Câu chuyện Nổi bật

Các nhà lãnh đạo G7 đối phó với biến đổi khí hậu, COVID, những thách thức từ Trung Quốc, Nga

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Biến đổi khí hậu và COVID-19 là những chủ đề được mong đợi khi các thành viên của Nhóm Bảy Cường quốc (Group of Seven), hay còn gọi là G7, họp mặt trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các nguyên thủ quốc gia Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ họp vào ngày 11-13 tháng 6 năm 2021, tại Cornwall, Anh.

“Tuần tới, các nhà lãnh đạo của những nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ tụ họp vào một thời điểm lịch sử cho các quốc gia và hành tinh của chúng ta. Thế giới đang trông đợi chúng ta vượt qua thách thức lớn nhất kể từ khi chiến tranh kết thúc: đánh bại COVID và dẫn dắt quá trình phục hồi trên toàn cầu được thúc đẩy bởi các giá trị chung của chúng ta”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong một tuyên bố trên trang web của G7. “Tiêm chủng cho cả thế giới trước khi hết năm tới sẽ là kỳ công lớn nhất trong lịch sử ngành y tế. Tôi đang kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 tham gia cùng chúng tôi trong việc chấm dứt đại dịch khủng khiếp này và cam kết rằng chúng ta sẽ không bao giờ để sự tàn phá mà vi-rút corona gây ra xảy ra nữa”.

Theo Reuters đưa tin, các nhà ngoại giao cho biết các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về cách đối phó với Trung Quốc và Nga. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng chưa bao giờ là thành viên thuộc G7. Nga đã được nhận vào làm thành viên của G8 sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng đã bị đình chỉ tư cách thành viên vào năm 2014 sau khi thôn tính bán đảo Crimea thuộc Ukraina, theo tin từ Reuters.

Các cuộc thảo luận về Nga sẽ được đặc biệt quan tâm vì Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người tham dự G7 trong chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2021, có kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin sau các cuộc đàm phán G7. Theo CNN, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã cho biết trong một cuộc họp báo: “Những điều chúng tôi muốn làm là hai tổng thống có thể gửi đi một tín hiệu rõ ràng… đến đội ngũ của họ về những câu hỏi liên quan đến sự ổn định chiến lược để chúng tôi có thể đạt được tiến bộ về kiểm soát vũ khí và các lĩnh vực hạt nhân khác nhằm giảm căng thẳng và bất ổn định ở khía cạnh đó trong mối quan hệ của họ”.

Tổng thống Biden đã nêu chi tiết về kỳ vọng của mình trong một bài bình luận được đăng vào ngày 5 tháng 6 trên tờ The Washington Post.

Tổng thống Biden viết: “Khi tôi gặp ông Vladimir Putin tại Geneva, cuộc họp đó sẽ tiếp sau các cuộc thảo luận cấp cao với bạn bè, đối tác và đồng minh, những người nhìn thế giới qua lăng kính giống như Hoa Kỳ, và những người mà chúng tôi mới tăng cường những kết nối và mục đích chung”. “Chúng tôi đoàn kết với nhau để giải quyết các thách thức từ phía Nga đối với an ninh châu Âu, bắt đầu từ việc Nga xâm chiếm Ukraina, và sẽ không còn nghi ngờ gì về quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các giá trị dân chủ của chúng tôi, điều mà chúng tôi không thể tách rời với những lợi ích của mình”.

Tầm nhìn của Tổng thống Biden phù hợp với các ưu tiên được Vương quốc Anh vạch ra trong vai trò là chủ tịch của khối G7. Các ưu tiên chính sách của G7 bao gồm các hành động để “xây dựng lại tốt hơn”. Trong số đó:

  • Dẫn dắt quá trình phục hồi trên toàn cầu sau vi-rút corona đồng thời tăng cường khả năng chống chịu trước những đại dịch trong tương lai.
  • Thúc đẩy sự thịnh vượng trong tương lai bằng cách nêu cao thương mại tự do và công bằng.
  • Giải quyết biến đổi khí hậu và bảo tồn sự đa dạng sinh học của hành tinh.
  • Nêu cao những giá trị chung.

Tổng thống Biden dự định sẽ sử dụng những cuộc đàm phán ở châu Âu để củng cố các mối quan hệ và nêu bật sự cam kết của Hoa Kỳ trong việc tham gia và cộng tác với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng.

Tổng thống Biden đã viết trên tờ The Washington Post: “Trong giai đoạn mà toàn cầu trong tình trạng bấp bênh như thế này, khi thế giới vẫn phải vật lộn với đại dịch cả thế kỷ mới xảy ra một lần, chuyến đi này là để thực hiện cam kết mới được tiếp thêm sức mạnh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh và đối tác của chúng ta, và thể hiện năng lực của các nền dân chủ trong việc vừa đáp ứng các thách thức vừa ngăn chặn các mối đe dọa của thời đại mới này”. “Cho dù là chấm dứt đại dịch COVID-19 ở khắp mọi nơi, đáp ứng các nhu cầu của một cuộc khủng hoảng khí hậu đang nhanh dần hay đối mặt với các hoạt động gây hại của chính phủ Trung Quốc và Nga, Hoa Kỳ phải dẫn dắt thế giới từ một vị thế vững mạnh”.

Bây giờ là thời điểm để các nhà lãnh đạo thế giới cùng chung sức và chứng minh rằng họ có thể gạt bỏ sự khác biệt vì lợi ích của nhân loại và hành tinh, theo Tổng thống Biden.

“Đây là một câu hỏi có tính chất quyết định của thời đại chúng ta: Liệu những nền dân chủ có thể đứng bên nhau để mang lại kết quả thực sự cho người dân của chúng ta trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng không? Liệu các liên minh và thể chế dân chủ đã định hình thế giới rất nhiều trong thế kỷ trước có chứng minh được năng lực của mình trước những mối đe dọa và đối thủ của thời hiện đại hay không?” Tổng thống Biden đã viết. “Tôi tin rằng câu trả lời là có. Và tuần này ở châu Âu, chúng tôi có cơ hội để chứng minh điều đó.”

HÌNH ẢNH: ISTOCK

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button