Các bài nổi bật

Bồi đắp cho Sự Ổn định

Các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng cường  an ninh lương thực thông qua quan hệ đối tác và công nghệ

Nhân viên của DIỄN ĐÀN 

Trong 55 năm độc lập, quốc đảo Singapore đã phát triển từ một miền đất thuộc địa xa xôi hẻo lánh thành một cường quốc thịnh vượng về thương mại toàn cầu và tài chính — một sự phát triển mạnh mẽ được thể hiện trên đường chân trời mà khiến người ta phải ngửa cổ ngước nhìn ở nơi đây.

Thường xuyên nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người, thành phố này là nơi có bến cảng lớn nhất Đông Nam Á và xuất khẩu đủ loại hàng hóa từ các mặt hàng điện tử đến dược phẩm và thiết bị y tế. Người dân có trình độ học vấn cao, làm việc năng suất, với dân số kể từ năm 1965 đến nay đã tăng gấp ba lần lên 5,7 triệu người. Người dân nơi đây được hưởng mức sống cao.

Tuy nhiên, điều chủ yếu vẫn giữ nguyên không thay đổi trong nửa thế kỷ qua là bản chất của chính vùng đất này — 720 kilomet vuông với địa hình chủ yếu là không phù hợp với cây trồng.

“Singapore chưa bao giờ là một quốc gia nông nghiệp do diện tích đất canh tác hạn chế của chúng ta”, bà Kee Ai Nah, giám đốc điều hành của cơ quan phát triển của chính phủ, Enterprise Singapore, đã viết vào năm 2019. “Ngày nay, chỉ có 8% lượng rau chúng ta tiêu thụ được sản xuất tại các trang trại địa phương, khiến chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu thực phẩm.”

Trang trại theo chiều dọc này ở một khu vực công nghiệp của Kyoto, Nhật Bản, sản xuất 30.000 cây rau diếp mỗi ngày sử dụng ánh sáng nhân tạo và sự can thiệp hạn chế của con người. AFP/GETTY IMAGES

Ngay cả đối với đất nước có tài xoay xở mà đã tạo ra một phép màu kinh tế này, việc đảm bảo có thể cung cấp đủ thực phẩm cho người dân của mình vẫn là một nhiệm vụ khổng lồ, một nhiệm vụ với những ý nghĩa không chỉ đối với an ninh lương thực mà còn đối với an ninh quốc gia.  

Đó là một thực tế mà các quốc gia trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt, một sự thật còn trở nên khó khăn hơn bởi sự lây lan đau lòng của một đại dịch đã khiến cho cây trồng khô héo và chuỗi cung ứng bị đình trệ trong khi đẩy mọi người vào cảnh mất việc làm và nghèo khổ— cũng như khả năng nạn đói có thể xảy ra.

Ví dụ, vào tháng 3 năm 2020, Việt Nam đã tạm dừng xuất khẩu gạo vì những lo ngại về dịch COVID-19. Theo tin từ báo VnExpress International, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan về xuất khẩu gạo trên toàn thế giới. Trong năm 2019, nước này đã xuất khẩu 6,37 triệu tấn lương thực chủ lực này trị giá 2,8 tỷ đô la Mỹ vào các thị trường trong đó có Trung Quốc, Malaysia và Philippines.

Đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh lương thực, nhiều quốc gia, như Singapore, đang tìm câu trả lời trong quan hệ đối tác ở khu vực và sự hứa hẹn đầy tiềm năng của công nghệ.

Bà Kimberly Flowers, giám đốc Dự án An ninh Thực phẩm Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies), đã viết trong một bài tiểu luận cho trung tâm đặt tại Washington, D.C., rằng: “Một trong những thách thức lớn nhất của phát triển toàn cầu mà các quốc gia giàu và nghèo đang cùng nhau đối mặt đó là việc tăng sản xuất nông nghiệp để đáp ứng cho các sở thích thay đổi của người tiêu dùng cũng như dân số ngày càng tăng, đồng thời sử dụng ít nước và ít diện tích đất hơn và việc quản lý các tác động khó lường của biến đổi khí hậu”.

