Các bài nổi bật

Mỹ-Trung MÂU THUẪN KINH TẾ

Hệ quả đối với An ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tiến sĩ Shale Horowitz/Đại học Wisconsin-Milwaukee

Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung dường như đã đến một bước ngoặt. Khi sự phát triển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình làm gia tăng những thách thức về kinh tế và an ninh, thì những phản ứng nào về chính sách là thực tế và hiệu quả nhất? Một cách tiếp cận là sử dụng đàm phán kinh tế và tương tác ngoại giao để thuyết phục chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục đi theo con đường dẫn đến một nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây, đồng thời cùng tồn tại trong tình hình địa chính trị như nguyên trạng. Dưới đây là lập luận cho rằng lựa chọn này không còn tồn tại. Các chính sách về kinh tế và an ninh của Trung Quốc đã phát triển quá xa theo hướng làm rối tình trạng kinh tế và địa chính trị như hiện nay, và ông Tập kiên quyết cam kết hơn với sự gián đoạn đó so với những người tiền nhiệm của mình.

Chính sách về kinh tế và an ninh của ông Tập Cận Bình

Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông này đã kế thừa nền kinh tế thị trường phát triển nhanh, do nhà nước dẫn dắt, cùng với Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army, PLA) đang hiện đại hóa với một tốc độ chóng mặt. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc vào khoảng 10% kể từ năm 1979. Mức tăng trưởng này ngày càng phụ thuộc vào thị trường và vào một khu vực tư nhân năng động và sáng tạo. ĐCSTQ vẫn giữ vai trò nhà nước định hướng để bảo vệ sự kiểm soát và ổn định trong cả nền kinh tế lẫn chính trị.

Mặc dù nhiều người cho rằng ông Tập sẽ lại nhấn mạnh sự phát triển dựa trên thị trường, nhưng thay vào đó, ông này đã tăng gấp đôi mức kiểm soát của nhà nước. Ông này đã sử dụng sự điều tiết cùng với các khoản hỗ trợ tín dụng để ưu ái các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân lớn, có kết nối tốt, hơn là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ và các công ty nước ngoài.

Một phụ nữ mặc áo khoác đỏ đi ngang qua một trung tâm mua sắm mới được trang trí bằng thiết kế hình con mắt ở Bắc Kinh. The Associated Press

Ông Tập cũng đã tăng cường các nỗ lực của người tiền nhiệm của mình nhằm sử dụng nguồn lực dồi dào của nhà nước để cải thiện nền kinh tế của Trung Quốc. Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission) nêu bật “một kế hoạch có sự tham gia toàn diện từ các cơ quan chính phủ (whole-of-government plan) đầy tham vọng nhằm đạt được vị thế áp đảo trong công nghệ tiên tiến. ” Do đó, kế hoạch Sản xuất tại Trung Quốc (Made in China) 2025 cố gắng đạt được năng lực tự cung tự cấp trong hầu hết lĩnh vực trong các ngành công nghiệp công nghệ cao — từ phần cứng máy tính đến phần mềm trí tuệ nhân tạo, từ công nghệ sinh học đến thiết bị vận tải. Tiếp theo năng lực tự cung tự cấp sẽ là thâm nhập vào các thị trường nước ngoài.

Kế hoạch này có hai hệ quả quan trọng. Thứ nhất, ông Tập không có tầm nhìn rằng Trung Quốc sẽ bước vào sự phân chia lao động toàn cầu có phân cấp, liên tục biến chuyển trong các sản phẩm công nghệ cao, như sự phân chia tồn tại giữa Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông này định sẽ sử dụng trợ cấp và khả năng điều tiết để ngày càng dành riêng thị trường Trung Quốc cho các nhà cung cấp nội địa và sau đó tận dụng những lợi thế về giá cả nhằm gây áp đảo trên những thị trường nước ngoài. Thứ hai, các ngành công nghiệp công nghệ cao được nhắm làm mục tiêu có các ứng dụng quân sự sử dụng kép, mà có thể được sử dụng để tiến sát đến hoặc thậm chí đảo ngược lợi thế công nghệ mà quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh hiện có.

