Câu chuyện Nổi bật

Khảo sát: Các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc thấy ‘sự sụt giảm nhanh chóng của tự do truyền thông’

Reuters

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng các biện pháp phòng chống vi-rút corona, hành vi hăm dọa và hạn chế thị thực để giảm bớt hoạt động đưa tin của phóng viên nước ngoài trong năm 2020, dẫn đến sự “sụt giảm nhanh chóng của tự do truyền thông”, Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Trung Quốc (Foreign Correspondents’ Club of China, FCCC) cho biết vào tháng 3 năm 2021.

Trong năm thứ ba liên tiếp, không có nhà báo nào nói với câu lạc bộ rằng điều kiện làm việc đã được cải thiện, FCCC công bố trong một báo cáo thường niên dựa trên 150 câu trả lời khảo sát từ các phóng viên và cuộc phỏng vấn với các trưởng văn phòng.

“Tất cả các nhánh của quyền lực nhà nước — bao gồm các hệ thống giám sát được đưa ra để kiềm chế vi-rút corona — đã được sử dụng để quấy rối và đe dọa các nhà báo, các đồng nghiệp Trung Quốc của họ, và những người mà cơ quan báo chí nước ngoài muốn phỏng vấn,” báo cáo này cho biết.

Cơ quan chức năng đã viện dẫn những mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng để từ chối không cho các phóng viên tiếp cận những khu vực nhạy cảm và đe dọa rằng họ sẽ bị bắt buộc phải cách ly, báo cáo nói thêm. Các hạn chế về thị thực cũng được sử dụng để gây áp lực lên các phóng viên.

FCCC cho biết có ít nhất 13 phóng viên được cung cấp thẻ nhà báo có giá trị trong sáu tháng hoặc ngắn hơn. Phóng viên nước ngoài hoạt động tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) thường nhận được thị thực có thời hạn một năm và phải gia hạn thị thực mỗi năm một lần.

Các nhà báo cũng bị sử dụng như “con tốt” trong các vụ tranh chấp về mặt ngoại giao của Trung Quốc, báo cáo nói thêm.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng những tuyên bố này “vô căn cứ”.

Ông này đã phát biểu tại một cuộc họp báo thường nhật: “Chúng tôi luôn hoan nghênh các hãng truyền thông và các nhà báo từ tất cả các quốc gia đưa tin ở Trung Quốc theo luật pháp… những gì chúng tôi phản đối là sự thành kiến về mặt tư tưởng bất lợi cho Trung Quốc cũng như tin giả núp dưới danh nghĩa là tự do báo chí.”

ĐCSTQ đã trục xuất hơn một chục nhà báo nước ngoài thuộc các tổ chức truyền thông của Hoa Kỳ vào năm 2020, trong khoảng thời gian xảy ra một loạt các hành động ăn miếng trả miếng giữa hai quốc gia. Washington cũng cắt giảm số lượng nhà báo được phép làm việc tại Hoa Kỳ trong bốn cơ quan truyền thông lớn thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Vào tháng 9 năm 2020, Úc đã giúp hai trong số các phóng viên nước ngoài của mình rời khỏi Trung Quốc sau khi họ bị bộ an ninh quốc gia của nước này thẩm vấn.

Các nhà báo đưa tin từ khu vực Tân Cương xa xôi ở phía tây, nơi ĐCSTQ đã bị cáo buộc về những hành vi xâm phạm nhân quyền ở quy mô lớn, đã bị quấy nhiễu ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, báo cáo cho biết.

Vào năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ bà Cheng Lei, một công dân Úc làm việc cho hãng truyền thông của nhà nước Trung Quốc, và sau đó là bà Haze Fan, một công dân Trung Quốc làm việc cho Bloomberg News, cả hai người đều bị bắt vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Cả hai vẫn bị giam giữ.

Một số nhà báo của Reuters là thành viên của FCCC.

 

HÌNH ẢNH: ISTOCK

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button