Câu chuyện Nổi bật

EU đổ lỗi cho Trung Quốc về việc gây nguy hiểm cho hòa bình ở Biển Đông

Reuters

Liên minh châu Âu (EU) đã lên án Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) về việc gây nguy hiểm cho hoà bình ở Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên tuân thủ phán quyết của tòa án vào năm 2016 mà đã bác bỏ hầu hết tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.

Cuối tháng 4 năm 2021, EU đã đưa ra một chính sách mới nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại uy lực ngày càng tăng của Trung Quốc.

Cũng trong tuần đó, Philippines đã phản đối Trung Quốc về việc nước này không triệu hồi các thuyền “có ý hăm dọa” được cho là điều khiển bởi lực lượng dân quân hàng hải xung quanh Rạn san hô Whitsun, mà Manila gọi là Rạn san hô Julian Felipe. (Ảnh: Các tàu của Lực lượng Cảnh sát Biển Philippines tuần tra các tàu của Trung Quốc neo đậu tại Rạn san hô Whitsun ở Biển Đông vào ngày 14 tháng 4 năm 2021.)

“Căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu lớn của Trung Quốc tại Rạn san hô Whitsun, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực”, một phát ngôn viên của EU cho biết trong một tuyên bố vào ngày 24 tháng 4.

EU đã nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của mình đối với “các hành động đơn phương có thể làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Liên minh này đã kêu gọi tất cả các bên giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế và nhấn mạnh phán quyết của trọng tài quốc tế vào năm 2016 mà đã xử phần thắng cho Philippines đồng thời bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong một tuyên bố, phái đoàn Trung Quốc tại EU nhắc lại tuyên bố của Trung Quốc rằng rạn san hô này là một phần của quần đảo Nansha của Trung Quốc, còn gọi là quần đảo Trường Sa, và rằng việc các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở đó và tránh gió là “hợp lý và hợp pháp”.

Tuyên bố cũng nói rằng chủ quyền, quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông đã được hình thành trong “lịch sử lâu dài và phù hợp với luật pháp quốc tế” và bác bỏ phán quyết của tòa án vào năm 2016 là “vô hiệu”.

Trung Quốc ngày càng lo lắng rằng châu Âu và các nước khác đang lắng nghe lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một “cách tiếp cận có sự phối hợp” đối với Trung Quốc, mà cho đến nay đã được thực hiện dưới hình thức là những lệnh trừng phạt đối với cuộc đàn áp an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông và cách nước này đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trong tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Washington “sát cánh với đồng minh của mình, Philippines”, khi nước này phải đương đầu với số lượng lớn dân quân hàng hải Trung Quốc tập trung tại Rạn san hô Whitsun.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button