Các bài nổi bật

Xây dựng Khả năng Phục hồi

Đại dịch Phơi bày những Điểm yếu trong Chuỗi cung ứng xoay quanh Trung Quốc

Nhân viên của DIỄN ĐÀN 

Đại dịch vi-rút corona đã lây nhiễm cho hơn 22 triệu người trên toàn thế giới cho đến giữa tháng 8 năm 2020. Đại dịch này đã lột trần không chỉ các kệ hàng trong cửa hàng tạp hóa mà bị những người mua hoảng loạn từ Singapore đến Tokyo vét sạch. Việc phong tỏa sản xuất ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) do sự lây lan của COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng trong những chuỗi cung ứng khiến các nhà lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải tìm kiếm các sản phẩm từ thiết bị bảo hộ cá nhân đến dược phẩm. Nó cũng thúc đẩy một lời kêu gọi hành động: Hãy xây dựng khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng để lịch sử không lặp lại.

“Chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc”, Bộ trưởng Tái cơ cấu Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura phát biểu vào đầu tháng 6 năm 2020, theo tin từ Reuters. “Chúng ta cần làm cho chuỗi cung ứng vững mạnh và đa dạng hơn, mở rộng nguồn cung ứng và tăng cường sản xuất trong nước. ” Các quan chức ở Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan cũng đồng tình với quan điểm của ông này khi các chính phủ bắt đầu phân tích khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng của họ và, trong một số trường hợp, cung cấp khoản trợ cấp cho các công ty sẵn sàng di dời.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã khởi động một chương trình có số vốn 2 tỷ đô la Mỹ cung cấp các gói kích thích kinh tế nhằm giúp các công ty đưa công đoạn sản xuất về quê nhà. Một số quan chức chính phủ ở Tokyo cho rằng sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng là vấn đề an ninh quốc gia. Hãng tin Reuters đưa tin, tuy rằng đại dịch này đem đến bằng chứng mới về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nói về nhu cầu cần xây dựng khả năng phục hồi kể từ đầu những năm 2000, khi chi phí lao động Trung Quốc bắt đầu tăng vọt. Những khoản tăng chi phí đó đã làm bùng nổ các cuộc thảo luận ở Nhật Bản về chiến lược “Trung Quốc cộng một” — một chính sách quản lý rủi ro bằng cách đặt các nhà máy ở Trung Quốc và ít nhất một quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một nhân viên hiệu thuốc ở New Delhi nhận đơn đặt hàng thuốc gốc.

Theo một phóng sự đăng vào tháng 6 năm 2020 của Bloomberg News, bà Anwita Basu, trưởng phòng nghiên cứu rủi ro quốc gia châu Á tại Fitch Solutions, cho biết: “Nhiều công ty đã bắt đầu áp dụng chiến lược Trung Quốc cộng với một trung tâm sản xuất kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018, và Việt Nam đã được hưởng lợi rõ ràng”. Mặc dù đại dịch sẽ tiếp tục xu hướng đó, nhưng “việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sẽ chậm chạp vì quốc gia đó vẫn tự hào với sản lượng sản xuất hàng năm lớn đến mức ngay cả một nhóm các quốc gia cũng sẽ phải vật lộn để xử lý được một phần nhỏ của con số đó.”

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp và các chính phủ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhìn thấy nguy cơ của sự phụ thuộc quá mức vào nước láng giềng lớn hơn của họ. Trong năm 2019, các quan chức Đài Loan khuyến khích các công ty trên hòn đảo này xây dựng một “chuỗi cung ứng không đỏ” bên ngoài Trung Quốc đại lục. Họ đã phê duyệt các điều luật cung cấp những khoản vay có chi phí thấp, giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà và đơn giản hóa quy trình quản trị cho các công ty đầu tư vào Đài Loan. Một sự phát triển lớn trong việc cải tổ chuỗi cung ứng diễn ra vào tháng 5 năm 2020 khi một trong những nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới, Công ty Sản xuất Thiết bị Bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.), cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy ở bang Arizona phía tây Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Singapore cũng đã và đang thúc đẩy nhu cầu đa dạng hóa. Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing cho biết ảnh hưởng của đại dịch làm các chuỗi cung ứng bị tê liệt đã khiến mọi người bừng tỉnh. “Ngày nay, Trung Quốc không chỉ sản xuất các sản phẩm chất lượng kém, giá trị thấp. Họ cũng nằm trong chuỗi cung ứng của nhiều sản phẩm cao cấp. Và điều đó có nghĩa là sự tác động lên các chuỗi cung ứng sẽ có ý nghĩa quan trọng trên toàn cầu,” ông này nói với Squawk Box Asia của CNBC. 

