Các bài nổi bật

Những người phụ nữ bị mất tích của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Sự Chênh lệch giới ở Trung Quốc liên quan đến nạn buôn bán người và ngược đãi

Nhân viên của DIỄN ĐÀN | Ảnh của AFP/GETTY IMAGES

Một sự chênh lệch khổng lồ về giới tính ở quốc gia lớn nhất thế giới đang góp phần gây ra các mối lo ngại về an ninh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì những người đàn ông khao khát có vợ thực hiện các biện pháp cực đoan để duy trì dòng họ của mình. Các chuyên gia dự đoán rằng nhiều người đàn ông ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) sẽ không bao giờ kết hôn và những người khác có thể phải tốn rất nhiều công sức để tìm vợ.

Sự chênh lệch giới này đóng một vai trò trong vô số các tệ nạn xã hội và tội phạm, từ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái đến sự bất bình đẳng trong việc trả lương và tội phạm tình dục. Với dân số khoảng 1,4 tỷ người, số lượng đàn ông ở Trung Quốc nhiều hơn số lượng phụ nữ là 34 triệu người. Các chuyên gia cho biết, hậu quả của việc kiểm soát dân số theo chủ trương nhà nước, chẳng hạn như chính sách một con đầy tai tiếng của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1979 đến năm 2015 cũng như tập quán văn hóa chuộng con trai đã góp phần vào nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái trong nước và ở các nước láng giềng. 

Tổ chức phi lợi nhuận Human Rights Watch đã nêu bật vấn đề này trong một báo cáo vào tháng 3 năm 2019 tập trung vào nạn buôn bán phụ nữ trẻ từ Miến Điện sang Trung Quốc. Tại vùng Kachin và các bang Shan ở miền bắc của Miến Điện, nơi giáp biên giới với Trung Quốc, các cuộc xung đột kéo dài đã làm 100.000 người bị mất chỗ ở. Những kẻ buôn người lợi dụng môi trường hỗn loạn này để mồi chài những phụ nữ và trẻ em gái sống trong tình thế bấp bênh bằng cách cung cấp cho họ công ăn việc làm và phương tiện di chuyển đến Trung Quốc.

“Sau đó chúng bán những người này, với giá khoảng từ 3.000 đến 13.000 đô la Mỹ, cho các gia đình Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm cô dâu cho con trai mình”, Human Rights Watch đã báo cáo. “Sau khi bị mua về, phụ nữ và trẻ em gái thường bị nhốt trong phòng và bị hiếp dâm nhiều lần, với mục đích là làm cho họ nhanh chóng mang thai và có thể sinh một em bé cho gia đình đó.” Sau khi sinh con, một số nạn nhân trốn thoát nhưng buộc phải bỏ lại con mình, báo cáo cho biết.

Human Rights Watch đã vạch trần các hoạt động buôn người tương tự từ Campuchia, Triều Tiên và Việt Nam sang Trung Quốc. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2026, dân số Trung Quốc sẽ có ba nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 29 cho mỗi nữ giới trong nhóm tuổi đó. 

Khu vực bị tàn phá bởi chiến tranh

Trong báo cáo của mình, với tiêu đề “Hãy cho chúng ta một đứa bé rồi chúng ta sẽ để ngươi đi” (“Give Us a Baby and We’ll Let You Go”), Human Rights Watch đã minh họa một khung cảnh tuyệt vọng ở Miến Điện. Sự giằng co giữa các lực lượng của chính phủ Miến Điện và Tổ chức Độc lập Kachin (Kachin Independence Organization, KIO) đã tồn tại từ ngày độc lập của quốc gia này vào năm 1948. Thỏa thuận đình chiến kéo dài 17 năm đã chấm dứt vào năm 2011. Việc này đã dẫn đến tình trạng thù địch leo thang và khiến 100.000 người Kachin và các dân tộc thiểu số khác bị mất chỗ ở.

