Thúc đẩy Năng lượng

Năng lượng tái tạo đem đến cơ hội cho khu vực để trở thành những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực an ninh năng lượng
Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Khi dân số và kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển nhanh chóng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhu cầu về năng lượng đang tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên hành tinh này. Người ta dự tính đến năm 2040 nhu cầu sẽ tăng hơn 60%, do đó an ninh năng lượng sẽ là một thách thức hàng đầu trong những thập kỷ tới, theo các dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency – IEA).
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực, các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chuyển đổi những hệ thống năng lượng của mình. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc cho khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific – UNESCAP), các quốc gia này tìm cách đạt được an ninh năng lượng và bảo vệ các nền kinh tế khỏi biến động giá cả và bất ổn thị trường cũng như giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Hơn nữa, các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phấn đấu nhằm cung cấp năng lượng cho hơn 420 triệu người thiếu năng lượng và 2,1 tỷ người khác dựa vào sinh khối truyền thống để nấu ăn và sưởi ấm, báo cáo năm 2017 cho biết.
Chuyển sang các tài nguyên năng lượng có mức carbon thấp và đa dạng hóa sự kết hợp các nguồn năng lượng sẽ tăng cường an ninh năng lượng, giảm tác động môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và đảm bảo cơ hội tiếp cận với năng lượng có giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người, báo cáo của UNESCAP cho hay. “Đối phó với nhiều thách thức liên quan đến năng lượng đòi hỏi phải có sự chuyển đổi trong cách thức năng lượng được tạo ra, truyền tải và tiêu thụ,” báo cáo cho biết. “Tuy rằng ngành năng lượng ở nhiều quốc gia đang từ từ được chuyển đổi, tốc độ thay đổi cần được đẩy nhanh.”

Xét đến thời điểm mà khu vực nổi lên với vị thế đầy sức mạnh trên trường quốc tế, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở tư thế sẵn sàng để làm một tấm gương cho thế giới về việc chuyển sang các loại tài nguyên có thể tái tạo, một giải pháp được ủng hộ rộng rãi để chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đảm bảo có đủ nguồn năng lượng cho tất cả người dân. “Việc nhu cầu đối với năng lượng tiếp tục tăng lên trong các ngành điện, sưởi ấm và làm mát, cũng như giao thông vận tải mở ra một cơ hội cho năng lượng tái tạo có nhiều chiều cạnh trong khu vực”, theo “Báo cáo về Tình trạng Năng lượng Tái tạo ở châu Á và Thái Bình Dương” được xuất bản vào năm 2019 của REN21, một mạng lưới chính sách quốc tế chuyên dành cho việc xây dựng một nguồn năng lượng bền vững trong tương lai bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo, và được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank- ADB).
Những nhà vận động lập luận rằng việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, tăng cường cơ hội tiếp cận năng lượng, giảm ô nhiễm không khí và xóa đói giảm nghèo, cùng với những lợi thế khác. “Các tài nguyên năng lượng tái tạo có thể đóng một vai trò chủ chốt trong việc đạt được khả năng tiếp cận phổ quát với năng lượng hiện đại,” báo cáo ghi nhận. Ví dụ, “các công nghệ năng lượng mặt trời, gió và thủy điện quy mô nhỏ, cũng như các nhà máy điện động cơ đốt trong sử dụng sinh khối hoặc khí sinh học, có thể cung cấp một nguồn điện đáng tin cậy ở các địa điểm vùng sâu vùng xa.” Các chuyên gia ước tính, hơn 750 triệu người trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở rộng vẫn không được sử dụng điện năng.
“Hiện nay, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và lưới điện thông minh có thể tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và lâu dài, đồng thời giảm ô nhiễm không khí cũng như phát thải khí nhà kính”, Chủ tịch của ADB Masatsugu Asakawa phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh Chuyển tiếp Năng lượng Sạch IEA vào tháng 7 năm 2020. “Các nền kinh tế sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn sau các cú sốc trong tương lai — bởi vì năng lượng tái tạo với trữ lượng năng lượng không phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu, và các hệ thống lưới điện thông minh có thể được đưa trở lại không gian mạng một cách nhanh chóng sau một sự cố. Năng lượng tái tạo cũng có thể giúp củng cố các cơ sở y tế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn — ví dụ, chuỗi cung ứng lạnh sử dụng năng lượng mặt trời sẽ rất cần thiết cho việc cung cấp vắc-xin”, ông Asakawa nói.
