Câu chuyện Nổi bật

ĐCSTQ phản bác lại sự chỉ trích về tộc người Duy Ngô Nhĩ bằng các cuộc tấn công nhằm vào các nhân chứng nữ

Reuters

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dưới áp lực ngày càng dâng cao trên khắp thế giới về cách nước này đối xử với tộc người Duy Ngô Nhĩ thiểu số theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương xa xôi nằm về phía tây, đang tiến hành một chiến dịch hung hăng chưa từng có nhằm phản bác, bao gồm các cuộc tấn công rõ ràng vào những người phụ nữ đã khai báo về việc bị xâm hại.

Khi những cáo buộc về việc vi phạm nhân quyền tăng cao ở Tân Cương, với một số lượng ngày càng nhiều các nhà lập pháp phương Tây cáo buộc ĐCSTQ về tội diệt chủng, Bắc Kinh đang tập trung vào việc bôi nhọ các nhân chứng nữ người Duy Ngô Nhĩ đứng sau các báo cáo gần đây về hành vi xâm hại.

Các quan chức Trung Quốc đã nêu tên những người phụ nữ, tiết lộ những gì họ nói là dữ liệu y tế riêng tư và thông tin về khả năng sinh sản của những người phụ nữ đó, và cáo buộc một số người ngoại tình và một người bị bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các quan chức đã cho biết những thông tin này là bằng chứng cho thấy sự suy đồi trong nhân phẩm, qua đó khiến cho lời kể về những vụ xâm hại ở Tân Cương của những người phụ nữ này trở nên vô nghĩa.

“Để khiển trách một số hành động đáng hổ thẹn của giới truyền thông, chúng tôi đã thực hiện một loạt các biện pháp,” ông Xu Guixiang, phó giám đốc bộ phận công chúng của Tân Cương, đã phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng 12 năm 2020. Cuộc họp báo này là một phần trong chiến dịch phản pháo của ĐCSTQ. Chiến dịch này bao gồm các cuộc họp kéo dài nhiều giờ, trong đó chiếu những cảnh quay người dân vùng Tân Cương và các thành viên trong gia đình họ đang đọc những đoạn độc thoại.

Một bài tổng hợp của Reuters từ những bài thuyết trình dài hàng chục giờ đồng hồ trong những tháng gần đây cùng hàng trăm trang viết, cũng như các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia, cho thấy một chiến dịch tỉ mỉ và rộng khắp. Chiến dịch này hé lộ những nỗi sợ của ĐCSTQ về việc đang mất khả năng kiểm soát đối với câu chuyện về Tân Cương.

Ông James Millward, một giáo sư về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Georgetown ở Hoa Kỳ và là một chuyên gia về chính sách ở Tân Cương cho biết: “Một lý do mà Đảng Cộng sản rất lo ngại về những lời khai của những người phụ nữ là vì những lời này làm suy yếu cơ sở lập luận từ ban đầu của Trung Quốc nhằm giải thích cho những việc họ đang làm ở đó, là chống khủng bố”.

“Thực tế là có rất nhiều phụ nữ trong tù giam … những người không hề có vẻ gì là những người bạo lực, điều này chỉ cho thấy những hành động của Trung Quốc không liên quan gì đến khủng bố.”

Theo một ước tính của Liên Hợp Quốc, người Duy Ngô Nhĩ chiếm phần lớn trong số 1 triệu người đã bị giam giữ trong các tù giam của Tân Cương theo những gì mà chính phủ trung ương gọi là một chiến dịch chống khủng bố. Các cáo buộc của các nhà hoạt động và các chính trị gia phương Tây bao gồm tra tấn, lao động cưỡng bức và triệt sản.

Hoa Kỳ đã gọi cách ĐCSTQ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng, một quan điểm được quốc hội Canada và Hà Lan đồng tình.

Bắc Kinh đã bác bỏ những lời kêu gọi đòi Liên Hợp Quốc thực hiện một cuộc điều tra độc lập về hoạt động giam giữ của Tân Cương. Các nhà báo và nhà ngoại giao đã không được phép tiếp cận với các trại tù bên ngoài các chuyến tham quan do chính phủ tổ chức và bị kiểm soát gắt gao. Các chuyến tham quan này yêu cầu các nhà báo phải gửi câu hỏi trước đến vài tuần và bao gồm các video được ghi hình từ trước và lời khai đã được chuẩn bị sẵn của các cựu tù nhân từng ở trại cũng như những nhà lãnh đạo tôn giáo. Người Duy Ngô Nhĩ đã nói rằng họ sợ bị trả thù nếu nói chuyện với các phóng viên.

Vào tháng 1 năm 2021, tài khoản Twitter của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã bị treo vì một tweet nói rằng phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ vốn đã là “máy sản xuất trẻ em” trước khi Bắc Kinh thiết lập hệ thống trại giam của mình.

Ông Millward nói: “Thế giới thấy rằng khía cạnh sinh học, sinh sản, giới tính của việc này là đặc biệt đáng sợ.” Trung Quốc “dường như đã nhận ra điều đó… Giờ đây chúng ta thấy họ cố gắng phản ứng theo cách vụng về như thế này.”

Trong một buổi họp báo vào cuối tháng 2, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin), trong hình, đã giơ lên những tấm ảnh của các nhân chứng mà đã mô tả những vụ xâm hại tình dục ở Tân Cương. Ông này đã nói rằng lời khai của một người phụ nữ là “nói dối và tin đồn” bởi vì bà ấy đã không kể lại trải nghiệm đó trong các cuộc phỏng vấn trước. Ông ta đã đưa ra những thông tin chi tiết về khả năng sinh sản của người phụ nữ này.

Vào tháng 1, các quan chức của Tân Cương nói rằng một phụ nữ mà đã nói chuyện với truyền thông nước ngoài bị bệnh giang mai, và họ đã đưa ra những tấm ảnh chụp hồ sơ y tế — thông tin không được yêu cầu và không liên quan trực tiếp đến lời khai của bà này.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ( Trung Quốc) đã từ chối cung cấp dữ liệu về số người trong các trại giam. Ban đầu Bắc Kinh đã phủ nhận sự tồn tại của các trại giam này nhưng bây giờ nói rằng các trại đó là các trung tâm dạy nghề và giáo dục và tất cả những người trong đó đã “tốt nghiệp”.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button