Cô Lầu Thi My, sống ở một khu vực miền núi của Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc, đã bị những kẻ buôn người lừa gạt bằng cách hứa cho cô một công việc.

Sự hỗn loạn khiến nhiều người phải vật lộn để sinh tồn, và quyết định của Miến Điện về việc chặn viện trợ nhân đạo cho các khu vực do KIO kiểm soát càng khiến tình hình thêm khó khăn hơn. Mặc dù rất khó tính toán được số lượng phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán sang Trung Quốc, Ủy ban Nhân quyền Myanmar (Miến Điện) cho biết dữ liệu về nhập cư cho thấy 226 phụ nữ đã bị buôn bán sang Trung Quốc trong năm 2017. Bộ Phúc lợi Xã hội của Miến Điện cho biết mỗi năm họ hỗ trợ cho 100 đến 200 phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn bán người trở về từ Trung Quốc.

Những con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số vì nhiều trường hợp không bao giờ được báo cáo, phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán có thể không bao giờ được tìm thấy, và nhiều người trốn thoát giữ bí mật về trải nghiệm của họ, Human Rights Watch cho biết.

Những điểm nóng trong khu vực

Miến Điện không phải là quốc gia duy nhất là nơi mà phụ nữ dễ gặp nguy hiểm. Campuchia, Triều Tiên, Pakistan và Việt Nam cũng báo cáo về việc phụ nữ và trẻ em gái biến mất vào Trung Quốc. Một báo cáo vào tháng 12 năm 2019 của The Associated Press hé lộ rằng Pakistan đã thống kê rằng có 629 cô gái bị bán làm vợ cho đàn ông Trung Quốc kể từ năm 2018. 

Tại Campuchia, vào tháng 5 năm 2020, Bộ Nội vụ đã báo cáo rằng 111 phụ nữ Campuchia đã trở về từ Trung Quốc trong năm 2019 sau khi đã bị bán làm cô dâu. Những người phụ nữ thường bị lừa đến đó với những lời dụ dỗ giả vờ. Theo Human Rights Watch, họ được hứa hẹn những công việc có mức lương cao nhưng thường bị ép kết hôn.

Một khu vực khác dễ bị nhắm đến là đường biên giới dài, nhiều núi non giữa Việt Nam và Trung Quốc. Địa hình này giúp những kẻ buôn người dễ dàng bắt cóc các cô gái Việt Nam từ các ngôi làng và đưa họ qua biên giới, theo phóng sự của Kênh Tin tức châu Á (Channel NewsAsia – CNA) vào tháng 8 năm 2019. “Buôn người kiếm được rất nhiều tiền. Những kẻ buôn người có thể kiếm được hàng chục ngàn đô la cho một thương vụ,” ông Michael Brosowski, người sáng lập ra Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation), một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Hà Nội, đã nói với CNA.

Theo Bộ Công an Việt Nam, hơn 3.000 người Việt Nam — chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái — đã bị buôn bán từ năm 2012 đến năm 2017. Theo CNA đưa tin, số trường hợp không được báo cáo được cho là cao hơn nhiều.

Một thiếu nữ từ khu vực Bắc Hà, Việt Nam, nói với hãng thông tấn rằng cô đã bị lừa và bán cho một nhóm buôn người ở Trung Quốc. Cô ấy nói rằng mình đã không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra “cho đến khi tôi đến một quận nào đó và nhìn thấy các chữ viết bằng tiếng Trung Quốc. Đó là lúc tôi nhận ra rằng mình đã bị bán. Tôi đã rất sợ hãi.”

Tuy nhiên, tình huống lặp đi lặp lại rất đáng buồn này — một phần là do sự kỳ thị gắn liền với việc không có vợ ở Trung Quốc — không nhất thiết sẽ phải tiếp tục xảy ra trong nhiều thập kỷ nữa. Thái độ của người Trung Quốc đối với quy mô gia đình đã thay đổi, vì vậy dự đoán rằng thái độ đối với hôn nhân cũng có thể thay đổi là một điều thực tế, Tiến sĩ Jennifer Sciubba, giáo sư nghiên cứu quốc tế Stanley J. Buckman tại Đại học Rhodes ở Memphis, Tennessee, đã nói với DIỄN ĐÀN. 

“Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, mà tôi nghĩ là đúng đắn, rằng chúng ta đã có một cái nhìn quá tĩnh về văn hóa khi giả định rằng áp lực xã hội lên nam giới về việc tìm vợ khi thiếu phụ nữ sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn trong nước, nhưng những quy chuẩn cũng thay đổi,” bà Sciubba nói. “Việc ý nghĩa của hôn nhân ở Trung Quốc sẽ thay đổi cũng hợp lý không kém gì so với việc các tiêu chuẩn về quy mô gia đình đã thay đổi. Và chúng ta đã thấy những sự thiên vị đó giảm đáng kể chỉ trong vài thập kỷ. ”

Những bé gái bị mất tích

Việc lựa chọn giới tính có thể được đo lường bằng cách sử dụng tỷ lệ giới tính tại thời điểm trẻ được sinh ra trong một khoảng thời gian nhất định. Theo báo cáo của LHQ, tỷ lệ giới tính bình thường về mặt sinh học tại thời điểm trẻ được sinh ra có thể dao động từ 102 đến 106 nam trên 100 nữ, nhưng ở một số khu vực trên thế giới, người ta đã thấy tỷ lệ này cao đến mức 130 nam trên 100 nữ. 

Việc ưu ái con trai do tập quán văn hóa đã dẫn đến những thay đổi sâu sắc, lâu dài trong tỷ lệ giữa nữ giới và nam giới ở Trung Quốc nói riêng. Ở nhiều quốc gia, những tỷ lệ mất cân bằng này dẫn đến tình trạng “túng quẫn trong hôn nhân”, báo cáo cho biết, điều này góp phần làm tăng nạn buôn bán người và tảo hôn.

Những công dân Trung Quốc bị còng tay che mặt khi họ vừa đến một tòa án Pakistan vào tháng 5 năm 2019 để hầu tòa vì những cáo buộc rằng họ đã ép buộc các cô gái đến từ Pakistan phải hành nghề mại dâm ở Trung Quốc.

Bà Sciubba cho biết việc thiếu người để kết hôn như thế này là một biểu hiện của các cấu trúc xã hội lớn hơn mà khinh thường phụ nữ. “Trong trường hợp này, phụ nữ rõ ràng là bị đánh giá thấp hơn so với nam giới, đến mức mà các gia đình sẵn sàng bỏ thai nhi là con gái để thực hiện sự ưu tiên của họ là muốn có con trai,” bà nói.

Đại dịch càng đổ thêm dầu vào lửa

Nạn buôn bán người không phải là hệ quả duy nhất liên quan đến sự chênh lệch về giới ở Trung Quốc và trong khu vực. Tình trạng bấp bênh của phụ nữ trong lực lượng lao động đã trở nên tồi tệ hơn bởi sự mất cân bằng chung và càng trầm trọng hơn bởi đại dịch vi-rút corona.

Theo Bloomberg đưa tin, với những bất lợi vốn đã chồng chất, dịch COVID-19 bùng phát và lệnh phải ở nhà tại nhiều quốc gia đã gây tác động tiêu cực ở mức không cân xứng lên phụ nữ. Nhiều người trong số những lao động di cư đã bị buộc phải rời khỏi các thành phố để về nhà ở nông thôn là phụ nữ, vốn chiếm một số lượng quá lớn trong các công việc thuộc ngành dịch vụ mà dễ bị ảnh hưởng. Theo tin từ Bloomberg, ông Sanjay Mathur, một nhà kinh tế học của Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand cho biết: “Các quy định do phong tỏa và giãn cách xã hội có lẽ gây tác động quá lớn đến phụ nữ”. “Điều đáng lo ngại ở đây là tác động kinh tế sẽ được thể hiện qua các chỉ số việc làm cũng như chỉ số về sức khỏe thể chất và tinh thần trong những năm tới.”