Các Xu hướng và Mục tiêu
Theo báo cáo vào tháng 3 năm 2020 của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency- IRENA), khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã vượt qua châu Âu và Hoa Kỳ trong việc chuyển sang năng lượng tái tạo, chiếm hơn 54% tăng trưởng mới về năng lượng tái tạo trên toàn thế giới trong năm 2019. Các chuyên gia giải thích rằng khu vực này đã khai thác đáng kể công suất năng lượng tái tạo trong một loạt các lĩnh vực công nghệ, bao gồm quang điện mặt trời (photovoltaics – PV), điện gió, thủy điện, năng lượng sinh học và địa nhiệt. Ví dụ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam có công suất năng lượng mặt trời mới cao nhất trong năm 2019, còn Trung Quốc và Hoa Kỳ dẫn đầu về điện gió mới, báo cáo CỦA IRENA cho hay. Cùng năm đó, toàn khu vực tính cả Úc, New Zealand và các quốc đảo Thái Bình Dương đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về năng lượng tái tạo ở mức 18,4%, mặc dù tiểu vùng chiếm một phần nhỏ trong công suất toàn cầu, theo báo cáo cho biết.
Theo báo cáo REN21, vào năm 2018, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiếm hơn 52% các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Theo số liệu của Bloomberg Tài chính Năng lượng Mới (Bloomberg New Finance), Trung Quốc dẫn đầu khu vực về đầu tư trong năm 2019, chiếm gần một phần ba tổng đầu tư toàn cầu, còn Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng thuộc 10 quốc gia đứng đầu trong năm đó. Nhiều nhà đầu tư hàng đầu cũng có một vài dự án trong số những dự án lớn và sáng tạo nhất trong khu vực này.
Ví dụ như Úc, vào tháng 5 năm 2020, đã công bố một quỹ trị giá 191 triệu đô la Mỹ để khởi động các dự án hydro nhằm đáp ứng mục tiêu của nước này là đến năm 2030 sẽ xây dựng được một ngành công nghiệp hydro có quy mô lớn, theo tin từ Reuters. Ông Angus Taylor, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Giảm Phát thải của Úc cho biết: “Điều quan trọng là, nếu chúng ta có thể sản xuất hydro ở mức dưới 2 đô la Úc [1,47 đô la Mỹ] một kilôgam, điều đó sẽ có thể đóng một vai trò trong các nguồn năng lượng nội địa của chúng ta nhằm giảm giá năng lượng và vẫn có điện để thắp đèn”. Theo Reuters đưa tin, tính đến năm 2018, chi phí trung bình để sản xuất hydro là 6 đô la Úc (4,42 đô la Mỹ) cho một kilogam. Infinite Blue Energy đang xây dựng một nhà máy khổng lồ trị giá 220 triệu đô la Mỹ, cách trụ sở chính của công ty ở Perth, Úc, 320 kilomet về phía bắc, để sản xuất 25 tấn hydro sạch mỗi ngày, sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, với mục tiêu bắt đầu đi vào sản xuất vào cuối năm 2022.