CÁC HẠT GIỐNG CỦA SỰ BẤT ỔN

Trên toàn thế giới, gần 690 triệu người, tức là khoảng 9% dân số của cả hành tinh, đã bị đói trong năm 2019, hơn một nửa trong số họ là ở châu Á, theo một báo cáo vào tháng 7 năm 2020 của Liên Hợp Quốc. Đến năm 2021, dịch bệnh vi-rút corona có thể đẩy con số đó lên trên 820 triệu, càng làm dấy lên sự nghi ngờ về mục tiêu của Liên Hợp Quốc là đến năm 2030 sẽ “chấm dứt nạn đói, bất ổn về an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức”.

“Báo cáo cảnh báo rằng nếu các xu hướng trong vài năm qua còn tiếp tục, thì chúng ta sẽ đi xa khỏi mục tiêu không còn nạn đói thay vì hướng tới đó. Điều này rất đáng lo ngại,” ông Johan Swinnen, tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (International Food Policy Research Institute – IFPRI), đã nhận định trong một bài viết trên trang web của cơ quan này. “Điều đáng lo ngại hơn nữa… là COVID-19 đang làm cho các vấn đề còn tồi tệ hơn nhiều cho những người nghèo nhất trên thế giới”.

Từ lâu đã được xem là một chất xúc tác mạnh mẽ gây ra bất ổn dân sự và xung đột, tình trạng mất an ninh về thực phẩm có thể là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất của thế kỷ 21, một vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do dân số ngày càng tăng và việc di cư với số lượng lớn người ngay cả trước khi loại vi-rút chết người này xuất hiện.

Các yếu tố như sản xuất và vận chuyển bị gián đoạn và sức mua yếu có nhiều khả năng sẽ làm tăng nguy cơ mất an ninh thực phẩm cho đến giữa thập niên 2020, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (Director of National Intelligence- DNI) đưa ra dự báo trong đánh giá về cộng đồng tình báo trong năm 2015 với tựa đề “An ninh Lương thực Toàn cầu” (“Global Food Security”).

“Ở một số quốc gia, tình trạng an ninh lương thực đang suy giảm gần như chắc chắn sẽ góp phần gây ra sự chia rẽ trong xã hội và bất ổn chính trị”, DNI ghi nhận.

Thiếu lương thực có thể khiến nhiều người di chuyển chỗ ở, dù ở bên trong hay bên ngoài những đường biên giới quốc gia, khi mà những người bị đói đi tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm. Trong việc gieo rắc sự bất hòa và nỗi bất bình trong quần chúng, nạn đói có thể là gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Sự bất ổn như thế, trong một vòng luẩn quẩn, càng làm suy yếu đi hơn nữa nền an ninh lương thực vì gây cản trở thương mại và làm cho chính quyền dân sự bị quá tải.

Tại Papua New Guinea, các cơ quan chính phủ và Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế đang phân tích việc sản xuất, định giá và tiêu thụ dâu tây và các loại cây trồng khác để giúp các cộng đồng ứng phó với sự biến động trong nguồn cung thực phẩm. AFP/GETTY IMAGES

Trong một nghiên cứu đã được công bố trong Ổn định: Tạp chí Quốc tế về An ninh và Phát triển  (Stability: International Journal of Security and Development), các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự gia tăng mạnh về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới trong năm 2011 “xảy ra ngay sau những đợt tăng giá thực phẩm trên khắp thế giới — vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011”.

Trên khắp thế giới, bà Flowers đã ghi nhận trong bài tiểu luận năm 2016 của mình, “giá lương thực tăng lên và biến động mạnh đã dẫn đến những cuộc bạo loạn đô thị, chính phủ bị lật đổ và bất ổn ở khu vực”.

