Câu chuyện Nổi bật

Trung Quốc chỉ trích đường lối ngoại giao vắc-xin trong khu vực của Ấn Độ

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Việc Ấn Độ tặng 5,5 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho các nước Nam Á đã được nhiều quốc gia biết ơn và ca ngợi. Tuy nhiên, sự hào phóng này đã dẫn đến một phản ứng giận dữ hơn từ đối thủ của Ấn Độ trong việc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực — Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) — quốc gia đã ca ngợi chính sách ngoại giao vắc-xin của Ấn Độ trong các tuyên bố chính thức trong khi nhạo báng nỗ lực này trong các phương tiện truyền thông do nhà nước chi phối.

Sự khác biệt này đã được ghi nhận ở Ấn Độ. Một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc cho biết “không có chỗ cho sự cạnh tranh ác ý” trong việc cung cấp vắc-xin, nhưng một tờ báo Ấn Độ chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc vận hành đang hình thành một vị thế hung hăng hơn. “Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chịu sự kiểm soát của nhà nước ở Trung Quốc đã truyền bá một lối suy nghĩ khác, từ việc cáo buộc rằng Ấn Độ đã can thiệp để không cho vắc-xin của Trung Quốc được sử dụng ở Nam Á cho đến việc nghi vấn về tính hiệu quả của các loại vắc-xin của Ấn Độ và phương Tây,” báo The Hindu, một tờ nhật báo bằng tiếng Anh ở Ấn Độ, đưa tin vào ngày 27 tháng 1 năm 2021.

Theo Reuters đưa tin, nỗ lực của Ấn Độ trong việc tự định vị là quốc gia ứng phó tuyến đầu của khu vực diễn ra sau nhiều năm cố gắng để bắt kịp với khoản đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia bao gồm Maldives, Nepal và Sri Lanka, nơi Trung Quốc đang xây dựng các cảng, nhà máy điện và đường bộ. Tuy nhiên, sức mạnh của Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm mang lại cho nước này một lợi thế trong đại dịch vi-rút corona. Theo Reuters đưa tin, Ấn Độ có kế hoạch cung cấp từ 12 đến 20 triệu liều vắc-xin cho các nước láng giềng trong đợt hỗ trợ đầu tiên kéo dài trong vài tuần. (Ảnh: Những nhân viên tại Sở Dịch vụ Y tế ở Kathmandu, Nepal, dỡ một hộp vắc-xin COVID-19 do Ấn Độ quyên tặng.)

Các quan chức Trung Quốc gặp khó khăn trong việc công khai chỉ trích sự hào hiệp của Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu vào cuối tháng 1 năm 2021: “Hiện có nhiều loại vắc-xin COVID-19 tiềm năng trên thị trường và các quốc gia cần có khả năng để lựa chọn vắc-xin một cách độc lập”. “Vấn đề này không có chỗ cho sự cạnh tranh ác ý, chứ đừng nói đến cái gọi là sự ganh đua.”

Bất chấp những lời quả quyết đó, cạnh tranh ác ý đã là luận điệu của những tin bài về việc quyên tặng vắc-xin của Ấn Độ trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tờ Global Times, chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trích dẫn một “người trong cuộc” nói rằng sự hợp tác về vắc-xin giữa Trung Quốc và Bangladesh đã bị “xáo trộn do sự can thiệp từ Ấn Độ,” theo báo The Hindu đưa tin. Bài phóng sự trên tờ Global Times nhận định rằng các thử nghiệm lâm sàng của một loại vắc-xin Trung Quốc ở Bangladesh đã bị trì hoãn “do chính phủ Ấn Độ bị cho là can thiệp vào sự hợp tác của hai bên trong giai đoạn này.”

Tuy nhiên, chính phủ Bangladesh đã công bố vào tháng 10 năm 2020 rằng họ không sử dụng vắc-xin của Trung Quốc vì họ đã được yêu cầu đồng tài trợ cho một thử nghiệm trong nước, theo Reuters đưa tin.

Báo The Hindu cũng ghi nhận rằng các cơ quan truyền thông nhà nước ở Trung Quốc đã đặt nghi vấn về mức độ hiệu quả của những loại vắc-xin mà Ấn Độ đang phát triển và cũng đang thu hút sự chú ý vào một vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 21 tháng 1 năm 2021 tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã khiến năm người thiệt mạng, coi đây là một nguyên nhân dẫn đến sự lo lắng. Viện này hiện đang sản xuất vắc-xin Oxford-AstraZeneca. Loại vắc-xin này đã được phát triển ở Vương quốc Anh và đang được Ấn Độ quyên tặng cho các nước láng giềng. “Nhiều người dùng Twitter chia sẻ niềm băn khoăn tương tự về ảnh hưởng của vụ hỏa hoạn đối với năng lực sản xuất vắc-xin của SII,” tờ Global Times cho biết.

Những bên ở đầu nhận trong chính sách ngoại giao vắc-xin của Ấn Độ không hề nêu lên sự hoài nghi nào. Từ giữa tháng 1 năm 2021, Ấn Độ đã quyên tặng 2 triệu liều cho Bangladesh, 150.000 liều cho Bhutan, 1,5 triệu cho Miến Điện, 100.000 liều cho Maldives, 100.000 liều cho Mauritius, 1 triệu liều cho Nepal, 200.000 liều cho các quốc gia đảo Thái Bình Dương, 50.000 liều cho Seychelles và 500.000 liều cho Sri Lanka. Ấn Độ cũng quyên tặng vắc-xin cho Bahrain, Nicaragua và Oman.

“Chính phủ Ấn Độ đã thể hiện thiện chí thông qua việc trợ cấp vắc-xin. Bệnh dịch này là ở cấp độ quần chúng nhân dân. Chính người dân là những người phải chịu tác động nặng nề nhất của COVID-19,” ông Hridayesh Tripathi, bộ trưởng bộ y tế và dân số của Nepal cho biết, theo Reuters đưa tin.

 

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button