Trách nhiệm và Phòng ngừa

Khi nói đến một trong những tội ác đáng ghê tởm nhất đối với phụ nữ — nạn buôn bán người — Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ấn hành báo cáo về nạn Buôn bán Người (Trafficking in Persons – TIP) trong 20 năm để đem đến một cái nhìn toàn cầu về vấn đề này và để buộc các quốc gia phải có trách nhiệm. Trong một lá thư giới thiệu báo cáo TIP cho năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Mike Pompeo đã ghi nhận rằng những kẻ buôn người tước đi “quyền tự do cơ bản của gần 25 triệu người, buộc họ phải sống đời nô lệ và làm việc quần quật để đem đến lợi nhuận cho kẻ bóc lột”.

Ông cho biết, báo cáo TIP này cung cấp dữ liệu cho các chính phủ để truy tố những kẻ buôn người, hỗ trợ cho các nạn nhân bị tổn thương tâm lý và ngăn ngừa tội ác. Đối với Trung Quốc, còn nhiều việc cần phải làm, báo cáo cho biết. 

Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân của Nạn Buôn bán Người (Trafficking Victims Protection Act), đã thiết lập ra văn phòng TIP và ủy nhiệm việc thực hiện báo cáo hàng năm, xếp các quốc gia vào ba nhóm dựa trên nỗ lực của họ trong việc ngăn ngừa nạn buôn bán người. Trong báo cáo năm 2020, Miến Điện, Triều Tiên, Papua New Guinea và Trung Quốc đã được liệt kê ở Nhóm 3, cấp độ thấp nhất. Bảng xếp hạng đưa các quốc gia này vào cùng cấp độ với những quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan và Syria.

Các quốc gia ở nhóm dưới cùng bị cấm nhận viện trợ phi nhân đạo và hỗ trợ nước ngoài từ Hoa Kỳ mà không liên quan đến giao thương vì các quốc gia đó không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về nỗ lực để chấm dứt nạn buôn người.

Mặc dù các quan chức Trung Quốc đã thực hiện các bước để truy tố những kẻ buôn người, nhưng Trung Quốc đã bị chỉ trích trong báo cáo vì không ngăn chặn tình trạng lao động cưỡng bức trên diện rộng và vì đã giam giữ số lượng lớn gồm 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và những người Hồi giáo khác sống ở khu vực Tân Cương.

Ấn Độ vẫn là một quốc gia thuộc Nhóm 2, có nghĩa là chính phủ không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu nhằm chấm dứt nạn buôn bán người nhưng đang có những bước tiến để cải thiện. Báo cáo này đã ca ngợi vụ truy tố những kẻ buôn người gây tiếng vang của Ấn Độ tại một nhà tạm lánh do chính phủ tài trợ ở Bihar. Vụ án đã khiến 19 kẻ bị kết án, trong đó có ba quan chức nhà nước. Một người đã từng là thành viên có ảnh hưởng lớn của cơ quan lập pháp và là một trong 12 người bị nhận án chung thân.

Khi nói đến những câu chuyện thành công của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì Úc, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ được liệt kê là các quốc gia thuộc Nhóm 1, có nghĩa là họ đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của đạo luật về việc chấm dứt nạn buôn người.

Các quan chức Hoa Kỳ chống lại các băng nhóm tội phạm này vẫn cam kết giúp đỡ các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới trong việc ngăn chặn bạo lực. “Khi những người dễ bị tổn thương lâm vào tình thế khó khăn hơn, thì chúng tôi vẫn kiên quyết theo đuổi quyền được hưởng tự do cho tất cả các nạn nhân của nạn buôn người và trách nhiệm mà tất cả những kẻ buôn người phải chịu”, ông John Cotton Richmond, đại sứ lưu động của Hoa Kỳ, đã viết trong báo cáo TIP cho năm 2020  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button