Câu chuyện Nổi bật

Trung Quốc mềm mỏng với cuộc đảo chính ở Miến Điện trong khi các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lên án bạo lực

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang gây áp lực để Miến Điện quay trở lại nền dân chủ sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) chặn một nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc đảo chính quân sự và giảm thiểu việc giam giữ các nhà lãnh đạo được dân bầu của Miến Điện dưới danh nghĩa một cuộc “cải tổ nội các”.

Theo tin từ Agence France-Presse, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết, vào giữa tháng 2 năm 2021, các nhà ngoại giao hàng đầu của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thảo luận về “nhu cầu cấp bách đối với việc khôi phục chính phủ được bầu cử theo phương thức dân chủ ở Miến Điện và ưu tiên trong việc tăng cường khả năng chống chịu của các thể chế dân chủ trong khu vực nói chung”.

Ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết Nhật Bản “cực lực thúc giục quân đội [Miến Điện] ngừng ngay lập tức phản ứng bạo lực nhằm vào những người dân thường” tham gia vào các cuộc biểu tình.

Theo tin từ CBS News, Hoa Kỳ đã chính thức gọi việc quân đội giành quyền kiểm soát là một cuộc đảo chính. Điều này khiến một số viện trợ của Hoa Kỳ bị tạm ngưng và dẫn đến một cuộc đánh giá các chương trình viện trợ cho Miến Điện. “Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc quân đội Miến Điện giam giữ các nhà lãnh đạo của chính phủ dân sự,” một viên chức thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cho biết. “Sau khi xem xét cẩn thận các sự kiện và hoàn cảnh, chúng tôi đã đánh giá rằng bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền Miến Điện, và ông Win Myint, người đứng đầu chính phủ được bầu cử một cách hợp lệ, đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2.”

Các nước láng giềng của Miến Điện cũng thúc giục quân đội thả bà Suu Kyi và ngừng sử dụng vũ lực gây nguy hiểm đến tính mạng để khống chế những người biểu tình. Những lời kêu gọi từ các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được đưa ra khi cảnh sát ở Miến Điện một lần nữa khai hỏa để giải tán đám đông vào ngày 28 tháng 2, làm 18 người thiệt mạng. Theo Reuters đưa tin, ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ ngày 1 tháng 2. (Ảnh: Những người biểu tình phản đối vụ đảo chính tuần hành tại Yangon, Miến Điện, vào ngày 2 tháng 3 năm 2021.)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói với BBC rằng cuộc đổ máu đánh dấu một bước lùi bi thảm đối với Miến Điện, còn Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi kêu gọi thả những chính trị gia bị giam giữ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa hề nêu lên quan ngại nào như thế. Khi cuộc đảo chính xảy ra, Hãng Thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã gọi việc đoạt quyền này là “một cuộc cải tổ nội các sâu rộng”. Ngày hôm sau, Trung Quốc cùng với Nga chặn một nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc đảo chính.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản bác những ý kiến cho rằng Trung Quốc thậm chí đã ngấm ngầm cho phép cuộc đảo chính, nhưng đã xuất hiện các câu hỏi về việc nước này tích cực hậu thuẫn nhóm tướng lĩnh quân đội hiện đang nắm quyền. Một báo cáo vào ngày 23 tháng 2 của nhà phân tích Susan Hutchinson gửi cho Viện Chính sách Chiến lược Úc hé lộ rằng các chuyến bay không được đăng ký giữa Yangon, Miến Điện và Côn Minh, Trung Quốc, đã được tiến hành mỗi đêm trong hơn một tuần vào cuối tháng 2. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các máy bay đó chở hải sản, nhưng tính chất lén lút của các chuyến bay khiến điều đó khó có thể là sự thật, báo cáo nhận định.

“Người đã sắp xếp những chuyến bay này đang rất cố gắng để che giấu chúng,” bà Hutchinson viết. Hệ thống tiếp sóng của máy bay đã bị tắt, và sân bay ở Côn Minh đã không ghi nhận các chuyến bay này trên mạng Internet. Việc các quan chức Trung Quốc khác nhắc đi nhắc lại một giả thuyết khó tin là COVID-19 có nguồn gốc từ bao bì thủy sản đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm vi-rút càng làm tăng thêm những hoài nghi về các chuyến bay này.

Tuy nhiên, có những chi tiết được lượm lặt từ các hình ảnh vệ tinh, nhân viên sân bay ở Yangon và các thành viên trong phong trào bất tuân dân sự của Miến Điện. Có hai lời lý giải khả tín cho các chuyến bay này, bà Hutchinson viết. “Một là những chuyến bay đó đưa quân lính và các chuyên gia mạng của Trung Quốc sang để giúp Tatmadaw (quân đội Miến Điện) kiểm soát việc truy cập thông tin và mạng internet. Một khả năng khác là những chuyến bay đó tiếp tế cho kho vũ khí của Tatmadaw.”

Trung Quốc vốn đã mang tiếng xấu về việc kiểm duyệt các trang mạng xã hội ở Trung Quốc để dập tắt những tiếng nói bất đồng. Nước này cũng thu được lợi lộc tài chính từ việc duy trì một thương vụ mua bán vũ khí chớp nhoáng với Miến Điện, bà Hutchinson đã viết. Côn Minh cũng là nơi đóng quân của một đơn vị pháo binh Trung Quốc và một loạt các đơn vị về tình báo điện tử (signals intelligence) và không gian mạng.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button