Câu chuyện Nổi bật

Philippines và các đồng minh lên án hoạt động xâm nhập của lực lượng dân quân hàng hải ĐCSTQ

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Ngày càng nhiều các đối tác và quốc gia cùng chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lên tiếng hưởng ứng Philippines trong việc lên án hoạt động xâm nhập “với số đông và đầy đe dọa” của hàng trăm tàu Trung Quốc vào lãnh thổ có chủ quyền của nước này ở Biển Tây Philippines.

Theo báo The Manila Times đưa tin, chính phủ Philippines đã đệ đơn ngoại giao tới Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) vào cuối tháng 3 năm 2021 và yêu cầu đội tàu ngay lập tức phải rút khỏi rạn san hô Whitsun, còn được gọi là rạn san hô Julian Felipe. Quân đội Philippines đã triển khai thêm tàu Hải quân để tiến hành “những cuộc tuần tra chủ quyền” trong khu vực và máy bay chiến đấu đang giám sát khoảng 200 tàu Trung Quốc, trong hình, mà các quan chức mô tả là một lực lượng dân quân hàng hải.

“Bằng cách gia tăng sự hiện diện của hải quân trong khu vực, chúng tôi mong muốn trấn an người dân của mình về cam kết mạnh mẽ và kiên định của Lực lượng Vũ trang Philippines trong việc bảo vệ và phòng ngự để họ không bị quấy rối và đảm bảo rằng họ được hưởng những quyền của mình ở ngư trường có trữ lượng lớn của đất nước”, phát ngôn viên của quân đội Thiếu tướng Edgard Arevalo phát biểu trong một tuyên bố, theo tin từ Reuters.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã đề cập đến vấn đề này với đại sứ Trung Quốc tại Philippines, viện dẫn một phán quyết vào năm 2016 của tòa án quốc tế. Phán quyết đó đã bác bỏ các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ( Trung Quốc) trên khu vực rất rộng lớn ở Biển Đông, các phần phía đông của khu vực đó bao gồm Biển Tây Philippines.

“Tổng thống đã nói rằng chúng tôi vô cùng quan ngại. Bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ rất quan ngại với số lượng tàu như thế”, phát ngôn viên của ông Duterte, Harry Roque, nói với các phóng viên. “Tổng thống nhắc lại những điều ông đã nói với Liên Hợp Quốc: chúng tôi sẽ đứng vững và bảo vệ lãnh thổ của mình.”

Bắc Kinh tuyên bố rằng các tàu đó là tàu cá đang trú ẩn trong một đầm phá do có thời tiết xấu và các tàu đã neo đậu ở vùng biển Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc xâm nhập này theo lối hành xử giờ đây đã quen thuộc gồm các hành động khiêu khích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, một tuyến đường thương mại toàn cầu. ĐCSTQ đã phớt lờ phán quyết của tòa án, thay vào đó tìm cách chiếm cứ lãnh thổ bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên đất nạo vét. Các nhà phân tích cho rằng lực lượng dân quân hàng hải của ĐCSTQ giả mạo làm một đội tàu đánh cá để xâm phạm vào vùng biển có chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Ngoài Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đều có các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó có cả Hoa Kỳ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự và hoạt động tự do hàng hải định kỳ để đảm bảo rằng quy tắc pháp luật được duy trì trong tuyến đường thủy quan trọng này.

Theo báo cáo của các cơ quan truyền thông, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc đã tụ lại tại rạn san hô hình boomerang từ cuối năm 2020. Ông Gregory B. Poling, giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với The Associated Press: “Việc huy động tàu đến rạn san hô Whitsun không phải là mới, nhưng con số tăng lên rất nhiều”.

Theo Reuters đưa tin, Việt Nam cho biết cuộc xâm nhập này cũng đã vi phạm vào lãnh thổ của mình. Rạn san hô, mà Việt Nam gọi là Đá Ba Đầu, nằm ở mũi phía đông của Quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Một tàu của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đã neo đậu gần khu vực này vào cuối tháng 3.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm này và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines cho biết các vấn đề Biển Đông “liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định và là mối quan tâm của tất cả các nước”.

“Nhật Bản cực lực phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng”, đại sứ quán phát biểu trong một dòng viết trên Twitter vào ngày 23 tháng 3. “Chúng tôi ủng hộ việc thực thi #RuleOfLaw (Quy tắc Pháp luật) trên biển và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”.

Những lo ngại đó đã được hưởng ứng bởi Canada, New Zealand và Hoa Kỳ, cùng với các quốc gia khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã đăng trên Twitter vào ngày 28 tháng 3: “Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh của mình, Philippines, trước sự việc lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc tập hợp tại rạn san hô Whitsun”. “Chúng tôi sẽ luôn kề bên các đồng minh và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Philippines nhắc lại rằng các quốc gia đơn phương làm suy yếu an ninh hàng hải và luật pháp quốc tế tạo ra “một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình của khu vực”. Ông Luc Veron đã chia sẻ trên Twitter: “Liên minh châu Âu ủng hộ trật tự dựa trên quy tắc”.

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button