Các bài nổi bật

Các mối quan hệ, Khả năng phục hồi và Công tác ứng phó

Quan hệ đối tác giữa các Cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ và Các Tổ chức Viện trợ ở Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Chuyển sang Ứng phó Vi-rút Corona

Nhân viên của DIỄN ĐÀN 

Giữa những tổn thất khủng khiếp về mạng sống và sinh kế, đại dịch vi-rút corona cũng đã bộc lộ một thế mạnh. Nó làm nổi bật sức mạnh và khả năng phục hồi của các cộng đồng mà tận dụng sự kết nối của họ và vun đắp các mối quan hệ đa dạng.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chương trình Nhân đạo, Thảm họa và Cứu trợ Dân sự Nước ngoài (OHDACA) của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, và Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (USINDOPACOM) minh chứng cho điều này. Các mối quan hệ đối tác giữa những cơ quan đó với các quốc gia và tổ chức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tạo điều kiện cho một sự chuyển hướng gần như suôn sẻ nhằm đáp ứng các thách thức trong khu vực và ứng phó với đại dịch vi-rút corona.

Các đại diện của chính phủ Hoa Kỳ cho rằng sự thay đổi nhanh chóng về trọng tâm và nguồn lực có được là nhờ sự hiện diện lâu dài của họ trong khu vực và các cuộc tập trận ứng phó với thiên tai cũng như việc trao đổi với các quốc gia đối tác mà đã tồn tại nhiều năm. Một mức độ tin tưởng và thấu hiểu về cách thức giao tiếp của mỗi hợp phần đã được thiết lập, giúp các nước sở tại dễ dàng hơn trong việc yêu cầu sự hỗ trợ từ USAID, OHDACA và USINDOPACOM.

Bà Paige Miller, Phó cố vấn phát triển của USAID cho USINDOPACOM, nói với DIỄN ĐÀN: “Chúng tôi phối hợp với các quan chức của quốc gia đối tác và các nỗ lực ứng phó với vi-rút corona của USAID dựa trên sự đầu tư vào viện trợ cho y tế và nhân đạo mà có thể cứu mạng người đã tồn tại qua nhiều thập kỷ”. Bà Miller phối hợp với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD), làm việc chặt chẽ với các điều phối viên quân sự dân sự của USAID trong khu vực, để đồng bộ hóa và thúc đẩy các mục tiêu chung nhằm đáp ứng nhiều yêu cầu của quốc gia đối tác muốn được hỗ trợ.

Người thân trong gia đình thảo luận về các xét nghiệm COVID-19 sắp tới của họ với một bác sĩ tại Trường Y và Bệnh viện Mugda ở Dhaka, Bangladesh. Hoa Kỳ đang hỗ trợ các nỗ lực của Bangladesh trong việc chống lại COVID-19. REUTERS

Vào tháng 2 năm 2020, khi vi-rút corona lan rộng, USAID đã tiến hành phân tích các quốc gia trên toàn thế giới để quyết định quốc gia nào có nguy cơ cao nhất và bắt đầu tìm kiếm nguồn quỹ để cung cấp sự hỗ trợ. “Sau một thời gian, chúng tôi nhận ra rằng tất cả các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch này”, bà Miller nói. Sự phối hợp với các hợp phần Quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (USARPAC) và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt ở Thái Bình Dương (SOCPAC) của USINDOPACOM đã giúp USAID tăng cường nhiệm vụ của mình và mở rộng năng lực ứng phó với vi-rút.

“Thông qua các điều phối viên quân sự dân sự của USAID trong khu vực, USAID đã có một mối quan hệ tự nhiên và hiệu quả với các nhóm của USARPAC và SOCPAC. Mối quan hệ này được xây dựng dựa trên lòng tin và việc trao đổi thông tin cởi mở,” bà Miller cho biết. “Mối quan hệ này tạo điều kiện cho việc xác định nhanh chóng các nhu cầu ưu tiên cũng như thiết kế và thực hiện triệt để các dự án do OHDACA tài trợ. Các dự án này đáp ứng những nhu cầu then chốt mà nguồn quỹ của USAID không thể đáp ứng được.”

CÔNG TÁC ĐIỀU PHỐI VÀ PHÂN PHỐI VIỆN TRỢ ĐƯỢC NÂNG CAO 

Sự tham gia hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ của Hoa Kỳ cho phép họ gia tăng nỗ lực của nhau trong việc phân phối viện trợ trong đại dịch vi-rút corona. Đó là một nỗ lực có tính hợp tác mà cũng bao gồm các nhóm thuộc đại sứ quán tại các quốc gia, các nhân viên hợp tác về an ninh tại đại sứ quán và các quan chức của nước sở tại.