Theo báo The Straits Times, ông Chan cho biết, đối với các mặt hàng thiết yếu, Singapore “sẽ xây dựng một số năng lực tại địa phương một cách thận trọng để chúng ta có thể vươn lên trong những thời điểm khó khăn”. Điều đó bao gồm việc xem xét “hàng hóa đến từ đâu, nguồn nhân lực đến từ đâu, thị trường nào cung cấp cho chúng ta” và thậm chí là hãng vận chuyển nào đưa hàng hóa vào Singapore.

Chuỗi cung ứng xoay quanh Trung Quốc không phải là mối lo ngại duy nhất, ông chỉ ra. Singapore đã đa dạng hóa nguồn cung gạo, trong quá khứ chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam. Bây giờ, Singapore cũng mua gạo từ Nhật Bản và Ấn Độ, ông nói thêm.

Nhân viên kiểm tra chất lượng khẩu trang được sản xuất tại nhà máy May Thái Nguyên tại Việt Nam. AFP/GETTY IMAGES

Chỉ riêng số lượng các công ty phụ thuộc vào nền sản xuất Trung Quốc đã cho thấy cần phải có các giải pháp thay thế. Một bài phân tích được tạp chí Harvard Business Review xuất bản vào tháng 3 năm 2020 ghi nhận rằng 1.000 công ty lớn nhất thế giới hoặc nhà cung cấp của họ sở hữu 12.000 cơ sở — nhà máy, nhà kho và các hoạt động khác — tại các khu vực phải cách ly do COVID-19 ở Trung Quốc, Ý và Hàn Quốc. 

Các công ty trên toàn thế giới đã luống cuống trong việc xác định nhà cung cấp vô hình nào của họ — những người mà họ không giao dịch trực tiếp — có trụ sở tại các khu vực bị ảnh hưởng của Trung Quốc, bài phân tích cho hay. “Nhiều công ty có lẽ cũng đang hối tiếc về sự phụ thuộc của họ vào một công ty duy nhất cho các mặt hàng họ trực tiếp mua. Các nhà quản lý chuỗi cung ứng biết các rủi ro khi dựa vào một nguồn cung ứng duy nhất, nhưng họ vẫn làm điều đó để đảm bảo nguồn cung của mình hoặc đáp ứng một mục tiêu về chi phí”, bài viết diễn giải. “Thông thường, họ có những lựa chọn hạn chế để quyết định, và càng ngày những lựa chọn đó càng chỉ có ở Trung Quốc.”

Đa dạng hóa mang lại cơ hội

Trong khi các công ty toàn cầu xây dựng khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng, thì các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đứng sẵn để gặt hái những lợi ích. Theo một bài phóng sự trên tờ The Economic Times, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 6 năm 2020, các quốc gia “sẽ tìm kiếm sự đa dạng hóa tối đa trong khâu sản xuất và chuỗi cung ứng của họ trong trung và dài hạn, giảm dần sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào”. 

Ông nói thêm, Ấn Độ có cơ hội phát triển thành một trung tâm sản xuất với chi phí thấp. Ông cho biết các công ty có thể xác định sự thiếu hụt trong các chuỗi cung ứng sớm hơn nếu họ làm việc với Ấn Độ, nơi có hệ thống dân chủ hoạt động tốt và mức độ minh bạch cao hơn so với Trung Quốc.

Bloomberg đưa tin, Ấn Độ dự định sẽ tập trung một số nỗ lực sản xuất vào các thành phần dược phẩm để trở thành nhà cung cấp thay thế cho các nhà sản xuất thuốc bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc. Bài phóng sự cho biết, chính phủ Ấn Độ muốn xác định các thành phần thuốc thiết yếu, cung cấp ưu đãi cho các nhà sản xuất trong nước và tăng cường sinh lực các công ty dược phẩm yếu kém do nhà nước vận hành.