Bên ngoài, ông Tập đã tiếp tục công cuộc xây dựng quân đội của người tiền nhiệm, đồng thời áp dụng các luận điệu và chính sách hung hãn hơn. Như từ đầu thập niên 1990 đến nay, chi tiêu quốc phòng đã tăng ở mức hai chữ số, và PLA tiếp tục công cuộc hiện đại hóa về chất lượng rất ấn tượng của lực lượng này. Đồng thời, ông Tập đã dứt khoát từ bỏ chính sách đối ngoại của Đặng Tiểu Bình là “che giấu sức mạnh” và “không bao giờ là điểm sáng”. Giấc mơ Trung Quốc của ông Tập không chỉ về việc tăng mức sống mà còn là sự trở lại vị thế trung tâm truyền thống của Trung Quốc trên trường quốc tế. Luận điệu này đã được củng cố bởi những chính sách hiếu chiến hơn dọc theo toàn bộ ngoại vi phía đông và phía nam của Trung Quốc — từ Quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý đến Đài Loan và các tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn, cho đến khu vực biên giới Himalaya của Ấn Độ. Ngoài ra còn có Một vành đai, Một con đường, một nỗ lực được thực thi trên khắp thế giới nhằm sử dụng việc trợ cấp cho xây dựng cơ sở hạ tầng để mua tầm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự.

Những người biểu tình ra hiệu bằng năm ngón tay, biểu thị khẩu hiệu “năm yêu cầu – không thiếu cái nào”, trong một trung tâm mua sắm ở Hồng Kông vào ngày 1 tháng 6 năm 2020. The Associated Press

Các chính sách này được thiết kế để giành được tác động tối đa trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một lần nữa, thay vì tham gia vào cách thức phân chia lao động kinh tế hiện có và cùng tồn tại trong cấu trúc an ninh hiện có, ông Tập tìm cách đưa vào một trật tự mới trong đó Trung Quốc chiếm thế thượng phong. Cũng giống như các ngành công nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ bị tách rời khỏi những thị trường trong khu vực của họ, những nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình trong khu vực sẽ bị ngăn cản trong việc tiến lên trên chuỗi giá trị gia tăng trong thời gian nền kinh tế của họ dần vững mạnh. Nếu tầm nhìn của ông Tập trở thành hiện thực, sẽ có một chuỗi cung ứng hợp nhất trong khu vực, trong đó Trung Quốc đứng trên cùng và các nền kinh tế khác trong khu vực ở dưới cùng. Tương tự như vậy, một khi quân đội Hoa Kỳ đã mất đi lợi thế cạnh tranh về chất lượng của mình, một hỗn hợp các biện pháp vừa đấm vừa xoa về mặt kinh tế và quân sự có thể được sử dụng để ngăn chặn sự phối hợp trong khu vực và để giành được những nhượng bộ đáng kể và sự tuân phục về mặt ngoại giao, nếu ông Tập được làm theo ý mình.

Nguyên trạng không bền vững

Khi công cuộc cải cách thị trường của ông Đặng bắt đầu có hiệu lực, có vẻ như nền kinh tế Trung Quốc hướng về phía một nền kinh tế thị trường kiểu phương Tây. Tuy nhà nước đóng vai trò định hướng — sử dụng sự phân biệt đối xử về tài chính và điều tiết cũng như đánh cắp công nghệ để thiên vị những công ty lớn có kết nối rộng, và trong quá trình đó dồn lại thặng dư thương mại lớn nhưng là giả — Hoa Kỳ và các đồng minh còn có thể chờ thời cơ. Trung Quốc chuyên về sản xuất hàng hóa gia công cần nhiều sức lao động — các ngành này đã giảm mạnh ở Hoa Kỳ và các nước tiên tiến khác. Đồng thời, nếu Trung Quốc tiếp tục đi trên con đường hướng tới một nền kinh tế thị trường bình thường, thị trường nội địa khổng lồ của nước này hứa hẹn những cơ hội không thể cưỡng lại cho các ngành công nghệ cao, thâm dụng vốn của phương Tây.