Theo Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, những thay đổi liên tục về nhân khẩu học cũng như những chênh lệch về giới tính, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đang làm vấn đề phức tạp hơn.

“Thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên – chẳng hạn như nước và đất canh tác – ở nhiều quốc gia nơi có tỷ lệ nam thanh niên không cân xứng sẽ làm tăng nguy cơ nổ ra xung đột nội bộ, đặc biệt là ở các nước châu Phi cận Sahara, Nam và Đông Á, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ”, hội đồng đã báo cáo trong “Xu hướng Toàn cầu 2030: Những Thế giới Thay thế” (“Global Trends 2030: Alternative Worlds”).

NHỮNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC THÀNH CÔNG

Cuộc chiến chống nạn đói ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kêu gọi các dự án hợp tác và mức chi tiêu đáng kể trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi cũng như nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, theo báo cáo vào tháng 10 năm 2019 của IFPRI. Trong thập kỷ tới, mỗi năm, các khoản đầu tư cho nông nghiệp phải tăng gấp đôi, lên gần 79 tỷ đô la Mỹ, nếu khu vực này muốn đạt ngưỡng đói bình quân đầu người của Liên Hợp Quốc là 5%, theo phát hiện của báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Cái giá của sự thất bại cũng sẽ rất khủng khiếp.

Ở Indonesia, một quốc đảo có dân số đứng thứ tư trên thế giới, với gần một phần ba trong tổng số 267 triệu người dân đang làm việc trong ngành nông nghiệp, một lĩnh vực đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Theo IFPRI, mặc dù Indonesia đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường sản xuất thông qua các biện pháp như sử dụng các giống lúa có năng suất cao và phân bón, chỉ riêng mức tăng dân số của nước này đã đủ khiến các nguồn tài nguyên tiếp tục lâm vào tình trạng eo hẹp. 

“An ninh lương thực là một trong những ưu tiên phát triển của quốc gia”, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận trong một phân tích bổ sung cho báo cáo năm 2019 của viện, trong đó khuyến nghị các bước từ thúc đẩy sự tham gia của thanh thiếu niên và nông dân làm kinh doanh đến áp dụng “nông nghiệp chính xác” ở phạm vi sâu rộng hơn thông qua việc sử dụng vệ tinh, cảm biến và công nghệ kỹ thuật số.

Các nỗ lực trong khu vực nhằm tăng cường an ninh lương thực đã tăng tốc ở thời điểm đầu thiên niên kỷ, khi 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)cùng tham gia với Nhật Bản, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hàn Quốc trong việc thiết lập Hệ thống Thông tin An ninh Lương thực ASEAN (ASEAN Food Security Information System – AFSIS).

Sáng kiến này tìm cách cải thiện việc thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu để xây dựng mạng lưới thông tin cung cấp các cảnh báo sớm và dự báo về hàng hóa để các quốc gia thành viên có thể quản lý tốt hơn các mối đe dọa đối với an ninh lương thực và dự trữ khẩn cấp.

Tập trung vào năm loại cây trồng chính của khu vực — khoai mì (sắn), bắp (ngô), lúa gạo, đậu nành và mía đường — cơ sở dữ liệu AFSIS giám sát khâu sản xuất, giá bán buôn, sự tham gia của lực lượng lao động, năng suất, lịch mùa màng và sử dụng đất, cùng với các biến số khác.

Cuộc chiến để xóa bỏ nạn đói ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được củng cố bởi các nguồn lực và chuyên môn của Hoa Kỳ. Kể từ khi bắt đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã là bên cung cấp viện trợ thực phẩm lớn nhất thế giới, phục vụ hơn 4 tỷ người ở hơn 150 quốc gia thông qua Văn phòng Thực phẩm vì Hòa bình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development – USAID).