Vào cuối năm 2019, Ấn Độ đã công bố những kế hoạch cho việc xây dựng các dự án năng lượng mặt trời trị giá 6 tỷ đô la Mỹ tại quận Leh và quận Kargil của Jammu và Kashmir. Vùng Himalaya có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Bộ Năng lượng Mới và Năng lượng Tái tạo lên kế hoạch “các dự án điện mặt trời với tổng công suất là khoảng 14 MW [megawatt] với công suất pin là 42 MWh [megawatt giờ] tại Leh và Kargil”, ông R K Singh, Bộ trưởng Bộ năng lượng và năng lượng mới và tái tạo của Ấn Độ, đã phát biểu khi công bố dự án. Trong khi đó, Tập đoàn Adani của Ấn Độ, có trụ sở tại Ahmedabad, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành công ty điện mặt trời lớn nhất thế giới và đến năm 2030 sẽ trở thành công ty năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, theo một báo cáo của ngành vào tháng 7 năm 2020. Ấn Độ đã xúc tiến việc tạo ra thành phố đầu tiên sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Diu, ở đầu phía đông của đảo Diu thuộc bang Gujarat, đã trở thành thành phố đầu tiên của Ấn Độ được vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo vào ban ngày trong năm 2016. Thành phố này đã tham gia vào sáng kiến Thành phố Thông minh của Thủ tướng Narendra Modi. Thành phố với diện tích 42 kilomet vuông và hơn 52.000 cư dân đã thiết lập một công viên năng lượng mặt trời 9 MW, lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái của các tòa nhà chính phủ và giúp người dân lắp đặt các thiết bị năng lượng mặt trời trên mái nhà, báo cáo REN21 cho biết.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã ưu tiên đầu tư vào năng lượng mặt trời. Trong năm 2017, chính phủ nước này đã đưa ra điều luật để đến năm 2030, 24% các nguồn năng lượng tổng hợp sẽ được chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, tăng hơn gấp đôi sản lượng hiện tại. Theo trang web của Công nghệ Điện (Power Technology), Nhật Bản đang vận hành gần ba phần tư của 100 nhà máy năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới. Cơ sở lớn nhất thuộc loại này của Nhật Bản tại đập Yamakura có diện tích 18 héc-ta và cung cấp năng lượng cho khoảng 5.000 ngôi nhà mỗi năm.
Nhiều quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo và một số quốc gia đã đang trên đường đạt được các mục tiêu đó. Ví dụ như, trong năm 2019, New Zealand đã đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất được 100% điện tái tạo. Quốc gia này cũng mong muốn xây dựng một nhà máy thủy điện trữ nước sử dụng bơm trị giá nhiều tỷ đô la và đã đi được gần nửa chặng đường với các tài nguyên thủy điện và địa nhiệt hiện có. Tiến sĩ Megan Woods, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên New Zealand, phát biểu khi tuyên bố mục tiêu này: “Chúng ta có thể đặt một mục tiêu đầy tham vọng nhưng vẫn đảm bảo tính thực tế.” “Chúng tôi sẽ tiến hành năm cuộc đánh giá theo từng năm để đảm bảo ba vấn đề về năng lượng là giá cả phải chăng, tính bền vững và an ninh được quản lý tốt.”
Những Câu chuyện Thành công
Theo báo cáo REN21, nhiều thành công nổi bật nhất của khu vực trong việc chuyển sang năng lượng tái tạo đến từ khu vực Đông Nam Á và Nam Á, hai khu vực có mức thâm nhập năng lượng tái tạo cao nhất lần lượt là 45,7% và 42%. Các quốc gia có tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng (total final energy consumption – TFEC) cao nhất trong khu vực bao gồm Miến Điện, 68%; Sri Lanka, 51,3%; Philippines, 47,5%; và Indonesia, 47%. Những tỷ lệ phần trăm đó có được là nhờ thủy điện và năng lượng sinh học, theo phát hiện của báo cáo.

Indonesia đang dự tính xây dựng một thành phố thủ đô “thông minh và sạch sẽ” dựa vào năng lượng tái tạo để làm nguồn cung cấp điện. Vào tháng 8 năm 2019, chính phủ nước này đã công bố kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta sang Đông Kalimantan trên đảo Borneo để kiềm chế quá trình đô thị hóa nhanh chóng và dân số quá đông của Jakarta, nhưng kể từ thời điểm đó đã trì hoãn kế hoạch trị giá 33 tỷ đô la Mỹ này do sự suy thoái kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra. Xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo cho thành phố mới sẽ đem lại những cơ hội để đầu tư vào năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Philippines có kế hoạch áp dụng các công nghệ lưới điện thông minh trên nhiều đảo của đất nước này. Lưới điện sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giám sát và quản lý sự di chuyển của điện từ nguồn phát điện đến các phụ tải có nhu cầu khác nhau trong khu vực phục vụ điện và nâng cao độ tin cậy của lưới điện. Theo báo cáo REN21, công ty phân phối lớn nhất của nước này, Meralco, với hơn 5 triệu khách hàng, cũng có kế hoạch tích hợp một nền tảng lưới điện thông minh tiên tiến để người tiêu dùng có thể quản lý tốt hơn mức tiêu thụ điện năng của mình, theo đó việc đo lường thông minh trả trước là một trong những dịch vụ đầu tiên của công ty.
