Các bài nổi bật

TRONG TƯƠNG LAI CỦA NGA Có bao gồm Trung Quốc không?

Các kịch bản có thể xảy ra và hệ quả của chúng

TIẾN SĨ DREW NINNIS/LỰC LƯỢNG QUỐC PHÒNG ÚC

“Những quý ông châu Âu đó đã tích tụ biết bao giận dữ!” Andrei Danilovich Komiaga, một oprichnik (cận vệ) trung thành của Sa hoàng mới, thốt lên. “Trong nhiều thập kỷ qua, họ đã hút khí đốt của chúng ta mà không nghĩ đến những nỗi khó nhọc mà việc đó mang đến cho những người dân chăm chỉ của chúng ta. Họ đưa những tin tức thật lạ lùng! Ôi trời, ở Nice trời lại lạnh rồi! Kính thư các quý ngài, các vị sẽ phải làm quen với việc ăn món foie gras (pa-tê gan ngỗng) nguội lạnh ít nhất vài lần một tuần. Chúc ngon miệng! Hóa ra Trung Quốc thông minh hơn các ngài.”

Ít nhất, đó là tương lai của Nga (và Trung Quốc) mà nhà văn theo trường phái khiêu khích thời hậu Xô viết Vladimir Sorokin mô tả trong cuốn tiểu thuyết Ngày của Oprichnik của mình. Lấy bối cảnh là nước Nga Mới vào năm 2028, chế độ Sa hoàng đã trở lại với toàn bộ sức mạnh và đã xây dựng một bức tường lớn, tuyệt đẹp trên đường biên giới của nước này với châu Âu để ngăn chặn “mùi hôi thối của những kẻ ngờ vực, những kẻ bị nguyền rủa, tin tặc,… những kẻ theo chủ nghĩa Mác xít, phát xít, đa nguyên và vô thần!” Nước Nga giàu có và tràn ngập công nghệ Trung Quốc nhưng hướng nội, đồng thời quay trở lại các cấu trúc phong kiến của Ivan Bạo chúa (hoặc vị vua Đáng gờm như cách gọi của các nhà lãnh đạo Nga thế hệ mới). 

Mặc dù câu trả lời mà ông Sorokin đưa ra có thể giàu tưởng tượng, nhưng những câu hỏi mà ông đặt ra rất đáng được hỏi — Nga sẽ như thế nào vào năm 2028 và sau đó? Tương lai của Nga có bao gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) không? Và hệ quả của những tương lai có thể xảy ra này đối với châu Âu và phần còn lại của thế giới là gì? Các quỹ đạo đan xen giữa Nga và Trung Quốc sẽ thúc đẩy các quyết định kéo theo đối với Hoa Kỳ, châu Âu và các đồng minh của họ cũng như sẽ định hình thế kỷ 21. Một cách để dự đoán, cung cấp thông tin và chuẩn bị cho những quyết định này là suy nghĩ về tương lai tiềm năng mà chúng có thể dẫn tới.

Tất nhiên, tương lai vốn không có gì chắc chắn cũng như các phân tích về tương lai, chẳng hạn như phân tích này, ít mang tính dự báo hơn và hình dung các kịch bản nhiều hơn. Phân tích này không được thực hiện hoàn toàn theo phong cách châm biếm màu mè của ông Sorokin; thay vào đó, phân tích dưới đây xem xét các xu hướng và chỉ số chính, dữ liệu thực nghiệm hiện có cho các dự báo tạm thời và các trường hợp phản thực tế trước khi bàn đến một loạt các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. 

Phân tích này chia các câu hỏi về những tương lai tiềm năng của Nga và Trung Quốc thành nhiều phần: Thứ nhất, xem xét lịch sử chung của hai nước và các cách thức mà những điểm chung này có thể được sử dụng. Thứ hai, xem xét các xu hướng và tương lai tiềm năng của cả hai. Thứ ba, khám phá vai trò trung tâm của chương trình Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Belt, One Road, OBOR) của Trung Quốc trong việc định hình những tương lai đó. Và cuối cùng là cân nhắc các kịch bản và chiến lược tiềm năng trong những tương lai này.

Những suy đoán này có một ứng dụng cơ bản về mặt chính sách, đó là đem đến tư duy rõ ràng về việc các quốc gia phương Tây có thể thích tương lai nào hơn trong số những kịch bản này và những điều có thể được thực hiện để đạt được tương lai tốt nhất cho tất cả mọi người. Xét cho cùng, việc lên kế hoạch cho nhiều phản ứng tiềm năng mà không cần đến chúng thì tốt hơn nhiều là bị bất ngờ và không có lựa chọn nào.

Những tương lai tiềm năng cho Trung Quốc

Chúng ta hãy cùng nghĩ về tương lai của Trung Quốc, và đặc biệt là, các xu hướng và lĩnh vực có khả năng cao trong việc xác định phạm vi của điều khả thi. Đó là: môi trường vật lý, nhân khẩu học và nền kinh tế của Trung Quốc, chính trị và xã hội Trung Quốc, cùng với những quan hệ đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Cuối cùng, những chiến lược trong tương lai của Trung Quốc có thể là gì và Trung Quốc có những lựa chọn nào để theo đuổi chúng?

