Câu chuyện Nổi bật

Lo sợ về nội loạn, ĐCSTQ tăng gấp đôi nỗ lực kiểm duyệt

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Từ việc cấm trò chơi điện tử đến việc đặt ra các biện pháp kiểm soát mới đối với các công ty công nghệ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt tay vào một sáng kiến kiểm duyệt nhiều mặt để bảo vệ mình khỏi các chỉ trích trong nước.

Các nhà phân tích cho biết chiến dịch này nhằm làm suy yếu khả năng kiểm soát luồng thông tin của những tập đoàn công nghệ khổng lồ và loại bỏ những lời chỉ trích đối với những hành động của ĐCSTQ, chẳng hạn như việc chính phủ xử lý đại dịch COVID-19 và ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Ví dụ như, vào tháng 4 năm 2021 Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSTQ đã ra mắt một hệ thống tính điểm cho các trò chơi trực tuyến được sản xuất ở Trung Quốc. Các trò chơi có thể bị cấm nếu chúng không tung hô những giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi hoặc những gì ĐCSTQ coi là quan điểm “đúng đắn” về lịch sử, theo một báo cáo vào tháng 4 năm 2021 của các nhà nghiên cứu tại Freedom House, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Quy tắc mới này là một trong nhiều quy định mà ĐCSTQ đã bổ sung vào một chương trình kiểm duyệt vốn đã bao phủ trên diện rộng, cho thấy một “sự bồn chồn kéo dài của ĐCSTQ về bất đồng chính kiến trong nước và các tâm điểm khác của tầm ảnh hưởng”, báo cáo của Freedom House nêu rõ.

Các công ty công nghệ là một mục tiêu lớn. Theo tờ The Wall Street Journal đưa tin, vào tháng 3 năm 2021 chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Tập đoàn Alibaba bán các tài sản truyền thông của mình. Alibaba, một công ty thương mại điện tử, sở hữu tờ South China Morning Post đã hoạt động được 117 năm, một tờ nhật báo bằng tiếng Anh ở Hồng Kông. Bên cạnh việc mua tờ Post vào năm 2016, Alibaba, trong hình, đã đầu tư vào các kênh truyền thông khác, bao gồm nền tảng truyền phát trực tuyến Youku Tudou, công ty giải trí Huayi Brothers và trang web chia sẻ video Bilibili, theo báo Journal đưa tin. Theo Bloomberg đưa tin, tờ South China Morning Post là một trong những tài sản mà chính phủ muốn công ty này phải bán, điều này có thể hạn chế quyền tự do báo chí ở Hồng Kông.

Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đã phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội sau khi ông này chỉ trích chính phủ trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm 2020 về việc chính phủ bóp nghẹt những nỗ lực sáng tạo. “Các nhà chức trách đã cứng rắn hơn đối với Tập đoàn Alibaba nói chung, vì vậy việc bán các tài sản truyền thông có thể là một phần của điều đó”, một nguồn tin có quan hệ với một chính phủ trong khu vực nói với Nikkei Asia.

Một bộ quy tắc khác nhắm đến những người nổi tiếng. Theo Freedom House, một nhóm ngành thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã công bố vào ngày 5 tháng 2 năm 2021 rằng các nghệ sĩ phải tuân thủ 15 quy tắc giờ đây đã trở thành luật lệ có nguồn gốc từ các quy tắc không thành văn đã tồn tại từ lâu. Các quy tắc này yêu cầu những người nổi tiếng phải quảng bá đường lối của ĐCSTQ đồng thời không được “phá hoại sự đoàn kết dân tộc” hoặc “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, báo cáo cho biết. Những người vi phạm có thể bị đình chỉ hoặc cấm hoạt động trong ngành.

ĐCSTQ cũng đang kết hợp hoạt động tuyên truyền với những nỗ lực kiểm duyệt của mình. Một cuộc vận động trên mạng Internet đã khởi phát ở Trung Quốc vào tháng 4 năm 2021 để ủng hộ hoạt động sản xuất bông ở Tân Cương, với sản lượng chiếm 20% nguồn cung trên thế giới. Theo tạp chí trực tuyến The Diplomat đưa tin, cuộc vận động này đã lên án những công ty thời trang quốc tế về việc tẩy chay các thương hiệu Trung Quốc vì họ đã sử dụng người Duy Ngô Nhĩ làm lao động cưỡng bức. Hoạt động này được làm ra vẻ là sự ủng hộ từ cấp cơ sở cho những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc trả đũa những kẻ tẩy chay.

Tuy nhiên, nó bắt đầu từ một bài đăng trên Weibo vào ngày 24 tháng 3 năm 2021 mà đã được chia sẻ rất rộng rãi. Bài viết này lên án các thương hiệu quốc tế như H&M, một hãng thời trang Thụy Điển, vì đã tẩy chay bông sản xuất ở Tân Cương. Tác giả của bài viết đó là Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức thuộc ĐCSTQ. Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, tờ Nhân dân Nhật báo, cũng đã cho đăng một vài bài báo, trong đó có một bài viết tán dương bông Tân Cương là “tốt nhất trên thế giới”.

“Bằng cách thao túng các phương tiện truyền thông nhà nước và phản ứng trên mạng để ủng hộ bông Tân Cương, ĐCSTQ đã thể hiện khả năng và mức độ sẵn sàng trong việc tận dụng lòng tự tôn dân tộc để phản bác lại những lời chỉ trích của quốc tế về các vấn đề nhân quyền”, tờ The Diplomat đưa tin.

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button