Trung Quốc đã xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia và góp phần vào việc Trung Quốc chiếm các vùng lãnh thổ đang tranh chấp thông qua các hoạt động gần như là hành động quân sự lộ liễu. (Ảnh: Các ngư dân Trung Quốc tìm cá để đánh bắt ở Biển Đông tại Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, một khu vực mà Philippines và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng tuyên bố chủ quyền.)

Ông Ryan Martinson, một phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, nói với báo The New York Times: “Bắc Kinh muốn ngư dân Trung Quốc hoạt động tại đây vì sự hiện diện của họ giúp các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc được hiện hữu”.

Theo Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm Có Tổ chức Xuyên Quốc gia, đánh bắt cá IUU cũng thường có sự kết nối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán người, lao động cưỡng bức, rửa tiền và trốn thuế.

Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như đối tác của mình đang làm việc cùng nhau để cải thiện việc thực thi luật lệ đối với các hoạt động đánh bắt cá IUU và các tội phạm liên quan.

Theo Reuters đưa tin, vào cuối tháng 5 năm 2021, Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (Customs and Border Protection – CBP) đã cấm hải sản từ một đội tàu đánh cá của Trung Quốc mà các nhà điều tra xác định là đã sử dụng lao động cưỡng bức trên 32 con tàu. Các quan chức CBP cho biết nhiều công nhân Indonesia trên các tàu Dalian Ocean Fishing đã phải chịu bạo lực thể chất, giữ lại tiền lương, nô lệ vì nợ nần và điều kiện làm việc và sinh hoạt có tính bóc lột. Theo Reuters đưa tin, mặc dù Hoa Kỳ chỉ nhập khẩu lượng hải sản trị giá khoảng 233.000 đô la Mỹ từ Dalian vào năm 2020, lệnh cấm này là lệnh cấm đầu tiên của CBP áp dụng cho toàn bộ đội tàu.

Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas cho biết cơ quan này “sẽ tiếp tục tích cực điều tra việc sử dụng lao động cưỡng bức bởi các tàu đánh cá xa bờ và bởi một loạt các ngành công nghiệp khác. Các nhà sản xuất cũng như các công ty nhập khẩu Hoa Kỳ nên hiểu rằng sẽ có hậu quả cho các đơn vị cố tình khai thác người lao động để bán hàng hóa ở Hoa Kỳ.”

Lao động cưỡng bức là một vấn đề ngày càng gây ra nhiều căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau một loạt các lệnh cấm nhập khẩu liên quan đến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc.

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button