Câu chuyện Nổi bật

Philippines và Hoa Kỳ ‘vai kề vai’ trong việc bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Trong khi Philippines tiếp tục phản đối một cuộc xâm nhập vào vùng biển của nước này do hàng trăm tàu của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc, thì Hoa Kỳ đang chứng minh — bằng lời nói và hành động — rằng nước này đang sát cánh cùng với đồng minh lâu năm của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hàng trăm binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of the Philippines – AFP) và Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ đã tham gia Cuộc tập trận Balikatan 36, gồm một chuỗi các cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài hai tuần và các hoạt động mô phỏng chiến tranh. Cuộc tập trận hàng năm đã kết thúc vào cuối tháng 4 năm 2021 tại Doanh trại Aguinaldo, các trụ sở của AFP ở Thành phố Quezon. Cuộc tập trận này được đặt tên theo cụm từ có nghĩa là “vai kề vai” trong tiếng Tagalog (Hình: Các phi công Philippines và Hoa Kỳ chuẩn bị cho một bài tập mô phỏng hỗ trợ không lực tầm gần tại Căn cứ Không quân Đại tá Ernesto Ravina ở Tarlac, Philippines, trong khuôn khổ Cuộc tập trận Balikatan vào tháng 4 năm 2021.)

Theo GMA News ở Philippines đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã phát biểu trong lễ bế mạc có sự tham dự của các quan chức từ cả hai quốc gia: “Cho phép tôi chuyển lời cảm ơn đến chính phủ Hoa Kỳ… vì sự hỗ trợ kiên định mà họ dành cho cuộc tập trận thường niên này”. “Đồng thời tôi cũng trân trọng việc Hoa Kỳ liên tục và bền bỉ thể hiện sự cam kết son sắt đối với Hiệp ước Phòng thủ Chung của hai nước.”

Balikatan minh chứng “sức mạnh và quyết tâm” của liên minh đã tồn tại được 70 năm cũng như khả năng của hai nước trong việc “cùng ứng phó với các cuộc khủng hoảng”, Đại sứ tạm quyền của Hoa Kỳ tại Philippines John Law cho biết.

Theo một thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ông Law nói “Nhưng công tác huấn luyện không bao giờ kết thúc”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai lực lượng quân đội trong việc theo đuổi cam kết mà chúng tôi cùng chia sẻ đối với hoạt động phòng thủ chung trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”.

Vài ngày trước khi cuộc tập trận kết thúc, một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Philippines cho biết họ đang triển khai thêm tàu và máy bay để tiến hành những cuộc tuần tra để đảm bảo chủ quyền ở biển Tây Philippines nhằm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone – EEZ) của nước này, theo tin từ Reuters. Chính phủ đã đệ đơn ngoại giao tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) vào cuối tháng 3 năm 2021 và yêu cầu đội tàu Trung Quốc ngay lập tức rút khỏi Rạn san hô Whitsun. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng bày tỏ sự quan ngại tới đại sứ Trung Quốc tại nước mình, viện dẫn việc tòa án quốc tế bác bỏ các tuyên bố chủ quyền trên khu vực rộng lớn ở Biển Đông của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), các phần phía đông của khu vực đó bao gồm Biển Tây Philippines.

Bắc Kinh tuyên bố rằng các tàu đó là tàu cá đã neo đậu ở vùng biển Trung Quốc để tránh thời tiết xấu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lực lượng dân quân hàng hải ngụy trang thành một đội tàu đánh cá để xâm phạm vào EEZ của các quốc gia khác ở Biển Đông bất chấp phán quyết của tòa án vào năm 2016. Báo The Manila Times đưa tin, tính đến giữa tháng 4, một số tàu trong đội tàu vẫn nấn ná ở rạn san hô này, khiến Bộ Ngoại giao Philippines phải triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự không hài lòng về việc các tàu vẫn còn quanh quẩn ở khu vực đó.

Theo Reuters đưa tin, lực lượng đặc nhiệm Philippines cũng đã công bố các hoạt động thi hành luật được tăng cường để chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại vùng biển của nước này. Lực lượng đặc nhiệm đã phát biểu trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang sử dụng tất cả các phương thức khả thi để bảo vệ lãnh thổ và EEZ của mình”.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nhắc lại sự hậu thuẫn mà Hoa Kỳ dành cho tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, một tuyến đường thương mại vô cùng quan trọng, trong cuộc điện đàm đầu tháng 4 năm 2021 với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một tuyên bố, “Bộ trưởng Blinken cũng khẳng định lại phạm vi áp dụng Hiệp ước Phòng thủ Chung (Mutual Defense Treaty) mà Hoa Kỳ-Philippine đã ký kết vào năm 1951 đối với Biển Đông”. “Bộ trưởng Blinken và Bộ trưởng Locsin hoan nghênh sự hợp tác song phương và đa phương được tăng cường về Biển Đông”.

Ngoài hiệp ước quốc phòng của họ, Thỏa thuận Lực lượng Viếng thăm của hai nước cũng hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc các lực lượng Hoa Kỳ có mặt ở Philippines. Sau Balikatan, các quan chức cho biết họ đang thảo luận về những cập nhật có thể được thực hiện đối với thỏa thuận đã ký kết vào năm 1998. Theo hãng tin GMA News, ông Law cho biết: “Tôi luôn lạc quan rằng chúng ta sẽ thấy những kết quả tích cực từ cuộc thảo luận đó”.

Mặc dù bị thu hẹp quy mô do các biện pháp phòng ngừa COVID-19, Balikatan vẫn bao gồm hoạt động huấn luyện kết hợp của Không quân và lực lượng hoạt động đặc biệt nhằm tăng cường khả năng tương tác, cũng như huấn luyện trực tuyến và trao đổi chuyên gia về lĩnh vực cụ thể. Là một phần trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ dân sự, các binh sĩ Philippines và Hoa Kỳ đã hoàn thành việc xây dựng các lớp học, một cơ sở trông trẻ và một phòng khám y tế ở tỉnh Quezon, Philippines.

“Thành công của chúng tôi đưa hai thông điệp quan trọng ra thế giới: Thứ nhất, các quốc gia mạnh mẽ hơn nếu chúng ta làm việc cùng nhau và thứ hai, không có mối đe dọa nào là quá đáng sợ nếu gánh nặng được cùng nhau chia sẻ và gánh vác”, ông Lorenzana cho biết, theo trang web tin tức Inquirer.net của Philippines.

HÌNH ẢNH: PHI CÔNG CẤP CAO KAYLEA BERRY/LỰC LƯỢNG KHÔNG QUÂN HOA KỲ

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button