Câu chuyện Nổi bật

Chương trình của Philippines định hướng cho thanh thiếu niên tránh xa chủ nghĩa cực đoan

Joseph Hammond

Một sáng kiến về tập huấn ở miền nam Philippines đặt mục tiêu ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực trước khi nó bắt rễ trong giới trẻ. Sáng kiến Xây dựng Hòa bình và Phòng chống Chủ nghĩa Cực đoan Bạo lực được hỗ trợ bởi các học giả địa phương và các tổ chức phi chính phủ (NGO), nhắm đến một khu vực bấy lâu nay là miền đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố tuyển mộ thành viên — khu vực Mindanao.

Mindanao là nơi sinh sống của 26 triệu người tức là khoảng 20% dân số Philippines. Trong nhiều năm, khu vực này đã vật lộn với một loạt các nhóm khủng bố Salafi jihadi, Moro theo chủ nghĩa dân tộc và cộng sản.

Trong một nỗ lực chung của Thanh niên vì một nền Văn hóa Hòa bình và Không bạo lực ở Mindanao (YOUCAP), Đại học Bang Mindanao và Đối thoại Liên tôn giáo về Chủ nghĩa Cực đoan Bạo lực (iDove), sáng kiến này chiêu mộ những bạn trẻ có nền tảng kiến thức trong lĩnh vực học thuật, xã hội dân sự hoặc chính phủ và quan tâm đến việc khuyên bảo những người đồng trang lứa của mình để chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

YOUCAP được hỗ trợ bởi Hiệp hội Hợp tác Quốc tế Đức, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bonn, Đức.

“Chúng tôi nhìn nhận rằng thanh thiếu niên không chỉ là nạn nhân của việc tuyển mộ của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, mà còn là những nhân tố quan trọng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong các thanh thiếu niên đồng trang lứa,” một phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ này nói với DIỄN ĐÀN. “Hoạt động này sử dụng cách tiếp cận ngang hàng (peer-to-peer) giữa những người tham gia. Điều này giúp tạo ra một nền văn hóa hòa bình trong những thời điểm quan trọng này.”

Hai mốt người Philippines, chủ yếu là những người có chuyên môn trẻ và sinh viên đại học có đức tin và nguồn gốc khác nhau, đã họp mặt một lần mỗi tuần để tham gia một hội thảo trực tuyến về xây dựng hòa bình và ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan vào tháng 12 năm 2020 và tháng 1 năm 2021, phát ngôn viên này cho biết. Sau buổi họp là các buổi tư vấn và trao đổi trực tuyến sẽ kéo dài đến tháng 5 năm 2021. Chương trình đào tạo sẽ kết thúc bằng một trại thanh thiếu niên được lên lịch vào tháng 6 năm 2021.

Một phần quan trọng của khóa đào tạo là việc tạo ra một “không gian mạng an toàn cho thanh thiếu niên”. Ở đó các nhà lãnh đạo trẻ có thể tương tác, bà nói thêm, ghi nhận rằng các cuộc họp nhóm đã trở nên khó thực hiện hơn trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Sáng kiến này nối tiếp sự thành công của Diễn đàn Thanh niên Liên lục địa iDove đầu tiên ở Đông Nam Á được tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia vào tháng 12 năm 2019. Các thành viên YOUCAP đã tham dự sự kiện đó, cùng với các nhà lãnh đạo trẻ từ khắp nơi trong khu vực. Diễn đàn này là một nhánh của các chương trình iDove ở châu Phi, đã giúp những bạn trẻ thuộc các đức tin khác nhau thiết kế các chiến dịch kết hợp truyền thông kỹ thuật số với các sự kiện trực tiếp để hướng những người trẻ tuổi tránh xa sự dụ dỗ của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Sau sự kiện ở Jakarta, các bên liên quan đã phối hợp với Trung tâm về Tính Kiên cường của Mindanao tại Đại học Bang Mindanao – Viện Công nghệ Iligan để điều chỉnh và địa phương hóa hoạt động “đào tạo giảng viên” iDove cho những bạn trẻ tham gia vào việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực. (Ảnh: Một phụ nữ trẻ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên năm 2019 tại Surigao del Norte, Philippines.)

“Ở Philippines, đặc biệt là ở Mindanao, nơi có các đức tin, văn hóa và các nhóm sắc tộc vô cùng đa dạng, việc tìm kiếm hòa bình lâu dài vẫn tiếp tục với hy vọng chấm dứt bạo lực đã kéo dài qua nhiều thập kỷ”, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ Đức chia sẻ.

 

Joseph Hammond là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

HÌNH ẢNH: JOHN VINCENT C. ESPENIDO/HIỆP HỘI HỢP TÁC QUỐC TẾ ĐỨC

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button