Tóm lại, tương lai của môi trường Trung Quốc có vẻ không tốt — và đó là tin xấu vì khả năng các xu hướng môi trường thay đổi đột ngột là thấp nhất, và những lựa chọn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc giải quyết các xu hướng dài hạn này bị hạn chế. Lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc đang tiến dần đến bằng với tổng lượng khí thải của các nước phát triển cộng lại và nếu không có sự can thiệp triệt để, có thể sẽ vượt quá con số này với sự chênh lệch đáng kể vào năm 2050 (Hình 1), như dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development, OECD) cho thấy. Các thành viên của tổ chức này là Áo, Úc, Bỉ, Canada, Chile, Colombia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ai len, Israel, Ý, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Mặc dù Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ trong việc tăng sản lượng điện không tái tạo, nhưng nước này vẫn tụt hậu so với hầu hết các quốc gia phát triển khác. Điều này gây ra hậu quả đáng kể trên toàn cầu và hậu quả nghiêm trọng tại địa phương. Đất canh tác của Trung Quốc đã giảm mạnh, từ 118 triệu héc-ta trong năm 2000 xuống còn 106 triệu héc-ta chỉ sau 15 năm, trong khi dân số của nước này tiếp tục tăng — khiến an ninh lương thực trở thành một vấn đề rất lớn. So sánh sự sụt giảm này với Hoa Kỳ, trong cùng giai đoạn thì nước này đã giảm từ 175 triệu héc-ta xuống còn 154 triệu héc-ta. Mặc dù đây cũng là một sự sụt giảm đột ngột, nó chỉ ra rằng bất chấp những ảnh hưởng ngắn hạn của cuộc chiến thương mại vẫn tiếp diễn với Hoa Kỳ, Trung Quốc có khả năng cao là vẫn sẽ phụ thuộc vào nông sản nhập khẩu từ Hoa Kỳ trừ khi nước này có thể nhanh chóng gia tăng số lượng các siêu cường quốc về nông nghiệp là đối tác thương mại trong khuôn khổ của OBOR.

Các chỉ số môi trường khác của Trung Quốc nói lên một câu chuyện đáng ngại tương tự — với số người dân trong nước phải dịch chuyển do thiên tai vẫn cao, trung bình 7 triệu người mỗi năm. Mức độ thiếu nước của nước này là cực kỳ cao, và mức độ tiếp xúc trung bình hàng năm với ô nhiễm không khí vượt xa phần còn lại của thế giới (Hình 2).

Mục đích của cuộc khảo sát này là để chứng minh rằng Trung Quốc phải đối mặt với những giới hạn đáng kể lên sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác (nhân khẩu học, kinh tế) xuất phát trực tiếp từ các vấn đề môi trường trong tương lai mà nước này sẽ phải đối mặt. Một nguồn gốc quan trọng của những vấn đề này là mối quan hệ nước-thực phẩm-năng lượng bởi vì khi những vấn đề môi trường này tăng lên cùng với nhu cầu thực phẩm và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, càng ngày sẽ càng có ít nước hoặc các đầu vào quan trọng khác để hỗ trợ sự tăng trưởng này. 

Một yếu tố hạn chế thứ hai đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc và tương lai của nước này là nhân khẩu học. Một hệ quả của những biện pháp kiểm soát dân số hà khắc của Trung Quốc (bao gồm cả chính sách Một con) là đến năm 2025 Trung Quốc sẽ không còn là quốc gia đông dân nhất — danh hiệu đó sẽ thuộc về Ấn Độ, quốc gia có tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên cho đến năm 2050. Trên thực tế, chỉ cần đến năm 2030, thì dân số của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm đi, tụt sau tổng dân số của các quốc gia thành viên OECD vào năm 2040 (Hình 3). Chính những nền tảng mà Trung Quốc đã dùng để xây dựng sự thịnh vượng của mình — một nền kinh tế gia công sản xuất với lực lượng lao động rẻ và dồi dào, một năng lực tăng trưởng kinh tế vô hạn được xây dựng trên lưng của một dân số khổng lồ — sẽ bị xói mòn. Nếu quy mô và sự tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu vẫn dựa trên giới trẻ và quy mô dân số của một quốc gia, thì các quốc gia phương Tây có thể sớm đặt câu hỏi liệu sự trỗi dậy của Ấn Độ có đem đến những tổn hại cho Trung Quốc hay không.

Và tin tức lại càng xấu hơn: trong khi mà dân số Trung Quốc thu hẹp lại, thì dân số cũng ngày càng già đi, có nghĩa là những người lao động chiếm tỷ lệ nhỏ hơn phải gánh vác phần đời nghỉ hưu của người dân Trung Quốc có số lượng lớn hơn. Điều này dẫn đến câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ thành công trong việc làm giàu — và tiến lên thứ bậc cao hơn trong chuỗi giá trị của nền kinh tế toàn cầu — trước khi nước này già đi, hay không.

Đổi lại, sự ổn định chính trị của Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào sức mạnh và tính hiệu quả của ĐCSTQ — một định đề có lẽ sẽ được thử nghiệm khả năng chống chịu theo những cách thức đa dạng và khó biết trước trong nhiều thập kỷ tới. Thứ nhất là, sự ổn định nội bộ của chính đảng này dường như thống nhất và vững chắc dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhưng sự chia rẽ bè phái và bất đồng nội bộ dễ xảy ra hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. Thật vậy, lễ nhậm chức của ông Tập suýt bị gián đoạn khi ông biến mất trong hai tuần vào tháng 9 năm 2012. Theo tờ The Washington Post đưa tin, sự vắng mặt này là do chiếc ghế mà một nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc ném trong một cuộc họp có nhiều tranh cãi đã làm ông Tập bị thương khi ông này cố gắng can thiệp. 