Các lá cờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bên trái, Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở giữa và cờ Hoa Kỳ được trưng bày trong một gian hàng bán cờ tại Chợ bán buôn Nghĩa Ô (Yiwu) ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. REUTERS

Chính sách kiên nhẫn và tương tác như hiện nay đã bị những thay đổi cơ bản về địa chính trị và kinh tế làm suy yếu dần. Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đã loại bỏ kẻ thù chung lớn hơn vốn là cơ sở cho quan hệ hợp tác an ninh Trung-Mỹ kể từ những năm 1970. Sau khi đối mặt với một trải nghiệm cận tử tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, một ĐCSTQ bị sốc đã chuyển sang chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc (được gọi là giáo dục lòng yêu nước) để làm hồi sinh tính chính danh của đảng này và bắt đầu đổ nguồn lực khổng lồ vào công cuộc hiện đại hóa PLA. Trong khi đó, sự tăng trưởng nhanh chóng liên tục và quá trình hiện đại hóa công nghệ của Trung Quốc ngày càng tạo ra nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều vốn nước ngoài. Sự o bế của nhà nước Trung Quốc có xu hướng giữ riêng thị trường nội địa cho các công ty nhà nước, trong khi các khoản trợ cấp từ chính phủ hỗ trợ cho các công ty này trong việc xâm chiếm thị trường nước ngoài. Gần đây, ông Tập đã đẩy mạnh các chính sách an ninh và kinh tế hung hăng này thông qua các hành động gây hấn bao gồm cả việc sử dụng lực lượng quân sự.

Trong thập kỷ qua, những thay đổi này đã phá vỡ sự đồng thuận về chính sách cũ đối với Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Rất ít nhà lãnh đạo chính trị và những nhà hoạch định chính sách cấp cao nghiêm túc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có phải là một mối đe dọa quân sự hay không. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn, công nghệ cao cảm thấy bị cấm cửa hoặc bị gạt ra bên lề ở thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc của họ sử dụng những khoản trợ cấp và công nghệ ăn cắp để giành được lợi thế không công bằng ở nước ngoài. Những nhận thức này đã giành được sự đồng thuận lớn hơn từ các phe đối lập và là chủ đề bàn tán trong dư luận. Tuy rằng chiến lược an ninh quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và việc ông này sử dụng thuế quan để đổi lấy sự tuân thủ tốt hơn với các tiêu chuẩn thương mại công bằng và cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình, chúng là hệ quả nhiều hơn là nguyên nhân. Những tình trạng thay đổi đã dẫn đến một sự chuyển biến tất yếu trong chính sách như vậy, và các tổng thống sau này khó có khả năng đi chệch đáng kể ra khỏi lộ trình mới. 

Tương lai chứa đựng điều gì?

Các đặc điểm chính trị về mặt cấu trúc và khuynh hướng cá nhân làm cho ông Tập khó có khả năng sẽ thay đổi lộ trình của Trung Quốc. Để duy trì quyền lực, ĐCSTQ phải thực hiện kiểm soát trực tiếp đối với các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như viễn thông, truyền thông xã hội, dịch vụ internet và các đầu vào phần cứng và phần mềm liên quan. Để đảm bảo ổn định kinh tế — cũng được xem là cần thiết để tránh bất ổn chính trị — ĐCSTQ cũng phải kiểm soát các ngân hàng lớn nhất và các công ty dịch vụ tài chính khác. Ngoài các ngành công nghiệp phòng thủ, một loạt các công nghệ sử dụng kép thu hút sự hỗ trợ của nhà nước vì lý do an ninh quốc gia.