Mục tiêu “30×30” của Singapore đặt ra yêu cầu rằng đến năm 2030, thành phố có 5,7 triệu dân này phải đáp ứng được 30% nhu cầu dinh dưỡng bằng thực phẩm sản xuất trong nước. Reuters

USAID đã cung cấp hơn 4,4 tỷ đô la Mỹ làm ngân sách cho phát triển và hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp trong năm tài chính 2019, bao gồm các khoản quyên tặng thực phẩm, phiếu giảm giá, tiền mặt và hàng hóa mua tại địa phương, theo trang web của USAID. Mạng lưới Hệ thống Cảnh báo Sớm về Nạn đói của cơ quan này có thể dự đoán nhu cầu cần hỗ trợ lương thực lên đến tám tháng trước khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, đẩy nhanh phản ứng cứu trợ nhân đạo.

Những nỗ lực như vậy của Hoa Kỳ, ASEAN và các đối tác cùng chí hướng đang cứu được mạng người và gieo mầm hòa bình.

“Nếu sự bất ổn về thực phẩm là điều làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột lên nhiều lần, thì việc cải thiện an ninh lương thực có thể làm giảm căng thẳng và góp phần tạo ra môi trường ổn định hơn”, các nhà nghiên cứu Cullen Hendrix thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Korbel của Đại học Denver và Henk-Jan Brinkman thuộc Văn phòng Hỗ trợ Xây dựng Hòa bình của Liên Hợp Quốc đã viết trong nghiên cứu vào năm 2013 của họ được công bố trên tạp chí Stability.

TÁI CẤU TRÚC NÔNG NGHIỆP

Trên các cánh đồng và ruộng lúa ở khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những tiến bộ trong khoa học và công nghệ đang cho phép những người nông dân và người trồng trọt tái thiết nghề nghiệp của họ từ mùa gieo trồng đến vụ thu hoạch, đồng thời làm vững chắc an ninh lương thực tại địa phương và trong khu vực. 

Ở phía tây bắc Bangladesh, sáng kiến Nuôi dưỡng Tương lai (Feed the Future) của USAID đã hợp tác với các đối tác gồm Đại học Cornell để giới thiệu một giống cà tím kháng sâu bệnh làm giảm đáng kể sự phá hoại mùa màng và việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. Trong năm 2018, nông dân trồng cà tím đã chứng kiến sản lượng của họ tăng vọt lên 42% và lợi nhuận trên mỗi héc-ta của họ tăng thêm 400 đô la Mỹ.

Tại huyện Kalahandi, Ấn Độ, một vùng đất dễ bị hạn hán, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Cây trồng Quốc tế cho Vùng Nhiệt đới Bán Khô cằn đã hợp tác với Tập đoàn TNHH Lưới điện Ấn Độ để triển khai một hệ thống thu gom nước mưa, bao gồm việc xây dựng 32 ao nuôi cá tại bảy ngôi làng tính đến giữa năm 2020. Lập bản đồ về tình trạng đất cho thấy sự suy thoái và thiếu hụt mà các nhóm nghiên cứu đã giải quyết bằng chất dinh dưỡng và giống cây trồng được cải thiện, tạo ra năng suất lớn hơn, theo báo cáo của viện này.

Viện nghiên cứu cây trồng cũng đang hợp tác với các nhà khoa học ở Úc và Ấn Độ trong một dự án giải mã gien để tăng khả năng chống hạn ở đậu gà, một loại thực phẩm giàu protein, chất xơ và sắt, cùng với các chất dinh dưỡng khác.

Tại Papua New Guinea, các nhà nghiên cứu của IFPRI đang hợp tác với các cơ quan chính phủ để phát triển một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số để phân tích sản xuất, định giá và tiêu thụ thực phẩm, điều này sẽ cho phép các cộng đồng ứng phó tốt hơn với sự biến động trong nguồn cung thực phẩm. 

Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế có trụ sở tại Philippines, kết hợp với một nhóm các nhà khoa học từ châu Mỹ và châu Âu, đang phát triển các giống lúa kháng bệnh. Sự hợp tác này cũng đã dẫn đến việc tạo ra một bộ chẩn đoán để phát hiện nhanh các mầm bệnh như bệnh bạc lá do vi khuẩn có thể để lại hậu quả nặng nề.