Về quan hệ đối ngoại và an ninh của Trung Quốc, điều này được chuyển thành ba dự án quan trọng mà ĐCSTQ phải tiến hành — thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập, giữ vững lập trường về những lợi thế địa chính trị nhất định phải có và tránh xung đột hết mức có thể. Giấc mơ Trung Hoa dựa trên tính toán của ĐCSTQ rằng đảng này có một cửa sổ cơ hội dài 20 năm. Trong thời gian đó, Trung Quốc có thể vươn lên đủ giàu mạnh để xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai của sự thịnh vượng và sức mạnh Trung Hoa. Trong thời gian này, ĐCSTQ khó có khả năng thách thức một cách cơ bản trật tự kinh tế hoặc trật tự chính trị hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai vì hầu hết các phần của trật tự này có lợi cho Trung Quốc trong thời điểm hiện tại và Trung Quốc không phải chi nhiều tiền cho việc duy trì. Ngoài ra, Trung Quốc muốn lặng lẽ đặt nền móng để tái tạo vòng kiểm soát của ĐCSTQ đối với các tình huống nội bộ của mình cũng như áp dụng trong việc kiểm soát các tình huống bên ngoài, trước hết là về kinh tế nhưng sau này là cả về chính trị. OBOR thực hiện một nhiệm vụ cơ bản trong quá trình chuyển đổi này. Trong khi làm điều này, Trung Quốc phải giữ vững lập trường về các yếu tố địa chính trị nhất định phải có — duy trì vị thế đứng đầu của ĐCSTQ trong tất cả các lĩnh vực, duy trì toàn vẹn lãnh thổ ở Tân Cương và Hồng Kông đồng thời siết chặt Đài Loan, và duy trì vị thế của mình ở trong nước đồng thời ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài thông qua một chiến lược quân sự chống tiếp cận/khắc chế khu vực. Cuối cùng, ĐCSTQ gần như chắc chắn muốn tránh xung đột quân sự công khai đối đầu với các quốc gia có năng lực khác. Trung Quốc cho rằng ngay cả những xung đột nhỏ về các vấn đề vượt ra ngoài những yếu tố địa chính trị nhất định phải có của mình cũng sẽ làm tổn hại đến cửa sổ cơ hội cho việc thực hiện Giấc mơ Trung Hoa.

Do đó, tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các mục tiêu này — đặc biệt là làm giàu trước khi già đi và chia đều lợi lộc. OBOR là một phương tiện chủ chốt để đạt được điều này. Cũng có khả năng ĐCSTQ lo ngại các mối đe dọa và sự bất ổn nội bộ nhiều hơn so với các tác nhân bên ngoài, mặc dù nước này vẫn có kế hoạch cho những tình huống từ bên ngoài. Hai yếu tố chính thúc đẩy những tương lai tiềm năng của Trung Quốc — cho dù nền kinh tế của nước này có đang chạy hết tốc lực (và có năng lực cao) hay không, cũng như thành tích và tính chính danh của ĐCSTQ. Nếu chúng ta sắp xếp hai xu hướng này trên trục X và Y, chúng ta có bốn tương lai tiềm năng đáng chú ý cho Trung Quốc (Hình 5).

Trong một tương lai có năng lực cao, thành tích/tính chính danh cao cho Trung Quốc, chúng ta có một sự lặp lại của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc phiên bản công nghệ cao — một đảng cầm quyền sử dụng công nghệ tương lai để kiểm soát chặt chẽ đời sống của quần chúng và an ninh nội bộ của mình (“lưới sắt” của Tần Thủy Hoàng được thực hiện trong đời sống Trung Quốc mà đè chặt mỗi con dân vào vị trí của họ), trong khi vẫn mang lại một cuộc sống dư dả và thoải mái cho phần lớn người dân. Trong một kịch bản năng lực cao, thành tích/tính chính danh thấp, chúng ta trở về giai đoạn cuối thời nhà Thanh — với một nền kinh tế bùng nổ và nhiều của cải được chuyển giao cho các tác nhân cả trong và ngoài nước, nhưng một sự tan rã dần dần, và sau đó nhanh chóng, trong khả năng kiểm soát của ĐCSTQ, có thể dẫn đến sự giải phóng cho xã hội Trung Quốc hoặc phân chia chiến lợi phẩm giữa những nhân vật giàu có và ảnh hưởng nhất trong xã hội. Ngoài ra, trong một kịch bản thành tích/tính chính danh cao, năng lực thấp, chúng ta có thể thấy sự trở lại của những nỗ lực lặp đi lặp lại của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong việc biến chuyển Trung Quốc trong những hoàn cảnh thống khổ — trong đó ĐCSTQ thực thi sức mạnh kiểm soát hà khắc nhưng đạt được hiệu quả thấp, tăng trưởng bị trì trệ và một đám đông quần chúng nghèo nàn phải chứng kiến sự tiến triển của kinh tế toàn cầu chuyển đến nơi khác. Cuối cùng, viễn cảnh tồi tệ nhất trong tất cả các thế giới được dự tính trong một kịch bản thành tích/tính chính danh thấp, năng lực thấp, trong đó xã hội bất ổn thời Tam Quốc của Trung Quốc trở lại, mang đến ít sự hài hòa và nhiều sự sụp đổ hơn. 

Cách suy nghĩ đơn giản này về tương lai của Trung Quốc không dự đoán khả năng này hay khả năng khác là sẽ dễ xảy ra hơn; quả là vậy, sự thật có thể là một biến thể độc nhất từ tất cả các kịch bản này và phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng quả thực, nó đã cho phép chúng ta hình dung về những trạng thái khác nhau và sau đó suy nghĩ về vị trí mà sự thành công hay thất bại của OBOR, và mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, có thể có trong những tương lai này. 