Các nước như Bangladesh và Việt Nam cũng đang nổi lên như các quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển và triển khai các công nghệ năng lượng tái tạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bangladesh đã tạo ra một chương trình điện mặt trời trong nước được gọi là Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng (Infrastructure Development Co. Ltd. – IDCOL). Công ty này cung cấp điện cho hơn 12% dân số. Bangladesh, với sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới, thành lập IDCOL vào năm 1997 để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng về năng lượng tái tạo. Với khoản đầu tư 700 triệu đô la Mỹ, chương trình này đã lắp đặt 4,2 triệu hệ thống điện mặt trời tại nhà, cung cấp điện cho 18 triệu người tính đến giữa năm 2019. Ngoài ra, IDCOL đã lắp đặt 1.000 máy bơm tưới tiêu chạy bằng năng lượng mặt trời, 13 lưới điện nhỏ, 1 triệu bếp nấu và 46.000 nhà máy khí sinh học để cung cấp các giải pháp nấu ăn sạch cho hơn 200.000 người. Trong 5 năm tới, IDCOL đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hệ thống năng lượng mặt trời và hệ thống nấu ăn được lắp đặt, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ thay thế tất cả các bếp nấu truyền thống trên đất nước này.
Những Khó khăn Phía trước
Nhiều thách thức vẫn còn tồn tại đối với việc áp dụng năng lượng tái tạo và các thực hành sử dụng năng lượng hiệu quả. “Mặc dù khu vực Châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, việc triển khai năng lượng tái tạo tiếp tục đi sau việc triển khai các nguồn năng lượng truyền thống trong việc cung cấp cho nhu cầu năng lượng tăng nhanh của khu vực,” báo cáo REN21 trình bày. Khu vực này bao gồm sáu trong số các quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Ngoài ra, phần lớn sự gia tăng dân số của khu vực diễn ra tại các thành phố. Khu vực này đã có 93 trong số 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với 56 ở Trung Quốc và 17 ở Ấn Độ.
“Một khoảng cách lớn vẫn còn tồn tại giữa tham vọng giảm thiểu biến đổi khí hậu và tốc độ hành động để giảm phát thải,” báo cáo diễn giải.
Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch thông thường tiếp tục tăng ở mức nhanh hơn việc triển khai năng lượng tái tạo trong khu vực. Nhìn chung, các chuyên gia ước tính rằng năng lượng tái tạo hiện đại chiếm ít hơn 10% tổng mức tiêu thụ năng lượng của khu vực.

Hầu hết các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chưa tự cung tự cấp được năng lượng. Theo báo cáo REN21, Indonesia là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới và Mông Cổ là nước xuất khẩu than lớn thứ chín thế giới, là những ngoại lệ đáng chú ý. Nhiều quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, nhập khẩu hơn 50% năng lượng của mình.
Hơn nữa, một số quốc gia lớn nhất về quy mô và tiềm năng năng lượng tái tạo vẫn có tỷ lệ năng lượng tái tạo tương đối thấp trong TFEC của họ, báo cáo giải thích. Tổng cộng, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 28% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của thế giới, tuy nhiên vào năm 2016, Ấn Độ đã có tỷ lệ năng lượng tái tạo ít hơn 40% trong TFEC của mình, còn tỷ lệ của Trung Quốc ở mức dưới 20%, báo cáo cho biết.
Các trở ngại khác đối với việc áp dụng năng lượng tái tạo bao gồm nguồn vốn, chuyển đổi sang hỗ trợ từ chính phủ cho năng lượng tái tạo phức tạp hơn và thay đổi cơ cấu của ngành để đáp ứng cho nhu cầu tăng nhanh, các hạn chế do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa ngày càng tăng, báo cáo giải thích.