Các khoản đầu tư như vậy vào việc nghiên cứu và phát triển làm tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp, IFPRI đã ghi nhận trong báo cáo của viện vào năm 2019. Điều đó làm giảm giá thực phẩm, tăng thu nhập cho hộ gia đình, tăng khả năng cung cấp thực phẩm “và do đó làm giảm số trẻ em bị suy dinh dưỡng và người dân phải chịu đói”.

NHÌN LÊN BẦU TRỜI

Đối với nhiều người Singapore, mức sống cao mà họ được hưởng trên hòn đảo đông dân cư của mình cũng được hưởng theo nghĩa đen. Xếp thứ 191 trên toàn cầu về diện tích đất đai, quốc gia chỉ có một thành phố này đã xây dựng hàng ngàn tòa nhà cao tầng để tối đa hóa bất động sản tối thiểu của mình; ngày nay, các căn hộ có người ở cũng là chủ sở hữu này là nơi cư trú của khoảng 80% dân số.

Trong những năm gần đây, Singapore đã bắt đầu áp dụng phương pháp canh tác nông nghiệp tương tự như cách làm với nhà ở: Quốc gia này đã tăng trưởng theo chiều dọc.

Với lời tự mô tả là trang trại theo chiều dọc đầu tiên trên thế giới có lượng khí thải carbon thấp, được điều khiển bằng thủy lực, Sky Greens bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2012 với mục tiêu “đảm bảo khả năng phục hồi trong cung cấp thực phẩm… cho các địa điểm có diện tích đất hạn hẹp” như Singapore. Sáng kiến kết hợp giữa lĩnh vực công và tư, đã giành giải thưởng này trồng bắp cải, rau diếp, rau bina và các loại rau khác trên các khung nhôm hình chữ A cao đến 9 mét. Mỗi khung có hàng chục tầng quay quanh trục cho phép thực vật có đủ ánh sáng, nước và chất dinh dưỡng quanh năm khi trồng trong nhà.

Theo trang web của Sky Greens, nước chảy kết hợp với trọng lực tạo ra chuyển động quay, cắt giảm nhu cầu về điện của mỗi tháp chỉ còn mức tương đương với một bóng đèn. Nước dùng cho hệ thống thủy lực được tái sử dụng để tưới tiêu.

Hơn 30 trang trại theo chiều dọc trong nhà đã mọc lên xung quanh hòn đảo, tăng gấp năm lần chỉ trong vài năm, theo tin từ Enterprise Singapore. Với những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, cảm biến thông minh và công nghệ kỹ thuật số khác — cộng với sự đầu tư của các công ty khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia — ngành nông nghiệp trong nhà của quốc gia này đến năm 2023 dự kiến sẽ tăng gần 20% mỗi năm.

Như đã từng làm trong lĩnh vực thương mại và tài chính, Singapore nỗ lực để trở thành trung tâm lớn tiếp theo của nông nghiệp đô thị. Vào tháng 9 năm 2020, Cơ quan Thực phẩm Singapore đã công bố các khoản tài trợ trị giá gần 40 triệu đô la Mỹ cho chín trang trại đô thị công nghệ cao trong khuôn khổ của mục tiêu “30×30” của quốc gia này là đến năm 2030 sẽ đáp ứng được 30% nhu cầu dinh dưỡng với thực phẩm sản xuất trong nước.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành của cơ quan Lim Kok Thai cho biết: “Chúng tôi khẩn trương đẩy nhanh sản xuất trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu và cung cấp phương án dự phòng trong thời gian nguồn cung bị gián đoạn, giữa đại dịch COVID-19”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với ngành nông nghiệp thực phẩm và hỗ trợ họ phát triển nhiều hơn và phát triển nhanh hơn để tăng cường an ninh lương thực của chúng tôi.”  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button