Những tương lai tiềm năng cho Nga

Về các chiến lược trong tương lai, có khả năng cao là Nga sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng giữa khiêu khích và nhượng bộ đối với phương Tây, đánh cuộc rằng các đồng minh châu Âu sẽ không có sức chống chịu để cam kết với một cuộc đối đầu toàn lực hoặc chính sách ngăn chặn và cố gắng đạt được sự nhượng bộ khi có thể. Đồng thời, việc thúc đẩy các chiến lược phòng hộ ở Trung Quốc và khu vực Âu-Á, tìm kiếm những thị trường mới và đồng minh nếu có thể, sẽ có lợi cho Nga. Cuối cùng, chế độ của Nga có lẽ sẽ cố tăng cường khả năng phục hồi và sự phụ thuộc nội bộ trong khi cố gắng giảm thiểu tác động của bất kỳ khoảng thời gian ngừng hoạt động nào trong một siêu chu kỳ tài nguyên. Điều thú vị nhất về những chiến lược này là ba mục tiêu sau dường như giao cắt trực tiếp với OBOR và câu hỏi cấp bách là liệu Nga có cấu thành một phần cơ bản của chương trình này hay không. Người ta sẽ không đi quá xa so với tương lai hư cấu của Sorokin khi hình dung một nước Nga hồi sinh đã thành công trong việc ngăn chặn áp lực từ phương Tây, xây dựng các mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ ở Trung Quốc và khu vực Âu-Á, tìm được những thị trường mới và phương cách để giảm thiểu các vấn đề kinh tế hiện tại của mình và, do đó, giữ vững vị thế của mình tại quê nhà. 

Điều này dẫn Nga vào một tập hợp các tương lai thay thế thú vị nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Hình 6). Tuy rằng một trong những trục tương lai tiềm năng của Trung Quốc phụ thuộc vào tính hiệu quả và uy quyền của ĐCSTQ, nhưng trong trường hợp của Nga, đặt xu hướng này trên mức độ bất đồng trong nước và cách mà sự bất đồng đó cản trở các mục tiêu của giới cầm quyền của Nga thì có lẽ sẽ chính xác hơn. Tương tự như vậy, trong khi năng lực kinh tế và khả năng tiếp lực cho nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc là những câu hỏi quan trọng, đối với Nga thì vấn đề đơn giản hơn, là liệu kinh tế của Nga sẽ hồi sinh hay suy thoái. Bốn kịch bản được thể hiện ra ở đây khác biệt một cách tinh tế với Trung Quốc, đại diện cho các cấu trúc bên trong khác nhau của Nga và các nguồn sức mạnh và điểm yếu, nhưng một lần nữa chúng có những so sánh gần như tương đồng trong lịch sử. Một nước Nga mạnh về kinh tế và thống nhất có thể gợi nhắc đến thời của Peter Đại đế 2.0, cho phép các nhà lãnh đạo và tầng lớp tinh hoa trong tương lai của Nga có cơ hội để thách thức hoặc dung nạp một số phần nhất định của phương Tây trong khi bồi đắp một mối quan hệ và bản sắc độc nhất ở phương Đông (một Hiệp ước Nerchinsk mới, hoặc tình bạn đặc biệt). Thế giới có thể phải sợ rất nhiều điều ở sự liên kết địa chính trị này và, thực sự, đây đã là một chủ đề của cuộc trò chuyện giữa những Chiến binh thời Chiến tranh Lạnh già cỗi và hay gắt gỏng như Paul Dibb và Henry Kissinger. Mặt khác, một nước Nga mạnh về kinh tế nhưng chia rẽ về chính trị, có thể giống như sự trở lại của giai đoạn Nikita Khrushchev thời kỳ đầu, khi giới cầm quyền vật lộn để kiềm chế nỗi bức xúc lan rộng trong nhân dân trong khi xoay vòng giữa các giai đoạn cởi mở và đàn áp mà không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ. Như với Trung Quốc, điều này dễ dẫn đến một nước Nga ít nhất quán và dễ biến động hơn trên trường quốc tế, vì chính sách đối ngoại chịu sự tác động của những biến động trong nước. Một nước Nga yếu kém về kinh tế nhưng có mức bất đồng nội bộ thấp có thể đại diện cho sự trở lại của tình trạng trì trệ trong những năm tháng thời Leonid Brezhnev, nơi không có ai đặc biệt vui vẻ và nước Nga thì thu mình, nhưng nỗi sợ hãi về những điều có thể tồi tệ hơn nhiều ngăn chặn hành động quyết liệt dù là trong nội bộ hay hướng ra ngoài.

Cuối cùng, tình huống đáng sợ nhất đối với Nga sẽ là sự trở lại của thời kỳ có mức bất đồng chính kiến cao và sụp đổ kinh tế. Hình dung này được thể hiện rõ ràng nhất trong tâm trí của người Nga thông qua sự chuyển đổi từ Mikhail Gorbachev sang Boris Yeltsin và những năm tiến hành “liệu pháp sốc” để cải cách nền kinh tế. Mặc dù kịch bản xấu nhất của Trung Quốc đại diện cho sự sụp đổ của các thể chế và sự chuyển đổi không chắc chắn, nó không nhất thiết đại diện cho sự sụp đổ hoặc chia rẽ của đất nước Trung Quốc. Trong trường hợp của Nga, chúng ta không thể biết chắc khi xét đến vô số những cuộc xung đột đóng băng (Chechnya, Nam Ossetia và Abkhazia, Donetsk, Crimea) mà Nga duy trì để củng cố biên giới của mình và những khu vực mà Nga coi là các quốc gia vệ tinh của mình. Nga có thể đơn giản là sẽ chia nhỏ ra dưới áp lực, đồng thời vô số cuộc xung đột lạnh sẽ chuyển thành các cuộc chiến tranh nóng. Chúng ta có thể phải đối mặt với thực tế rằng điều duy nhất tồi tệ hơn một nước Nga hung hãn và trỗi dậy là một nước Nga trên đà sụp đổ. 

