Câu chuyện Nổi bật

Những tham vọng ở Bắc Cực của Trung Quốc không phù hợp với lợi ích lâu dài của Nga

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa các chính sách về khu vực Bắc Cực và Nam Cực vào kế hoạch 5 năm mới nhất, được công bố vào tháng 3 năm 2021. Trong kế hoạch này, ĐCSTQ nhắc lại tham vọng được công nhận là một “quốc gia gần Bắc Cực”, điều Trung Quốc tuyên bố lần đầu vào năm 2018, cũng như kế hoạch của nước này trong việc phát triển các cực, được công bố lần đầu vào năm 2017 trong khuôn khổ của chương trình Một vành đai, Một con đường.

Các chuyên gia giải thích rằng để tiến tới các mục tiêu của mình, ĐCSTQ đã kết thân với Nga, nước đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Bắc Cực, để đóng vai trò là bên bảo vệ và hỗ trợ về chính trị cho Trung Quốc.

Các nhà phân tích Ling Guo và Tiến sĩ Steven Lloyd Wilson đã viết trong một bài cho tạp chí trực tuyến The Diplomat vào tháng 3 năm 2020: “Ở thời điểm hiện nay, mối quan hệ hợp tác Trung-Nga ở Bắc Cực là một sự sắp xếp thực tế và còn có lợi cho cả hai bên — một phép tính đơn giản rằng Nga có vị trí gần về mặt địa lý và chuyên môn để phát triển NSR [Northern Sea Route – Tuyến đường Biển phía Bắc] còn Trung Quốc thì có các tiềm lực về kinh tế để hỗ trợ một nỗ lực như vậy”.

Tuy nhiên, lối hành xử hung hăng của ĐCSTQ sớm muộn gì thì cũng sẽ xung đột với ý đồ nhòm ngó nguồn tài nguyên ở Bắc Cực của Nga, theo lập luận của hai nhà phân tích này và những người khác.

“Việc Kremlin cần vốn nước ngoài đặt Bắc Kinh vào một vị trí quyền lực ở Bắc Cực, nhưng Nga dè chừng với hoạt động đầu tư của Trung Quốc. Matxcơva nhạy bén với cả tiềm năng và cạm bẫy của việc bắt tay với Bắc Kinh: Sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc để thực hiện dự định của Nga về an ninh kinh tế ở Bắc Cực có thể làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực”, Tiến sĩ Elizabeth Buchanan, giáo sư tại Đại học Deakin của Úc, đã viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 7 năm 2020.

“Điều có thể thay đổi xu hướng của mối quan hệ hai nước về lâu dài là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang che chắn cho mối quan hệ đối tác với Nga bằng những lựa chọn khác (ví dụ như phát triển tàu phá băng nội địa, xây dựng mối quan hệ song phương với các quốc gia Bắc Cực khác) đồng thời duy trì vị thế kinh tế áp đảo của mình. Trong khi đó, Nga phải đối mặt với việc mở các tuyến đường ở Bắc Cực, những tuyến đường mà nước này hiện đang không đủ vốn để định hình và kiểm soát,” bà Guo và ông Wilson viết.

Một lần nữa, ĐCSTQ nêu rõ trong kế hoạch 5 năm của mình tham vọng thúc đẩy sự phát triển ở vùng cực và tuyên bố chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên vùng cực ở vùng biển quốc tế.

“Việc Bắc Kinh xâm phạm vùng Viễn Đông của Nga có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ về lợi ích tuy diễn ra chậm nhưng tăng dần đều. Với xu hướng hiện tại, vai trò đang lớn mạnh của Trung Quốc ở Bắc Cực có thể biến thành sự cạnh tranh trực tiếp với Nga, một thách thức mà Nga chưa sẵn sàng để ứng phó”, bà Guo và ông Wilson viết.

Sự nghi kị lẫn nhau tiếp tục sôi sục bên dưới vẻ ngoài của mối quan hệ như vốn đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua. Vào tháng 6 năm 2020, Nga đã áp đặt tội hình sự đối với chủ tịch Học viện Bắc Cực của nước này vì cáo buộc cung cấp thông tin mật cho tình báo Trung Quốc, theo hãng thông tấn Tass của Nga đưa tin. Sau đó, đặc phái viên của Nga tại Hội đồng Bắc Cực, ông Nikolai Korchunov, đã lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ trong việc duy trì sự phân biệt giữa các quốc gia thuộc Bắc Cực và các quốc gia không thuộc Bắc Cực, bác bỏ danh xưng mà Trung Quốc tự nhận là “quốc gia gần Bắc Cực”.

“Nga không muốn chuyển nhượng các quyền của mình cho các quốc gia khác,” ông Korchunov phát biểu, theo Tass đưa tin. (Ảnh: Quân lính Nga đứng bên cạnh một xe tải quân đội tại căn cứ quân sự của Nga trên đảo Kotelny (bên trong vòng Bắc Cực).

Trong khi đó, cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Nga đang ngày càng nghi ngờ ĐCSTQ, bà Buchanan viết, “với cái nhìn tích cực của họ về Bắc Kinh giảm từ 72% vào năm 2019 xuống 65% vào năm 2020”.

Những vấn đề sâu xa hơn có thể bị đe dọa về lâu về dài.

“Trong khi Nga tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Bắc Cực, từ cảng cho đến sân bay, Trung Quốc đã theo đuổi những phương thức kín đáo hơn trong các hoạt động ở Bắc Cực, ưu tiên cho nghiên cứu khoa học (điều cũng có thể cung cấp các cơ hội tình báo có giá trị), quản trị, năng lượng và vận chuyển thay vì những vấn đề an ninh cần sự tham gia của quân đội (hard security). Điều này không chỉ bởi vì Trung Quốc không muốn tự thể hiện là một thách thức đối với vị thế của Nga từ xưa đến nay là áp đảo về mặt quân sự ở Bắc Cực, mà còn bởi vì Bắc Kinh chưa có một lực lượng quân sự chức năng có thể hoạt động ở Bắc Cực tại thời điểm này”, bà Sherri Goodman, một thành viên hội đồng quản trị tại Hội đồng Đại Tây Dương, và ông Yun Sen, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Stimson, đã viết trong một bài báo đăng vào tháng 8 năm 2020 trên tờ The Diplomat.

Mặc dù sự sắp xếp này đã cho phép ĐCSTQ thực hiện một “cách tiếp cận không hiềm khích đối với Bắc Cực”, họ viết, “bối cảnh này không có nghĩa là các lợi ích của Nga và Trung Quốc sẽ luôn nhất quán trong khu vực này. Sự khác biệt quan trọng nhất là về định nghĩa và sự quản lý của Nga đối với Tuyến đường Biển Bắc, là vùng lãnh hải của nước này. Trung Quốc đã giữ im lặng về sự diễn giải bao trùm của Nga đối với các quyền và thẩm quyền của mình cũng như về việc Nga vi phạm các quyền đi lại trong NSR của Trung Quốc.”

Mặc dù vậy, các chuyên gia Trung Quốc đã chỉ ra rằng các hạn chế của Nga đối với tàu nước ngoài — và cụ thể là tàu hải quân nước ngoài trong NSR, —vi phạm Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, với vị trí liền kề vùng biển Bắc Cực của Nga, “các quốc gia không thuộc Bắc Cực như Trung Quốc sẽ phải dựa vào hoạt động hội đàm để bảo vệ quyền lợi của họ” ở Bắc Cực, bà Goodman và ông Sen viết.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button