Các Quốc gia Cần phải Chống lại các mối Đe dọa khủng bố Gia tăng do COVID-19, Ông Duterte Nói

Nhân viên của DIỄN ĐÀN
Sự cấp bách của việc đương đầu với vi-rút corona gây nguy hiểm chết người đã thúc giục các chính phủ trên toàn thế giới chuyển nguồn lực sang đối phó với đại dịch toàn cầu, nhưng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhắc nhở các nhà lãnh đạo đừng quên những mối đe dọa khủng bố vẫn còn tiếp diễn.
“Ngay cả khi chúng tôi đang tìm phương hướng để thoát khỏi đại dịch này, Philippines vẫn tiếp tục đương đầu với những mối đe dọa về an ninh,” ông Duterte phát biểu vào tháng 9 năm 2020 trong cuộc họp trực tuyến Aqaba Process, một sáng kiến của nhà vua Jordan nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo thế giới. “Thật vậy, COVID-19 đã không cách ly những kẻ khủng bố”.
Các tổ chức khủng bố địa phương, bao gồm Nhóm Abu Sayyaf, các Chiến binh Hồi giáo vì Tự do Bangsamoro và Quân đội Nhân dân Mới của Đảng Cộng sản Philippines, trong đại dịch đã càng “táo tợn hơn”, ông Duterte nói. Ông nói thêm: “Chúng lợi dụng tình hình để phục vụ cho các hoạt động bất chính của mình”.
“Lúc này, hơn bao giờ hết, quyết tâm của chúng tôi càng mạnh mẽ hơn,” ông Duterte nói. “Chúng tôi sẽ không chùn bước trong cuộc chiến chống khủng bố của mình. Và chúng tôi sẽ không cho phép COVID-19 khiến người dân phải gục ngã”.
Không giống như COVID-19, các mối đe dọa khủng bố không phải là điều gì mới đối với các chính phủ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, vấn đề khủng bố đã không chiếm vị trí nổi bật trong các cuộc đối thoại và ưu tiên như sự lây lan của vi-rút corona. Hơn nữa, việc truyền thông tập trung vào đại dịch toàn cầu đồng nghĩa với việc có ít tin tức hơn về các mối đe dọa còn tiếp diễn từ các tổ chức cực đoan bạo lực (violent extremist organizations – VEO), theo cảnh báo của Ban Giám đốc Điều hành Ủy ban chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Counter-Terrorism Committee Executive Directorate – CTED) trong một báo cáo vào tháng 6 năm 2020. Các tổ chức VEO cũng có thể cố gắng khai thác những thay đổi khác đã xảy ra theo hướng có lợi cho chúng.
Ví dụ, đại dịch đã buộc hơn 1 tỷ học sinh trên toàn cầu phải tham gia các lớp học trực tuyến vì những rủi ro liên quan đến vi-rút đã ngăn cản các em đến trường, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc. Việc gia tăng số lượng thanh thiếu niên sử dụng internet mà không được giám sát, bao gồm cả các nền tảng trò chơi, tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố truyền bá tư tưởng cực đoan tới nhiều người hơn, báo cáo của CTED ghi nhận, “mặc dù mối quan hệ giữa hoạt động trực tuyến và cực đoan hóa đến bạo lực vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ”.
Theo báo cáo của CTED, có tiêu đề “Tác động của đại dịch COVID-19 đối với khủng bố, chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực” (“The impact of the COVID-19 pandemic on terrorism, counter terrorism and countering violent extremism”) những kẻ cực đoan đã tích hợp COVID-19 vào câu chuyện và thông tin mà chúng tuyên truyền để lợi dụng những sự kiện hiện tại và phóng đại sự chia rẽ và những điểm yếu trong các đối thủ của mình. Các nhà nghiên cứu đã gọi đại dịch là cơn bão hoàn hảo cho sự lây lan của tin giả và thông tin sai lệch.
“Mặc dù một số nước đã phản ứng, bao gồm cả việc buộc tội những cá nhân vì đã truyền bá tin giả/tin sai liên quan đến COVID-19, nhưng phần lớn trách nhiệm giải quyết tình huống này đã rơi vào khu vực tư nhân (cũng như trong chống khủng bố),” báo cáo của CTED trình bày. “Tuy nhiên, bất chấp những hành động của nhiều nền tảng truyền thông xã hội lớn như, cấm các cá nhân và tổ chức trên những nền tảng này, quảng bá cho những tiếng nói có thẩm quyền, tăng cường việc sử dụng các cơ chế xác minh và cấm quảng cáo sử dụng những thông tin sai lệch để bán sản phẩm y tế, những thách thức lớn vẫn còn”.
Báo cáo của CTED cho biết, nhiều cá nhân sẽ cảm thấy sự không chắc chắn, cô lập và bất ổn chính trị kéo dài, làm tăng khả năng các tác nhân cực đoan bạo lực sẽ tiếp tục cố tìm cách lợi dụng những điểm dễ tấn công. Tuy nhiên, cơ quan này cam kết sẽ tiếp tục theo dõi những tác động của COVID-19 đối với khủng bố và các nỗ lực chống khủng bố đồng thời đưa ra các đánh giá và khuyến nghị trong khi các chính phủ tìm cách vượt qua những thách thức mới nhất này.
Ông Duterte đã khuyến khích các quốc gia dẹp bỏ sự khác biệt để đối phó với các mối đe dọa mới và tiếp diễn do vi-rút corona. Ông đã cam kết rằng Philippines sẽ tăng cường hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và LHQ, cùng với những quốc gia khác, để đối mặt với những gì ông gọi là “những thách thức to lớn trong hoàn cảnh hiện tại”.
“Đại dịch COVID-19 buộc chúng ta phải đoạn tuyệt với quá khứ. Việc cứ khăng khăng làm theo những cách thức cũ mà đã duy trì sự bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia đơn giản là không thể tiếp tục được”, ông Duterte nói. “Hãy tận dụng cơ hội lịch sử này để xây dựng một trật tự mới — một trật tự an toàn, công bằng và nhân đạo hơn — nơi không có chỗ cho sự man rợ của những kẻ khủng bố và các lực lượng cực đoan”.