Một vành đai, Một con đường 

Cuối cùng, việc xét tới OBOR và cách mà chương trình này có thể hoạt động như một trục xoay quan trọng giữa những viễn cảnh có thể xảy ra này là điều nên làm. Cụ thể, OBOR đã được ông Tập công bố vào năm 2013 như là một phần trong Giấc mơ Trung Hoa lớn hơn của ông này và “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội với những Đặc tính Trung Quốc cho một Kỷ nguyên Mới,” và cái tên này đã được đổi thành Sáng kiến Vành đai và Đường bộ vào năm 2016. Dự án này bao gồm các hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng và các dự án khác trị giá 575 tỷ đô la Mỹ. Nó thiết lập sáu hành lang qua đất liền của Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Hàng hải Thế kỷ 21 theo định nghĩa của Trung Quốc. Tính đến tháng 3 năm 2019, 125 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến này — mặc dù điều này nên được nhìn nhận với một chút ngờ vực, vì Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng chỉ 71 trong số 125 nền kinh tế đó được kết nối với OBOR theo bất kỳ cách thức có ý nghĩa nào. Cũng có sự nhầm lẫn về phần Đường vành đai mà cần được làm rõ: các tuyến đường bộ là “vành đai” vì chúng cho phép các hành lang kinh tế của ngành công nghiệp và thị trường hoạt động trên suốt chiều dài của mình, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, còn các tuyến “đường bộ” là các tuyến đường biển, chỉ đơn giản là vận chuyển hàng hóa từ cảng này đến cảng khác. 

Như một số nhà bình luận đã chỉ ra, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với sự thật là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Trung Quốc phải tiếp tục mức tăng trưởng cao, ngay cả với sự giảm tốc này, để tạo ra việc làm và sự ổn định. Nhưng trong nhiều năm, các công cụ mà ĐCSTQ đã lựa chọn để làm điều này là nợ nần và sự kiểm soát của nhà nước không có cạnh tranh. Điều này không còn có khả năng mang lại kết quả mà ĐCSTQ cần. Thứ hai, Trung Quốc phải cân bằng lại nền kinh tế của mình từ một nhà sản xuất các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ thành một nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao hơn (chẳng hạn như ô tô, công nghệ và tài chính trong nước) cho thị trường trong và ngoài nước. Tất cả những điều này nhằm tránh cái bẫy thu nhập trung bình, hay đất nước trở nên già nua trước khi đạt được sự giàu có.

Cho đến nay, có hai lý thuyết khác nhau về cách OBOR đạt được điều này. Những người theo tư tưởng “tối đa hóa”, chẳng hạn như nhà khoa học chính trị Bruno Macaes, coi đó chính là sự khởi đầu của một trật tự thế giới mới về kinh tế mà Trung Quốc cầm trịch. Ông Macaes viết rằng “bất cứ ai có thể xây dựng và kiểm soát cơ sở hạ tầng kết nối hai đầu của lục địa Âu-Á sẽ thống trị thế giới…. Bằng cách kiểm soát tốc độ và cấu trúc của những khoản đầu tư vào các nước đang phát triển, Trung Quốc có thể chuyển đổi trơn tru hơn nhiều sang ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị cao hơn. ” Ngân hàng Thế giới cũng đã quan sát thấy rằng “các quốc gia nằm dọc theo hành lang của Vành đai và Đường bộ không được lợi từ cơ sở hạ tầng hiện có — và chịu tác động của một loạt các lỗ hổng chính sách. Kết quả là, họ bị thâm hụt thương mại 30% và không đạt được 70% số tiền FDI [đầu tư trực tiếp nước ngoài] tiềm năng của mình. Hành lang vận tải OBOR sẽ giúp theo hai cách quan trọng — giảm thời gian đi lại và tăng thương mại và đầu tư.” Do đó, Trung Quốc đang vừa lấp đầy một khoảng trống vừa xây dựng thiện chí ở các nước đang phát triển. Nước này hy vọng sẽ dẫn đầu giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu khi vượt qua các nước OECD phát triển hơn hiện đang chiếm vị trí trên cùng của các chuỗi giá trị. 

Nhưng cũng có lý thuyết “tối giản hóa” cho rằng cho đến nay các yếu tố thành công trong cuộc vận động cho danh tiếng của OBOR ngụy trang một cái gì đó ít hơn nhiều so với vẻ ngoài. Ví dụ, Jonathan Hillman, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lập luận rằng “Vành đai và Con đường lớn đến mức gần như việc một người điều khiển được nó là bất khả thi, đôi khi tôi tự hỏi liệu Trung Quốc có nắm bắt được toàn bộ chương trình đó hay không,” trong khi Ngân hàng Thế giới đặt một cảnh báo lớn lên phân tích của tổ chức này như đã được đề cập. Trong cùng một báo cáo, các tác giả cho rằng chương trình này hoạt động “chỉ khi Trung Quốc và các nền kinh tế hành lang thông qua các cải cách chính sách sâu hơn, làm tăng tính minh bạch, mở rộng thương mại, cải thiện tính bền vững của khoản nợ, và giảm thiểu các rủi ro về môi trường, xã hội và tham nhũng. ” Lý thuyết này lập luận rằng chương trình là một câu chuyện thông minh để tận dụng được nhiều hơn từ những gì chỉ đơn giản là sự kích thích cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là ngành xây dựng, và đó đồng thời là một lời chào mời để có được vốn nước ngoài và sự chấp nhận cho một chương trình mà sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc. Hơn nữa, một số nhà bình luận đã nhấn mạnh rằng thay vì giúp đỡ các nền kinh tế lân cận, các dự án tạo nên chương trình này là những cái bẫy nợ hữu ích mang lại cho Trung Quốc khả năng thao túng các chính phủ láng giềng. Cuối cùng, một số người đã nhấn mạnh rằng chương trình này là một tấm bình phong hữu ích cho ĐCSTQ để mua lòng trung thành của các cán bộ đảng viên và các doanh nghiệp liên kết với nhau. Họ cũng đề cập rằng các hoạt động tham nhũng đã rút ruột một phần lớn trong bất kỳ khoản đầu tư nào.