USAID vẫn tiếp tục cam kết với việc hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới, bao gồm 28 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với các nguồn quỹ hỗ trợ y tế, nhân đạo và kinh tế trị giá hơn 145 triệu đô la Mỹ cộng với hơn 2.000 máy thở.

SOCPAC, thông qua các Thành phần Hỗ trợ Dân sự Quân sự (CMSEs) tại Bangladesh, Miến Điện, Indonesia, Maldives, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Sri Lanka và Thái Lan, đã làm việc chặt chẽ với các đối tác USAID và DOD để xác định nhu cầu và nhanh chóng đáp ứng bằng các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) được mua trong khu vực, các bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh, vật tư y tế và các trạm rửa tay.

USARPAC đã triển khai các dự án OHDACA tại Bangladesh, Lào, Mông Cổ, Nepal, Papua New Guinea và Đông Timor để cung cấp PPE, trạm rửa tay, vật tư y tế, sản phẩm vệ sinh, máy phát điện, nhà vệ sinh di động và các thông báo nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân. Tại Đông Timor, USARPAC cũng đang thực hiện các dự án OHDACA trị giá 1,29 triệu đô la Mỹ, bao gồm dự án OHDACA duy nhất hỗ trợ các nỗ lực truyền thông về nguy cơ thông qua sáu bảng quảng cáo và tám thông báo để phục vụ công chúng trên truyền hình. Những nỗ lực này tương trợ cho những nỗ lực truyền thông về nguy cơ của USAID.

Bà Miller ghi nhận, “Chúng tôi kết hợp với các quan chức của quốc gia đối tác để xác định nhu cầu và phối hợp các nỗ lực ứng phó”. Bà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo sự chỉ đạo của quốc gia đối tác trong các nỗ lực ứng phó.

‘Ở THỜI ĐIỂM NÀY CHÚNG TÔI KHÔNG HOẠT ĐỘNG NHƯ BÌNH THƯỜNG’

Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đòi hỏi các cơ quan chính phủ của Hoa Kỳ phải sắp xếp lại cách thức hoạt động trong khu vực trong thời gian ngắn hạn và dài hạn.

Trung tá Mark Mudrinich, trưởng nhóm tại USARPAC Oceania, nói với DIỄN ĐÀN: “Ở thời điểm này chúng tôi không hoạt động như bình thường”. “Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức sáng tạo để tiến hành các hoạt động đào tạo. Rất nhiều hoạt động hợp tác mà USARPAC sẽ thực hiện trong tương lai hầu như được tạo ra trên không gian mạng. Chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ các dự án và làm việc chặt chẽ với USAID. Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi hết sức thận trọng với các đối tác và đồng minh của mình.”

Việc này bao gồm thời gian cách ly để đảm bảo các binh sĩ Hoa Kỳ được điều động đến khu vực không bị nhiễm vi-rút trước khi làm việc với người dân địa phương.

Một nhân viên y tế lấy mẫu từ một người lính Nepal để làm xét nghiệm COVID-19 ở Kathmandu, Nepal, vào tháng 7 năm 2020. THE ASSOCIATED PRESS

Trung tá Jason Hanson, giám đốc chi nhánh về các vấn đề dân sự tại SOCPAC, đã chia sẻ với FORUM: “Sau khi COVID xảy ra, nó đã hạn chế khả năng làm việc của chúng tôi với tất cả đối tác của quốc gia sở tại”. “Những hoạt động trao đổi tập trận và trao đổi đào tạo thường diễn ra đã phải ngừng lại. Điều đó đã gây khó khăn cho chúng tôi trong việc hợp tác với các đối tác của mình.”

Trong rất nhiều tình huống, các nhà cung cấp lực lượng và các quân đội có thể gặp khó khăn khi muốn duy trì tính liên tục không bị đứt quãng ở quốc gia mà họ công tác, ông Hanson cho hay. Đó là lý do sự có mặt của các CMSE ở cấp cơ sở là rất quan trọng, ông nói, cũng như việc đảm bảo rằng những vị trí đó không bị bỏ trống khi việc luân chuyển định kỳ xảy ra giữa đại dịch.

“Nếu những vị trí đó bị trống, nguy cơ xảy ra tình trạng thụ động sẽ ở mức cao và sẽ gây ra lo ngại,” ông Hanson chia sẻ.

