Singapore: Singapore chống chọi với đợt bùng phát sốt xuất huyết kỷ lục do có số lượng muỗi nhiều hơn

Từ ban công cao của một khu nhà cho thuê giá rẻ ở Singapore, một cán bộ môi trường lắp đặt bệ phóng muỗi của mình, loại máy mới nhất mà các nhà chức trách đã nghĩ ra để chống lại đợt bùng phát kỷ lục của sốt xuất huyết, một bệnh của xứ nhiệt đới.
Chỉ với một cái bấm nút và tiếng vo vo của một chiếc quạt, một cửa mở ra và 150 con muỗi đực được nuôi trong phòng thí nghiệm bay ra. Chúng bay đi để tìm kiếm một con cái mà chúng có thể giao phối nhưng không thể sinh sản.
Vi-rút sốt xuất huyết, trong một vài trường hợp hiếm hoi có thể gây tử vong, lây lan sang người bởi muỗi bị nhiễm bệnh.
Những con muỗi được gây giống đặc biệt của Singapore mang một loại vi khuẩn ngăn ngừa trứng nở, dẫn đến việc “giảm dần quần thể muỗi”, bà Ng Lee Ching, người đứng đầu dự án Wolbachia, được đặt theo tên của loại vi khuẩn này,
cho biết.
Một số khu vực có số lượng muỗi nhiều đã thấy lượng muỗi giảm lên đến 90% bằng cách sử dụng kỹ thuật này, bà nói thêm.
Singapore đã ghi nhận hơn 26.000 trường hợp sốt xuất huyết tính đến tháng 9 năm 2020, vượt qua con số tính theo năm ở mức kỷ lục trước đó là khoảng 22.000 vào năm 2013. Đến tháng 8 năm 2020, 20 người đã tử vong vì bệnh này, loại bệnh có thể gây sốt rất cao dẫn đến chảy máu trong và sốc.
Một chủng mới của bệnh, kết hợp với thời tiết ẩm ướt bất thường và đợt phong tỏa do vi-rút corona khiến các công trường xây dựng và các khu vực khác là nơi sinh sản của muỗi không có người động đến. Đó được xem là những yếu tố đằng sau sự bùng phát của bệnh sốt xuất huyết.
Chiến lược mà dự án Wolbachia sử dụng đã thành công ở Úc nhưng một số chuyên gia cho rằng nó có thể bị hạn chế ở những khu vực đô thị với mật độ dày đặc như Singapore. Reuters