Vậy thì, cách lý giải nào là đúng? Đây là một câu hỏi đặc biệt quan trọng bởi vì chương trình này là một trục xoay chính có thể quyết định liệu một tập hợp nhất định các tương lai tiềm năng của Trung Quốc hay Nga có nhiều khả năng xảy ra hơn các tập hợp khác hay không. Và trong khi OBOR là một cam kết khổng lồ sẽ mất nhiều năm để đánh giá, cho đến nay bức tranh không hề sáng sủa. Nó đã hoạt động như một cái bẫy nợ đối với những quốc gia yếu thế hơn. Sri Lanka vay rất nhiều để đầu tư vào các cảng mới nhưng sau đó cho phép một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc thuê trong 99 năm để đổi lấy khoản giảm nợ — việc này cho Sri Lanka rất ít lợi ích nhưng lại thiết lập một cơ sở chiến lược cho Trung Quốc dọc theo các tuyến đường vận tải chính của nước này. Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ đô la Mỹ đã đưa ra một minh chứng đầy hứa hẹn về tiềm năng của OBOR với một đối tác quan trọng nhưng đã bị đình trệ do các trục trặc lớn về nợ nần của Pakistan. Miến Điện đã thu hẹp thỏa thuận cảng ban đầu trị giá 7,5 tỷ đô la Mỹ với Trung Quốc, chấp nhận mức 1,3 tỷ đô la Mỹ; chính phủ Malaysia đã hủy bỏ các ống dẫn dầu trị giá 3 tỷ đô la Mỹ và đe dọa sẽ từ bỏ thỏa thuận đường sắt trị giá 11 tỷ đô la Mỹ. Maldives đang tìm cách xóa nợ và hủy bỏ do nhiều vụ tham nhũng trong các dự án OBOR của mình, trong khi một nhà máy điện ở Kenya đã bị tòa án nước này tạm ngưng do tham nhũng và các quan ngại về môi trường. 

Tuy vậy, OBOR đã gặt hái được một số lợi nhuận. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng tổ chức này đã thấy sự tăng trưởng thương mại trong các nền kinh tế được kết nối trong khoảng từ 2,8% đến 9,7% (1,7% đến 6,2% trên toàn thế giới), đồng thời đem đến những lợi thế đáng kể cho Trung Quốc và các đối tác thương mại trong các lĩnh vực có sự nhạy cảm về thời gian như trái cây và rau quả hoặc nguồn hàng điện tử. Họ còn ước tính thêm rằng FDI của các quốc gia có thu nhập thấp đã tăng 7,6% nhờ vào những kết nối giao thông mới. Nhưng người ta cũng thấy rõ rằng OBOR rất dễ không đạt tới những nhận định của những người theo tư tưởng tối đa hóa; thực vậy, khi được đặt trong quan điểm lịch sử, đây chính là điều chúng ta mong đợi. So với khoản đầu tư 575 tỷ đô la Mỹ của Trung Quốc, trật tự kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai được định hình bởi Hoa Kỳ và các đồng minh thông qua những khoản đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ đô la được thực hiện trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả việc tái thiết Tây Đức và Nhật Bản. Các học giả vẫn đang cố gắng tìm hiểu những chi phí mà Liên Xô đã bỏ ra để xây dựng một trật tự cộng sản tương đương mà cuối cùng đã sụp đổ. Người ta có lẽ đã lạc quan khi nghĩ rằng Trung Quốc có thể đạt được một sự chuyển đổi tương tự mà chỉ tốn ít tiền.

Câu trả lời

Nhưng trở lại câu hỏi ban đầu, hoặc ít nhất là một biến thể của nó. Tương lai của Trung Quốc có bao gồm các khu vực Trung Á, Đông Nam Á, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu và Châu Phi không? Rõ ràng câu trả lời là có. Ngay cả trong trường hợp chỉ có những yếu tố khiêm nhường của OBOR được thực hiện, thì Trung Quốc vẫn sẽ tìm cách thiết lập các thị trường có lợi cho cả đôi bên ở tất cả các khu vực này — cho dù là tài nguyên, an ninh lương thực, các ngành công nghiệp mới hoặc các yếu tố khác của chuỗi giá trị trong sản xuất của Trung Quốc. Những thị trường này cung cấp cùng lúc khả năng tiếp cận, lao động giá rẻ, kỹ năng và nguồn lực mà Trung Quốc cần để cải thiện sự giàu có và sự hài lòng của công dân nước này. Những thị trường này gần với Trung Quốc, dễ chấp nhận đầu tư và các mức độ kiểm soát của Trung Quốc, đồng thời sẽ cùng với Trung Quốc thu hái được lợi ích từ cùng kết quả.

Nhưng liệu tương lai của Trung Quốc có bao gồm Nga không? Sau khi xem xét các bằng chứng, trong khi điều này có thể xảy ra, cân nhắc đến mọi mặt thì câu trả lời là không vì một vài lý do đan xen — cụ thể là tài nguyên, thị trường, địa lý, sự cạnh tranh và triển vọng của Nga. Về tài nguyên, Nga chỉ có phạm vi hẹp, chủ yếu là năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, những thứ mà Trung Quốc có thể mua từ nhiều quốc gia khác gần với những đường huyết mạch kinh tế của mình hơn Nga. Trung Quốc không chỉ muốn tìm kiếm nguồn cung mà còn cả một thị trường đối ứng cho những mặt hàng giá trị gia tăng của mình để đảm bảo việc trao đổi thương mại hai chiều mạnh mẽ — Nga khó có khả năng cung cấp điều thứ hai khi nước này trở nên nhỏ hơn và tương đối nghèo hơn. Mặc dù hai nước có hiệp ước hữu nghị và đã tiến hành xây dựng một mạng lưới ống dẫn rộng lớn, việc ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể đạt được một thỏa thuận về khí đốt tự nhiên là một ví dụ điển hình của vấn đề này. Liên quan đến vấn đề thị trường — Nga đơn giản là một thị trường không đủ lớn hoặc không đủ thuận tiện cho hàng hóa giá trị gia tăng của Trung Quốc. Các mặt hàng này thường bỏ qua Nga và thay vào đó đi đến châu Âu.