Các binh sĩ Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn khi được điều động đến một quốc gia chủ quản và cố gắng thiết lập một mối quan hệ đã tạm thời bị cắt đứt. “Nhưng vì chúng tôi có sự luân phiên liền mạch ở đó, nên mối quan hệ đối tác được chăm chút,” ông Hanson nói.

Binh sĩ và nhân viên của Hoa Kỳ tiến hành các cuộc thăm hỏi trực tuyến mỗi ngày hoặc mỗi tuần vì các cuộc họp trực tiếp đã bị hạn chế. 

“Họ biết gương mặt của CMSE có thể thay đổi, nhưng họ biết rằng sẽ luôn có sự hiện diện của CMSE ở đó,” ông Hanson cho biết. “Điều này củng cố thông điệp không chỉ tới đội ngũ của chúng tôi ở quốc gia sở tại, mà còn tới quốc gia đối tác rằng sự hợp tác sẽ luôn được duy trì, và mối quan hệ sẽ luôn tiếp tục được củng cố miễn là chúng tôi có cơ hội được tiếp tục làm việc với quốc gia đối tác của mình.”

Để ngăn ngừa các khoảng trống trong những mối quan hệ đó, các nhóm luân phiên kéo dài thời gian công tác ở nước chủ quản thêm từ hai đến ba tháng vì các hạn chế đối với việc nhận người thay thế. 

“Thay vì cho nhân viên về nước và tạo ra khoảng trống, điều rủi ro lớn nhất đối với chúng tôi, chúng tôi muốn kéo dài thời gian của đội ngũ đã ở sẵn tại quốc gia đó,” ông Hanson nói. “Chúng tôi đã nhìn nhận được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ.”

USAID đã di tản ít nhất 50% nhân viên dịch vụ nước ngoài trong khu vực này do vi-rút corona, và “việc đó đã và đang là một thách thức”, ông Miller cho biết. Tuy nhiên, nhờ vào sự có mặt ổn định hơn của các đại diện USAID trong khu vực — cũng như quan hệ đối tác mạnh mẽ với các tổ chức phi chính phủ vẫn còn ở trong nước — nên USAID đã duy trì được tính hiệu quả ở mức độ cao bất chấp sự thay đổi trong số lượng nhân viên.

HÀNH TRÌNH ĐẾN SỰ TỰ LỰC

Ông Mudrinich đã chia sẻ rằng khi nói đến các thảm họa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì, “vấn đề không phải là liệu có xảy ra hay không, mà là khi nào sẽ xảy ra.” Tư duy đó đã hỗ trợ khả năng phục hồi của khu vực trong việc đối mặt với những thách thức do vi-rút corona gây ra. Chính tinh thần kiên cường đó cũng sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi về lâu về dài.

Các quan chức Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đổi cứu trợ đại dịch sang phục hồi. Sau này, họ sẽ chuyển đổi toàn bộ quyền kiểm soát đối với lộ trình tiến lên phía trước cho nước sở tại.

“USAID đang nỗ lực để đạt được những kết quả tốt hơn về phát triển để một ngày nào đó, viện trợ nước ngoài sẽ không còn cần thiết nữa. Đây được gọi là hành trình đến sự tự lực”, ông Miller giải thích. Là những đối tác trong hành trình này, USAID và chính phủ nước sở tại làm việc để tăng cường khả năng của đất nước đó trong việc lập kế hoạch, cấp vốn và thực thi các giải pháp để vượt qua những thách thức. Ngay cả trong đại dịch, điều này vẫn quan trọng hơn bao giờ hết.

USAID, OHDACA và USINDOPACOM đã đặc biệt chú ý đến việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và bình đẳng giới trong quá trình ứng phó với vi-rút corona. Ví dụ, ở Đông Timor, các cơ quan của Hoa Kỳ đã tài trợ cho thiết bị bảo hộ cá nhân sản xuất bởi các doanh nghiệp địa phương do phụ nữ sở hữu. Theo ông Miller và ông Mudrinich, việc tìm kiếm các bên nhận tài trợ ở nông thôn cũng đã bơm tiền vào nền kinh tế và cung cấp cho phụ nữ các kỹ năng có thể chuyển đổi.