Theo các dự báo của IEA, để đáp ứng cho nhu cầu năng lượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tính đến năm 2040, người ta sẽ cần đầu tư tới hàng nghìn tỷ đô la. Ông Francis R. Fannon, trợ lý bộ trưởng của Cục Tài nguyên Năng lượng Hoa Kỳ, phát biểu trong một cuộc hội thảo vào tháng 6 năm 2020 cho Asia EDGE (Nâng cao Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng): “Cách thức các quốc gia đáp ứng nhu cầu đang tăng lên sẽ tác động đáng kể đến an ninh năng lượng và ổn định kinh tế trên toàn khu vực”. “Điều đó có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.”
Được đưa vào hoạt động từ năm 2018 với khoản đầu tư ban đầu là 140 triệu đô la Mỹ, Asia EDGE hỗ trợ an ninh năng lượng, đa dạng hóa, khả năng tiếp cận và giao thương trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Fannon cho biết, theo chương trình này, Ấn Độ đã hợp tác với Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2019 để thiết lập ra Sáng kiến Nguồn lực Linh hoạt nhằm tăng cường khả năng huy động vốn tư nhân của Ấn Độ, cấp vốn cho nhu cầu về an ninh của nước này và nâng cao cơ hội cho các công ty Hoa Kỳ trong hệ thống điện.
Các Nỗ lực Hợp tác Quan trọng
Hợp tác trong khu vực đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện các thực hành về năng lượng sạch và an ninh năng lượng, báo cáo REN21 trình bày. Ví dụ, mua bán điện xuyên biên giới đã thể hiện là một hoạt động đặc biệt có lợi ở khu vực Đồng bằng sông Mekong của Đông Nam Á. Thông qua các khoản đầu tư của Asia EDGE, Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development – USAID) đã thiết lập Quan hệ Đối tác Điện Nhật Bản-Hoa Kỳ-Mekong để hướng tới các lưới điện trong khu vực nhằm hỗ trợ các công ty Hoa Kỳ trong việc xây dựng đường dây truyền tải xuyên biên giới.
“Tăng cường sự hợp tác trong khu vực có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng giữa các nước đang phát triển và thiếu hụt năng lượng ở châu Á đồng thời có thể mang lại lợi ích cho khu vực về bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên, sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực”, một báo cáo về khu vực Nam Á của các nhà nghiên cứu tại Viện ADB vào tháng 4 năm 2020 đã ghi nhận. Hơn nữa, “tăng cường sự hợp tác và hội nhập trong khu vực ở các cấp độ khác nhau về chia sẻ tài nguyên, sản xuất và thương mại có thể quy tụ các quốc gia thành một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau để đảm bảo việc tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo.”
Các nhà Lãnh đạo trong Hợp tác Năng lượng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Các tổ chức và sáng kiến đi đầu trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc cho khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Nhóm Công tác Năng lượng về Hợp tác Kinh tế ở Châu Á-Thái Bình Dương, Trung tâm Hợp tác Năng lượng Khu vực Nam Á, chương trình Hợp tác Kinh tế Khu vực Trung Á, Trung tâm Năng lượng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung tâm Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng Thái Bình Dương, như được nêu tên trong báo cáo REN21.
Nam Á
Trung tâm Năng lượng Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (South Asian Association for Regional Cooperation -SAARC)
SAARC được thành lập vào năm 2006 với một chương trình hợp tác năng lượng nhằm mục đích chuyển đổi các thách thức năng lượng thành các cơ hội phát triển. Nền tảng này có sự tham gia của các quan chức, chuyên gia, học giả, các nhà bảo vệ môi trường và các tổ chức phi chính phủ để khai thác tiềm năng trên khắp các lĩnh vực bao gồm phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo khác và năng lượng thay thế. Trung tâm Năng lượng thúc đẩy công tác chuyển giao công nghệ, mua bán năng lượng, bảo tồn năng lượng và cải thiện tính hiệu quả, giúp các bên liên quan giải quyết những thách thức về năng lượng mà các quốc gia thành viên của SAARC phải đối mặt.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. Agency
for International Development – USAID)
Trong năm 2000, USAID đã khởi động chương trình Sáng kiến khu vực Nam Á về Tích hợp Năng lượng, sáng kiến này được thực hiện ở Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Ba giai đoạn đầu tập trung vào mua bán năng lượng xuyên biên giới, hình thành thị trường năng lượng và phát triển năng lượng sạch, còn giai đoạn gần đây nhất tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy hội nhập vào thị trường khu vực.