Sau đó còn là về vấn đề địa lý. Mặc dù những hình ảnh của OBOR thể hiện những tuyến đường sắt lớn đi qua Nga — hoặc có lẽ là siêu cao tốc của nhà văn Sorokin — thực tế là trừ khi những “vành đai” này có những thị trường sinh lợi dọc theo đường đi, thì vận chuyển đường thủy vẫn là con đường rẻ nhất để Trung Quốc di chuyển hàng hóa khi xét về khối lượng. Mặc dù việc mở cửa các tuyến đường vận tải biển Bắc Cực có thể giúp Nga trong ngắn hạn, nhưng việc bỏ qua Nga và tìm kiếm phương thức vận tải (cũng như thị trường) bằng những cách thức khác thì đơn giản là hiệu quả hơn về chi phí cho Trung Quốc. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng Nga không nằm trong hành lang kinh tế của Trung Quốc và những lợi ích của chương trình này có khả năng cao hơn nhiều là sẽ chảy về các khu vực như Đông Nam Á, Châu Phi và Trung Á. Cũng cần lưu ý rằng Nga và Trung Quốc sẽ vẫn là các đối thủ cạnh tranh địa chính trị. Cả hai đều tìm cách gây ảnh hưởng ở Trung Á và những nơi khác. Cả hai đều thận trọng với những liên minh hoặc những gì chính thức ràng buộc với hành động của họ và muốn quyết định các vấn đề theo từng trường hợp cụ thể — làm cho bất cứ điều gì vượt ra ngoài những lời bay bướm về một “mối quan hệ đặc biệt” là khó có thể xảy ra. Các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Liên minh Kinh tế Á Âu vẫn, đối với quan hệ Nga-Trung, giống như các diễn đàn thảo luận hơn là các tổ chức để tiến hành hoạt động lâu dài, giống như Liên minh châu Âu và NATO.

Cuối cùng, phải xét đến vấn đề về thái độ và khuynh hướng rộng hơn của Nga (cũng như của Trung Quốc). Mặc dù hai nước này có điểm chung về nỗi bất bình với phương Tây, nhưng những mối quan hệ khó có thể dễ dàng hơn khi Trung Quốc nắm thế thượng phong. Nga có lẽ sẽ có cùng vấn đề như nước này có với phương Tây — sự phẫn nộ về việc không được đối xử như một đối tác bình đẳng. Điều này về cơ bản là bởi vì Nga không phải và chắc chắn sẽ không vươn lên được tầm vóc cường quốc đến năm 2050, khi xét đến các xu hướng đã đề cập trước đó. Dưới một trật tự mới của Trung Quốc, Trung Quốc thậm chí sẽ có khả năng cao hơn trong việc chủ động theo đuổi lợi ích của mình và bỏ qua lợi ích của Nga. Nga thậm chí có thể sẽ nuối tiếc và nhớ tiếc các đối thủ cạnh tranh địa chính trị cũ của mình ở phương Tây.

Chiến lược tiềm năng

Nhưng các nhà phân tích về tương lai phải xem xét một loạt các tình huống có thể xảy ra trong tương lai. Nếu Trung Quốc và Nga thực sự thắt chặt quan hệ hơn, phương Tây sẽ có những lựa chọn nào? Bốn chiến lược để đối phó với Nga và chặn Trung Quốc tự động hiện hữu: một Kế hoạch Marshall mới, “tự củng cố” dưới Trung Quốc, thu hút sự hội nhập của Nga, hoặc đối đầu và cô lập (… mãi mãi).

Kế hoạch Marshall mới sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ phải cạnh tranh với OBOR bằng cách cung cấp cho các quốc gia đang phát triển, và những quốc gia mà Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát, khả năng tiếp cận các thị trường và những cơ hội khác. Điều này sẽ cần những khoản chi tiêu rất lớn cho cơ sở hạ tầng, đầu tư và các dự án phát triển khác. Đây sẽ là hoạt động xây dựng quốc gia cho những thị trường mới, tạo ra một sự lựa chọn để thế chỗ Trung Quốc và mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn hơn cho các quốc gia ở Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Các quốc gia có thể chuyên về các thị trường ngách của nền kinh tế toàn cầu (điều mà Nhật Bản đã thử ở khu vực Nam và Đông Á trong những năm 1990). Đó sẽ là một kế hoạch lớn, tốn kém với tất cả những nhược điểm đi kèm theo một dự án có quy mô ở tầm cỡ lớn như vậy. Kế hoạch này sẽ đòi hỏi một sự phối hợp và sự đồng tâm hiệp lực vô cùng lớn, mà Nga và Trung Quốc sẽ tranh thủ mọi cơ hội để cố gắng làm suy yếu. Tuy nhiên, đã có tiền lệ — Liên minh châu Âu, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu, công việc của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng thời của ông George C. Marshall, ông Franklin D. Roosevelt, công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước đã kết thúc chưa?