Nhóm Tiếp cận Quân sự-Dân sự J91 (Mil-Civ Outreach) OHDACA của USINDOPACOM đã điều phối, cung cấp nhân sự và phê duyệt 165 đề cử dự án trị giá hơn 12 triệu đô la Mỹ với USAID, các nhóm công tác của Hoa Kỳ tại các quốc gia, các cán bộ hợp tác an ninh (SCO), USARPAC, SOCPAC, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) và Văn phòng Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Ổn định và Hỗ trợ Nhân đạo để hỗ trợ các nỗ lực của quốc gia đối tác nhằm giảm thiểu và ứng phó với ảnh hưởng của COVID-19. Binh sĩ của quân đội Hoa Kỳ tại các quốc gia, bao gồm các nhóm phụ trách vấn đề dân sự và SCO, đặt chỉ tiêu riêng cho các dự án này bằng cách làm việc với và thông qua các cơ quan dân sự của quốc gia đối tác để thực hiện các dự án có tác động cao với chi phí tương đối thấp để chống lại COVID-19 trong khu vực.

Bộ chỉ huy đồng bộ toàn bộ các giám đốc tham mưu của USINDOPACOM, bao gồm cố vấn y tế cao cấp, J44 (kỹ sư), hợp tác an ninh J55, cán bộ văn phòng trong nước J5, USAID, cán bộ công vụ, và luật sư về tư pháp quân đội cho bộ chỉ huy và tham mưu để đánh giá và đồng bộ hóa tất cả các dự án. Nhóm OHDACA cũng đã làm việc với các điều phối viên Quân sự-Dân sự USAID về các đề cử dự án từ SOCPAC, USARPAC và SCOs. Nhóm Lập kế hoạch Vấn đề Dân sự ở Khu vực J9 đã làm việc với cố vấn y tế cao cấp và Nhóm Lập kế hoạch Hoạt động USINDOPACOM để xác định các quốc gia được ưu tiên trong đại dịch COVID-19, bao gồm Bangladesh, Indonesia, Philippines và Sri Lanka. Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương, cùng với J9 (Tiếp cận Thái Bình Dương), đã sử dụng khoa học dữ liệu lớn để xác định nên cung cấp sự hỗ trợ của DOD ở đâu.

Thiếu tá Jim Towle, quản lý chương trình OHDACA cho biết: “Nỗ lực này đã thể hiện rõ giá trị và khả năng của J9 và đội ngũ liên cơ quan trong việc đồng bộ hóa và thực hiện các ưu tiên chỉ huy từ cấp chiến thuật lên đến tận USINDOPACOM và DSCA”. 

Gắn chặt với tất cả những điều này là việc truyền tải thông điệp — rằng Hoa Kỳ có mối quan tâm bất di bất dịch trong khu vực với tư cách là một đối tác lâu dài và một bên tôn trọng chủ quyền. Do đó, điều quan trọng là các gói hỗ trợ của Hoa Kỳ mang cờ của quốc gia đối tác, ông Hanson cho biết. “Nếu những khoản quyên tặng này chỉ có cờ Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đi chệch mục đích của mình,” ông Hanson nói.

Mục tiêu ở đây, ông nói, là luôn nhấn mạnh mối quan hệ đối tác. Làm như vậy sẽ xây dựng được lòng tin của cộng đồng vào chính phủ và quân đội của mình. “Đó thực sự là cách truyền thông tốt,” ông Hanson nói. “Điều này thể hiện cho một cộng đồng rằng đất nước chúng ta đã không chỉ chăm nom cho chúng ta, mà còn có một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ”.

Ông Hanson đã nhớ đến một trung tâm phân phối cứu trợ vi-rút corona ở Nepal. Ở đó, một phía của căn phòng có 100 hộp đựng đồ quyên tặng mang cờ Hoa Kỳ và Nepal đặt bên cạnh nhau. “Và ở phía bên kia của căn phòng, có ba hoặc bốn hộp từ Trung Quốc,” ông Hanson nói với DIỄN ĐÀN. “Rất nhiều người đã để ý tới điều đó ngay lập tức. Quốc gia đối tác cũng đã nhận thấy điều này.”

Ngoài việc ứng phó tức thời với đại dịch, ông Hanson đã cho rằng điều quan trọng là phải để lại tác động lâu dài. Việc cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang dùng một lần có thể được đeo trong một ngày là một chuyện. Hoa Kỳ cũng cung cấp giường bệnh và máy thở, các vật dụng giúp nước sở tại tiến lên trên hành trình phục hồi và nhắc bên nhận nhớ đến cam kết lâu dài của chính phủ Hoa Kỳ đối với khu vực. “Chúng tôi muốn là đối tác mà họ lựa chọn”, ông Hanson chia sẻ.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button