Ấn Độ, nước xuất khẩu thuốc gốc lớn nhất thế giới, đã trải qua tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô do đợt bùng phát dịch bệnh vi-rút corona, báo hiệu sự phụ thuộc nguy hiểm của nước này vào Trung Quốc cho những nguồn cung đó. Ấn Độ nhập khẩu gần 70% hóa chất mà nước này sử dụng từ Trung Quốc để sản xuất thuốc gốc. Một số nguồn này nằm ở tỉnh Hồ Bắc, nơi vụ bùng phát dịch bệnh do vi-rút corona gây ra bắt đầu vào tháng 12 năm 2019. 

Để bắt đầu công cuộc đại tu chuỗi cung ứng, chính phủ Ấn Độ đã thành lập một quỹ có nguồn vốn 1,8 tỷ đô la Mỹ vào tháng 3 năm 2020 để thiết lập ba trung tâm sản xuất thuốc và xác định 53 nguyên liệu khởi đầu chính và các thành phần dược phẩm có hoạt tính sẽ được ưu tiên. Những thành phần này bao gồm thuốc hạ sốt paracetamol và thuốc kháng sinh bao gồm penicillin và ciprofloxacin.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mong muốn trở thành một phần không thể thiếu trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhân công giá rẻ và giá đất thấp từ lâu đã làm lợi cho Việt Nam. Vài năm trước, các công ty bắt đầu di dời các địa điểm sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc. Đại dịch toàn cầu sẽ không làm gì để làm chậm xu hướng đó, theo một báo cáo vào tháng 4 năm 2020 của Jones Lang LaSalle (JLL), một công ty tư vấn bất động sản toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Ví dụ, dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng gần 36% trong năm 2019 trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống còn 16,2%. Ông Stuart Ross, trưởng phòng công nghiệp và hậu cần khu vực Đông Nam Á của JLL cho biết: “Dữ liệu cho năm nay [2020] sẽ bị bóp méo bởi các tác động của vi-rút corona đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng chuyển công đoạn sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á sẽ tiếp tục”.

Đối tác đồng chí hướng

Sự thiếu hụt mà đại dịch gây ra đã khiến nhiều người tỉnh ngộ có thể kích thích những quan hệ đối tác mới. Hoa Kỳ đang thúc đẩy việc tạo ra một liên minh các đối tác được gọi là Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế. Hãng tin Reuters đưa tin, mạng lưới này sẽ bao gồm các công ty và các nhóm xã hội dân sự hoạt động theo một bộ tiêu chuẩn duy nhất về mọi thứ từ kinh doanh kỹ thuật số và năng lượng đến nghiên cứu, thương mại và giáo dục.

Tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ muốn hợp tác với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để “thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu vào tháng 4 năm 2020, theo tin từ Reuters. Các cuộc thảo luận bao gồm “chúng ta tái cấu trúc… chuỗi cung ứng theo cách nào để ngăn chặn một việc như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Theo ông Keith Krach, một quan chức của Bộ Ngoại giao chỉ đạo các nỗ lực nhằm phát triển các chính sách tăng trưởng kinh tế quốc tế, thì một mảng quan trọng trong chiến lược an ninh kinh tế của Hoa Kỳ là việc mở rộng và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng nhằm bảo vệ “người dân trong thế giới tự do”. Ông Krach cho biết Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế sẽ được xây dựng cho các sản phẩm quan trọng như dược phẩm, thiết bị y tế, chất bán dẫn, ô tô, dệt may và hóa chất.

Gỡ rối

Nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đan xen rất sâu vào những kết nối của chuỗi cung ứng quốc tế, sâu đến nỗi sự đa dạng hóa và việc xây dựng khả năng phục hồi ở các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ không xảy ra trong chớp mắt. Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Chương trình trị giá 2 tỷ đô la Mỹ của chính phủ này nhằm thu hút các công ty thực hiện sản xuất trong nước là một sự khởi đầu, nhưng các công ty Nhật Bản đang đầu tư sâu vào các trung tâm sản xuất của Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Thương mại, các công ty Nhật Bản có ít nhất 7.400 chi nhánh tại Trung Quốc tính đến tháng 3 năm 2018, theo Reuters đưa tin. Con số đó tăng 60% so với năm 2008. 