Lựa chọn thứ hai sẽ là tự củng cố sức mạnh dưới Trung Quốc, một hiện tượng mà người Trung Quốc đã vô cùng quen thuộc. Sau triều đại của những hoàng đế không được lòng dân nhưng rất hùng mạnh, hoặc thậm chí các quan chức thối nát ở cấp thấp hơn, những trang tuấn kiệt sẽ chỉ đơn giản là chờ thời và thu gom những nguồn lực họ có thể trong khi tránh những cạm bẫy của chế độ. Cách tiếp cận này có thể là phương Tây cho phép Trung Quốc giữ thế đi đầu trong OBOR, tìm ra những điểm của dự án này mà có thể tận dụng cho mình và thu lợi trong khả năng khi mọi chuyện còn tiến triển tốt. Các quốc gia phát triển có thể hội nhập vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, cung cấp cơ hội đầu tư của Trung Quốc và mở đường cho Trung Quốc (ví dụ: thông qua tình trạng kinh tế thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới). Điều này cũng sẽ gồm sự chấp nhận đối với các giới hạn do Trung Quốc đặt ra về phát biểu và các can thiệp chính trị mà các quốc gia có thể tham gia vào — ví dụ như, chỉ trích các hành vi sai phạm về nhân quyền của Trung Quốc hoặc bảo vệ vị thế của Đài Loan. Thật vậy, Facebook, Google, Disney và các công ty khác đã thể hiện rằng họ sẵn sàng tham gia vào hình thức tự củng cố sức mạnh này (với một số trục trặc) và có thể sẵn sàng làm nhiều hơn nữa. Vụ tranh cãi của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 cho thấy cách tiếp cận này sẽ dẫn đến những gì — cơ hội kiếm được hàng tỷ đô la Mỹ tại thị trường Trung Quốc nhưng không được phép đăng tải những dòng tweet tiêu cực về hành động của Trung Quốc tại Hồng Kông. Nhưng chúng ta có sẵn sàng trả cái giá này không?

Lựa chọn thứ ba sẽ là quyết liệt nhất — tránh mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc bằng cách lôi kéo Nga tái hội nhập vào châu Âu và cộng đồng toàn cầu. Với chủ nghĩa phiêu lưu và sai phạm gần đây của Nga, cách này có thể khó chấp nhận. Nhưng việc đó sẽ cô lập Trung Quốc như là nước lớn duy nhất đi ngược lại trật tự quốc tế sau Thế chiến thứ hai. Việc cho phép Nga trở lại với các định chế lớn sẽ cho phép phương Tây tận dụng ảnh hưởng của mình ở Trung Á và Trung Đông để ngăn cản Trung Quốc đạt được các mục tiêu chính của OBOR. Cách làm này sẽ đòi hỏi việc đàm phán để chấm dứt thái độ đối đầu và địa vị kẻ ngoài cuộc của Nga (gần như chắc chắn sẽ bất lợi cho Ukraina), và để Nga đạt được sự hội nhập vào châu Âu mà nước này đã hy vọng trước năm 2008. Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ phải chấp nhận một phạm vi ảnh hưởng của Nga, cũng như cách Nga tiến hành kinh doanh trong nước và có thể ở phần còn lại của châu Âu (một cách thức thường dựa vào chính trị dầu mỏ và các mức độ khác nhau của sự lũng đoạn hoặc tính hợp pháp vùng xám). Điều này sẽ khuyến khích Nga và các nước phụ thuộc làm việc với phương Tây, đồng thời cô lập Trung Quốc, gần như giống hệt việc Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon mở cửa với Trung Quốc vào năm 1972. Nhưng liệu các quốc gia phương Tây có thể sống mãi với nước Nga như bây giờ không? Và họ có thể hạ thấp giá trị của các đồng minh quan trọng để đạt được điều đó không?

Lựa chọn cuối cùng sẽ là các quốc gia phương Tây tiếp tục cách tiếp cận hiện tại, bây giờ và mãi mãi về sau. Điều này sẽ tiếp tục chiến lược trục lợi từ Trung Quốc và Nga khi có thể, cùng lúc đó giảm sự phụ thuộc — và đối đầu mạnh mẽ với hai nước này về các vấn đề không thể thương lượng. Cách này sẽ ép Trung Quốc và Nga phải lèo lái theo trật tự đã được dàn xếp sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời thừa nhận rằng điều này dễ là sẽ có mức thành công hạn chế. Phương thức này sẽ tiếp tục biến các vấn đề kinh tế (OBOR) thành các vấn đề an ninh (một hệ thống song song, và do đó là một nền tảng cho sức mạnh của Trung Quốc). Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ phải tiến đáng kể vào chiến tranh vùng xám và chiến tranh hỗn hợp để chống lại các hoạt động dưới ngưỡng của Nga và Trung Quốc. Cách này sẽ bao gồm việc tạo ra các hệ thống kinh tế và chính trị song song, đồng thời thúc đẩy các quốc gia giữa hai khối phải lựa chọn theo phe nào. Cuối cùng, biện pháp này sẽ dự tính đến việc hoàn toàn tách rời về mặt kinh tế và rút đầu tư khỏi Trung Quốc và Nga, có khả năng dẫn đến sự bất ổn của Trung Quốc và sự sụp đổ của Nga. Nhưng câu hỏi vẫn là, tình trạng đáng mong muốn cuối cùng của chiến lược này là gì?

Quan hê ̣tương lai

Không có lý do rõ ràng nào để tin rằng một mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc sẽ có khả năng xảy ra cao hơn là mối quan hệ hiện tại của họ mà dựa trên sự vụ lợi và đôi khi là liên minh chiến lược. Tuy nhiên, việc suy ngẫm, và cố gắng hình thành các phản ứng cho một loạt những tình huống có thể xảy ra trong tương lai là một hoạt động hữu ích. Việc đó cho phép các quốc gia phương Tây mở rộng tư duy của họ và phạm vi của những điều khả thi về mặt chiến lược. Một vài điều đã rõ ràng: Các quốc gia phương Tây phải suy nghĩ cẩn thận về tương lai mà họ muốn, cân nhắc đến phạm vi của các kịch bản và cách họ có thể phản ứng với chúng để đạt được điều đó và đặc biệt lưu tâm đến các dấu hiệu thể hiện chiều hướng mà các sự kiện đang biến chuyển.

Andrei Danilovich Komiaga có thể không có được sự trừng phạt mình mong muốn cho các quý ông tự mãn của Nice, nhưng đạt được một tương lai tốt đẹp hơn so với những viễn cảm u ám mà Sorokin hình dung sẽ đòi hỏi rất nhiều hoạch định, suy nghĩ xa, phân tích về tương lai và chiến lược thông minh từ các quốc gia phương Tây và từ các nhà lãnh đạo trong tương lai của họ.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button