Về cơ bản, ĐCSTQ hỗ trợ phát triển thị trường, không phải bằng cách sử dụng tinh thần thượng tôn pháp luật theo phong cách phương Tây nhằm đảm bảo sự bảo vệ và các quyền bình đẳng cho tất cả các tác nhân kinh tế, nhưng mà bằng một loạt các mối quan hệ đối tác địa phương phức tạp giữa những nhân vật chức cao vọng trọng của đảng và các doanh nghiệp lớn. Do đó, ĐCSTQ không thể ngừng việc cung cấp sự ưu ái đặc biệt cho các công ty có mối quan hệ mà không thay đổi toàn bộ cách tiếp cận điều tiết của mình theo một cách có thể đe dọa khả năng kiểm soát về mặt chính trị cũng như các lợi ích kinh tế thâm căn cố đế.

Khuynh hướng riêng của ông Tập là giải quyết mọi vấn đề bằng cách tăng cường sự kiểm soát của ĐCSTQ. Điều này không những dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng công khai mà cả sự thôi thúc với quyết tâm cao hơn để đạt được khả năng tự cung tự cấp. Nhu cầu về khả năng tự cung tự cấp đó càng cấp thiết hơn do mong muốn của ông Tập trong việc bồi đắp cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng kép, cần thiết để xây dựng PLA thành một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với quân đội Hoa Kỳ.

Do đó, việc thương lượng giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ không dẫn đến một tương lai có sự cạnh tranh và nền thương mại tự do và cởi mở. Ông Tập sẽ tiếp tục cố gắng tạo ra một chuỗi cung ứng thế giới hợp nhất ở Trung Quốc, mà liên tục sáp nhập thêm những lĩnh vực công nghệ cao dùng nhiều vốn. Hoa Kỳ và các đồng minh của mình chỉ có thể đáp lại bằng cách bảo vệ các thành phần quan trọng của thị trường nội địa của họ trước sự cạnh tranh của Trung Quốc, qua đó duy trì một chuỗi cung ứng thứ hai, phần lớn là độc lập. Cần tuân theo những nguyên tắc quan trọng nào để phản ứng này được hiệu quả nhất?

Đầu tiên, Hoa Kỳ và các đồng minh cùng đối tác của mình phải sử dụng thuế quan cũng như các khoản trợ cấp cho công tác nghiên cứu và phát triển để duy trì sự độc lập trong công nghệ và, nếu có thể, vị thế đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao sử dụng kép quan trọng, chẳng hạn như trí thông minh nhân tạo, điện toán hiệu suất cao và đám mây, điện tử hàng không và kỹ thuật robot. Điều tương tự cũng đúng với các lĩnh vực chiến lược quân sự cần nhiều vốn, chẳng hạn như viễn thông, điện toán và dược phẩm. Cơ sở hạ tầng quan trọng — chẳng hạn như mạng viễn thông, ngân hàng điện tử, mạng thanh toán và lưới điện — phải được bảo vệ với các hạn chế theo phong cách Huawei. Chúng ta muốn có sự cạnh tranh liên tục của Trung Quốc trên nhiều thị trường cao cấp, nhưng việc đó nên dựa trên điều kiện như cơ hội tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc và sự trả đũa cho các khoản trợ cấp và trộm cắp công nghệ của Trung Quốc.

Thứ hai, các biện pháp như vậy sẽ có hiệu quả hơn nhiều nếu chúng được đàm phán và thực hiện đa phương. Các chuỗi cung ứng song song sẽ kém hiệu quả và kém mạch lạc hơn nếu được xây dựng ở các quốc gia hoặc các khu vực. Chúng sẽ mạnh nhất nếu được xây dựng dựa trên một sự phân chia lao động rộng khắp, cởi mở và cạnh tranh, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, cùng với các đồng minh và đối tác khác, đặc biệt là từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bảo vệ các chuỗi cung ứng độc lập sẽ cho phép các đồng minh và đối tác tiếp cận các thị trường lớn mà không phụ thuộc vào sự kiểm soát của Trung Quốc. Từ đó, điều này sẽ tối đa hóa năng lực sản xuất và lợi thế trong việc thương lượng của các đồng minh và đối tác khi họ tiếp tục tìm cách để tiếp cận tối đa vào thị trường Trung Quốc. Phương án thay thế là một chuỗi cung ứng hợp nhất hơn, trong đó Trung Quốc áp đảo và mỗi quốc gia tự mình thương lượng riêng từ một vị trí có năng lực thấp hơn và sự phụ thuộc lớn hơn.