Sự phát triển của tự động hóa nhiều hơn và sự khởi đầu của công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể là một trong những câu trả lời cho việc phát triển khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn cho chuỗi cung ứng. Japan Display Inc. và nhà sản xuất chip Rohm Co. Ltd nói với Reuters rằng sự chuyển đổi tiềm năng sang tự động hóa hoàn toàn cho các quy trình hậu kỳ đòi hỏi nhiều sức lao động có thể dẫn đến các dây chuyền lắp ráp mới được xây dựng tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, đối với những công ty khác, Trung Quốc sẽ vẫn nằm trong chuỗi cung ứng của họ vì lý do chi phí. Sharp Corp., công ty sản xuất bảng hiển thị và tivi, vận chuyển các sản phẩm đến Trung Quốc, ở đó sản phẩm được gắn thêm đèn nền, đầu nối và các bộ phận khác. Quá trình này đòi hỏi phải kiểm tra và điều chỉnh máy móc thủ công. Một phát ngôn viên của Sharp cho biết: “Quá trình hậu kỳ từ lâu đã được thực hiện ở Trung Quốc vì nó đòi hỏi nhiều sức lao động”, công ty này đã được Foxconn của Đài Loan mua lại vào năm 2016. “Sẽ rất tốn kém nếu đưa quy trình này về quê nhà.” 

Một chặng đường phía trước

Các chuyên gia về chuỗi cung ứng chỉ ra rằng Trung Quốc đã sắp đặt lợi thế cho nền công nghiệp sản xuất của mình bằng cách tạo ra một mạng lưới chuỗi cung ứng được củng cố bởi hệ thống phân phối rộng lớn và cơ sở hạ tầng hiệu quả cho giao thông vận tải. Quốc gia này cũng cung cấp lực lượng lao động hùng hậu được đào tạo về vận hành máy móc phức tạp. Tuy nhiên, khi các công ty xem xét lại chuỗi cung ứng của họ trong một nền kinh tế hậu đại dịch, “áp lực từ các chính phủ trong việc đưa hoạt động về nước mình so với sức hấp dẫn của Trung Quốc như một trung tâm sản xuất sẽ là một sự co kéo về địa kinh tế dai dẳng mà họ sẽ phải xoay sở để vượt qua”, theo một bài viết được xuất bản bởi Yogaananthan S/O Theva, một cộng sự nghiên cứu trong Nhóm Nghiên cứu Chính sách tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, ở Singapore.

Để tìm ra phương hướng trong nền kinh tế sau vi-rút corona, ông lập luận, “các công ty nên tránh một cách tiếp cận cứng nhắc, nhị phân là hoàn toàn dựa vào hoặc hoàn toàn tách rời khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, các công ty nên củng cố khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng bằng cách duy trì tính linh hoạt và có chiến lược cho việc chuyển đổi hoạt động giữa Trung Quốc và các nước khác khi cần thiết.”

Ông cho biết, các chiến lược để đạt được điều này có thể bao gồm đầu tư vào việc xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng đa nguồn và tạo ra các chuỗi cung ứng vòng tròn cho phép các công ty tái sử dụng vật liệu phế thải. Các công ty toàn cầu cũng cần nhìn rõ các mạng lưới chuỗi cung ứng của họ ở mức tối đa để dự đoán sự gián đoạn phát sinh từ Trung Quốc hoặc nơi khác, ông lập luận.

Để đạt được sự rõ ràng này, các công ty như Corning, Emerson, Hayward Supply và IBM đang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như chuỗi khối (blockchain) để tạo ra một dấu vết truy nguyên đáng tin cậy để có thể theo dõi một tài sản từ khâu sản xuất đến khâu giao hàng. “Được trang bị những dữ liệu như vậy, các công ty sẽ có thể nhanh chóng xác định các chuỗi cung ứng cụ thể sẽ bị gián đoạn và kích hoạt các chuỗi cung ứng thay thế,” ông Theva viết.

Cho dù tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc hay chỉ đơn giản là đa dạng hóa chuỗi cung ứng để xây dựng khả năng phục hồi, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều nhất trí rằng việc phụ thuộc nặng nề vào ngành sản xuất của Trung Quốc như hiện nay cần được giải quyết. “Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta thực sự phải xem xét lại tính bền vững của chuỗi cung ứng”, ông Hiroaki Nakanishi, chủ tịch của Hitachi Ltd. và là người đứng đầu tổ chức vận động hành lang lớn nhất Nhật Bản, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 5 năm 2020. “Đột ngột đưa tất cả khâu sản xuất về lại Nhật Bản thì không hề thực tế. Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào một quốc gia cụ thể và họ bị phong tỏa, thì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng.”  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button