Đông Nam Á
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association
of Southeast Asian Nations – ASEAN)
Trung tâm Năng lượng ASEAN được thành lập vào năm 1999 với tư cách là một tổ chức liên chính phủ nhằm đẩy nhanh việc tích hợp các chiến lược năng lượng trong các quốc gia thành viên của ASEAN. Trung tâm cung cấp thông tin và chuyên môn để đảm bảo rằng các chính sách và chương trình về năng lượng được hài hòa với sự tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường của khu vực. Kế hoạch Hành động Hợp tác Năng lượng ASEAN 2016-2025 bao gồm các sáng kiến hợp tác trong việc chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch có giá cả phải chăng. Ví dụ, mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN đặt mục tiêu điều phối các nỗ lực phát triển đô thị thông minh và bền vững. Mạng lưới bao gồm 26 thành phố thí điểm chia sẻ các thông lệ tốt nhất, tiến hành các dự án với khu vực tư nhân và xin nguồn tài trợ từ các đối tác bên ngoài như Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank – ADB).
Tiểu vùng sông Mê Kông Mở rộng
Các quốc gia tạo thành tiểu vùng này — Miến Điện, Campuchia, Lào, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thái Lan và Việt Nam — chủ yếu hợp tác dựa trên việc mua bán điện năng từ tiềm năng thủy điện có sẵn dọc theo sông Mê Kông. Ví dụ, ADB và các nhà tài trợ khác đang làm việc để: tăng tính kết nối thông qua phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia; cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua sự thúc đẩy hiệu quả hoạt động di chuyển xuyên biên giới của con người và hàng hóa cũng như hội nhập thị trường, các quy trình sản xuất và chuỗi giá trị; và xây dựng ý thức cộng đồng lớn hơn thông qua các dự án và chương trình giải quyết các mối lo ngại chung về xã hội và môi trường.
Các Quốc đảo ở Thái Bình Dương
Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương
Ban thư ký là nền tảng chính cho sự hợp tác trong lĩnh vực phát triển liên ngành trong khu vực Thái Bình Dương và là thành viên sáng lập của Hội đồng các Tổ chức Khu vực của Thái Bình Dương. Chương trình Tài nguyên Địa chất và Năng lượng của ban thư ký nỗ lực để tận dụng các nguồn tài nguyên năng lượng của Thái Bình Dương nhằm đảm bảo tính bền vững và giảm tác động môi trường. Chương trình cam kết giảm tác động carbon của các mạng lưới năng lượng và việc sử dụng năng lượng hiện có, đồng thời tập trung vào công tác quản trị, đánh giá kỹ thuật và phát triển năng lực. Cùng với chính phủ Tonga, ban thư ký thiết lập Trung tâm Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng Thái Bình Dương.
Hiệp hội Điện Thái Bình Dương
Cơ quan liên chính phủ này thúc đẩy sự hợp tác của các công ty điện lực ở các đảo Thái Bình Dương về mặt đào tạo kỹ thuật, trao đổi thông tin, chia sẻ chuyên môn về mặt quản lý cấp cao và kỹ thuật cũng như các hoạt động khác.
Đại học Nam Thái Bình Dương
Trường đại học này thuộc sở hữu của 12 quốc gia thành viên, chịu trách nhiệm cung cấp việc giảng dạy ở bậc đại học và nghiên cứu về tính bền vững cho khu vực Thái Bình Dương và có các hoạt động hỗ trợ cho sự mở rộng năng lượng tái tạo.
Nguồn: “Báo cáo về Tình hình Năng lượng Tái tạo ở châu Á và Thái Bình Dương” (“Asia and the Pacific Renewable Energy Status Report,”) REN21, 2019