Thứ ba, các nỗ lực chung về chính sách kinh tế như vậy bị ràng buộc bởi một mối đe dọa địa chính trị chung, tốt nhất là được giải quyết từ góc độ tập thể. Sự phụ thuộc kinh tế vào thị trường, công nghệ và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sẽ đe dọa các năng lực quân sự cũng như đường lối ngoại giao và chiến lược độc lập. Một ví dụ tốt cho thấy những mối nguy hiểm này là qua phản ứng của Trung Quốc đối với việc Hàn Quốc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn Cuối (Terminal High Altitude Area Defense). Trung Quốc đã bảo vệ và hỗ trợ cho năng lực vũ khí hạt nhân ngày càng lớn mạnh của Triều Tiên và sau đó trả đũa phản ứng phòng thủ của Hàn Quốc bằng cách ngăn chặn du lịch và áp dụng biện pháp trừng phạt thông qua việc tẩy chay không chính thức các sản phẩm của Hàn Quốc. Tuy rằng Hàn Quốc sẽ luôn muốn duy trì khả năng tiếp cận tối đa với thị trường của Trung Quốc, việc đảm bảo một chuỗi cung ứng song song không bị kiểm soát bởi Trung Quốc không chỉ để bảo vệ năng lực cạnh tranh hiệu quả của Hàn Quốc ở bên ngoài Trung Quốc mà còn nhằm bảo vệ sự tự do của Hàn Quốc trong việc lựa chọn các chiến lược quốc phòng hiệu quả nhất. Theo một bài xã luận trên tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, “sự trả đũa của Trung Quốc đang làm suy yếu chủ quyền của Hàn Quốc và không thể có mối đe dọa nào lớn hơn đối với bất kỳ quốc gia nào”. Gần đây hơn, Trung Quốc đã phản ứng với sự hỗ trợ của Úc cho một cuộc điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của vi-rút COVID-19 bằng cách hạn chế nhập khẩu lúa mạch, thịt bò Úc và đe dọa các hạn chế rộng hơn cũng như một cuộc tẩy chay từ phía người tiêu dùng. Sự đánh đổi cũng tương tự đối với Ấn Độ, các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan. Trung Quốc đã nhiều lần lợi dụng lợi thế về kinh tế để gây sức ép lên các nước khác nhằm làm lung lay sự độc lập về mặt ngoại giao và an ninh quân sự của họ. Các quốc gia phối hợp cùng nhau về mặt kinh tế sẽ bảo tồn được sức mạnh và sự độc lập cần thiết để cùng nhau hành động nhằm bảo vệ an ninh của mình.

Hợp tác kinh tế và an ninh rộng khắp giữa Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của mình, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là phản ứng thực tế duy nhất đối với các thách thức kinh tế và các mối đe dọa địa chính trị mà Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đặt ra. Về kinh tế, việc bảo vệ một chuỗi cung ứng rộng khắp, cởi mở và cạnh tranh mà phần lớn là độc lập với Trung Quốc sẽ giữ được quyền tự chủ và sức mạnh về kinh tế. Điều này bảo vệ tốt nhất các năng lực quân sự và sự linh hoạt trong chiến lược và ngoại giao, tối ưu hóa năng lực của các liên minh trong khu vực để ngăn chặn các mối đe dọa quân sự. Sự độc lập kinh tế và an ninh quân sự như thế là cần thiết để bảo vệ quyền tự do hành động của các chính phủ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong việc xác định và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình như họ thấy phù hợp.  

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button