Câu chuyện Nổi bật

Các đối tác của bộ tứ thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng

Felix Kim

Các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang làm việc cùng nhau để làm cho những chuỗi cung ứng của họ có khả năng chống chịu tốt hơn và ít phụ thuộc hơn vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) cho các hợp phần công nghệ chủ chốt.

Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã công bố việc thành lập một nhóm công tác về công nghệ đóng vai trò quyết định và công nghệ mới xuất hiện sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của Đối thoại An ninh Bộ tứ (Bộ tứ) vào ngày 12 tháng 3 năm 2021. Theo một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, nhóm công tác sẽ được thiết kế để giúp các nước phát triển các công nghệ sáng tạo.

Thông báo này theo sau một cặp sáng kiến hướng tới khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng: Sáng kiến Phục hồi Chuỗi Cung ứng (Supply Chain Resilience Initiative – SCRI) được Úc, Ấn Độ và Nhật Bản khởi xướng vào năm 2020; và một sắc lệnh về khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng được ký bởi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 24 tháng 2 năm 2021. (Ảnh: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cầm một vi mạch trước khi ký một sắc lệnh để đảm bảo an toàn cho các chuỗi cung ứng then chốt.)

Các quan chức kinh tế từ ba nước sáng lập đã khởi động SCRI vào tháng 9 năm 2020 để cung cấp một “môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, phù hợp với mọi người, không phân biệt đối xử, minh bạch, dễ dự đoán và ổn định”, theo Reuters đưa tin.

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự cần thiết của việc giải quyết các điểm yếu trong những chuỗi cung ứng. Lệnh phong tỏa ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, đã làm dừng công đoạn sản xuất và cản trở việc phân phối các sản phẩm trong các lĩnh vực từ thiết bị y tế đến các hợp phần công nghệ.

Theo tờ The Japan Times đưa tin, kể từ khi SCRI được công bố, Tokyo đã cung cấp các ưu đãi cho các công ty Nhật Bản để chuyển công đoạn sản xuất từ Trung Quốc trở lại Nhật Bản hoặc tới các nơi khác trong khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã cam kết vào tháng 10 năm 2020 là sẽ hỗ trợ các công ty Nhật Bản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trên khắp Đông Nam Á.

Ấn Độ sẽ dễ thu hút đầu tư trong khuôn khổ của SCRI và trở thành một trung tâm sản xuất cho công nghệ sáng tạo, các nhà phân tích thương mại Rajesh Mehta và Diksha Mittal đã viết trong một bài luận đăng ngày 9 tháng 3 năm 2021 trên tờ The Daily Guardian của Ấn Độ.

Với việc các nhà sản xuất Hoa Kỳ trong đó có Ford Motor Co. phải đối mặt với tình trạng thiếu mạch vi xử lý, Hoa Kỳ đang phân bổ 37 tỷ đô la Mỹ để thúc đẩy sản xuất mạch vi xử lý nội địa. “Chúng ta cần đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng này được an toàn và đáng tin cậy”, Tổng thống Biden đã phát biểu khi ký sắc lệnh.

Ngày hôm sau, các quan chức Hoa Kỳ đã gặp gỡ các nhà sản xuất mạch vi xử lý ở Đài Loan để thảo luận về sự hợp tác chặt chẽ hơn và “tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Đài Loan cũng như vai trò tối quan trọng của họ trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng trên toàn thế giới”, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan thông báo.

Bắc Kinh đã sử dụng vị thế áp đảo của mình trong lĩnh vực cung cấp các nguyên tố đất hiếm, những nguyên liệu đặc biệt quan trọng đối với sản xuất các thiết bị điện tử, để gây áp lực cho các đối tác thương mại của mình. Ví dụ, trong năm 2010, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sang Nhật Bản vì nước này đã giam giữ một ngư dân Trung Quốc vì người đó đã đánh bắt trái phép ở vùng biển Nhật Bản.

Tình trạng thiếu vi mạch gần đây đã bộc lộ sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc cho các nguồn cung sống còn, ông Michael Harris, người sáng lập Cribstone Strategic Macro ở London, nói với DIỄN ĐÀN.

Ông nói: “Hoa Kỳ đã đặt một mục tiêu từ trước nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc vì những lý do địa chính trị”. Ông chia sẻ thêm rằng việc các quốc gia hợp tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ là hành động đúng đắn.

Felix Kim là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ Seoul, Hàn Quốc.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button