Câu chuyện Nổi bật

ĐCSTQ cố gắng kiềm chế ác cảm với chính phủ thông qua chương trình giảng dạy ‘tư tưởng Tập Cận Bình’

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo một lệnh mới, học sinh trên khắp Trung Quốc đại lục, bao gồm cả những học sinh ở khu vực tự trị Hồng Kông, sẽ bắt đầu học tập chuyên sâu về tư tưởng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, được gọi một cách chính thức là “Tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm của Trung Quốc trong một thời đại mới”.

Tư tưởng của ông Tập đã được đưa vào vị trí trang trọng trong hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2018, và truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã bắt đầu nhắc đến triết lý chính trị của ông Tập bằng những từ đơn giản như “Tư tưởng Tập Cận Bình” hoặc “tư tưởng Tập”, tương tự như cựu tổng bí thư ĐCSTQ Mao Trạch Đông. Tư tưởng Mao Trạch Đông đã được đưa vào hiến pháp Trung Quốc và được truyền bá tích cực bởi quân đội, các cơ quan tuyên truyền và thanh thiếu niên Hồng vệ binh trong cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1976. Các nhà phân tích cho rằng tư tưởng Tập mới này chỉ là nỗ lực mới nhất trong việc kìm kẹp các cuộc biểu tình chống chính phủ, ủng hộ dân chủ như những cuộc biểu tình đã diễn ra ở Hồng Kông trong phần lớn năm 2019.

Các hướng dẫn do Ủy ban Trung ương ĐCSTQ ban hành kêu gọi tăng cường giáo dục tư tưởng cho những người trong Đội Thiếu niên Tiên phong Trung Quốc (Chinese Young Pioneers, CYP), một tổ chức thiếu niên trên toàn quốc thuộc đảng cầm quyền. Theo tờ China Daily, ông Tập đã phát biểu: “Tổ chức trên toàn quốc này hoạt động như một trường học lớn, nơi các thành viên của tổ chức phát triển nhân cách và tất cả các loại kỹ năng, cũng như tình yêu của các em dành cho đảng, quê hương và dân tộc”.

Được thành lập vào năm 1949, hàng ngũ của Đội Thiếu niên gồm hầu hết trẻ em Trung Quốc từ 6 đến 14 tuổi. Tổ chức này dạy trẻ em tuân theo và phục tùng đảng. Theo báo Bloomberg đưa tin vào đầu tháng 2 năm 2021, trẻ em ở bậc tiểu học và hai năm đầu của bậc trung học cơ sở mỗi tuần sẽ có một tiết học dành riêng cho việc thực hiện các hoạt động của Đội Thiếu niên dựa trên tư tưởng của ông Tập.

Chỉ thị này được đưa ra khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hồng Kông Kevin Yeung công bố một biện pháp mới để buộc các trường phải chịu trách nhiệm về việc không báo cáo các vi phạm trong khuôn viên nhà trường đối với một luật an ninh quốc gia gây tranh cãi. Theo BBC đưa tin, thông báo của Hồng Kông giải thích rằng giáo viên và học sinh cần báo cáo cho cảnh sát nếu họ thấy những hoạt động như hô khẩu hiệu chống đảng hoặc nhiều người nắm tay nhau tạo thành một chuỗi. Một số học sinh đã làm việc này trong những cuộc phản đối vào năm 2019.

Nhà hoạt động nhân quyền Huang Xiaomin nói với Radio Free Asia (RFA) rằng trong những năm gần đây, Đội thiếu niên đã đóng vai trò như một câu lạc bộ thiếu niên nhiều hơn là một tổ chức chính trị.

“Có cảm giác rằng lòng trung thành của thành viên Đội thiếu niên đã trở nên lung lay [với tư cách là một tổ chức chính trị] và không thể tin tưởng được để giao phó những công việc quan trọng,” ông Huang nói với RFA. “Đột nhiên họ bừng tỉnh và nhận ra một thực tế rằng họ không thể bỏ lỡ cơ hội” để tham gia vào công tác giáo dục chính trị cho thế hệ trẻ của đất nước.

Theo chỉ đạo của ĐCSTQ, những Đội viên sẽ dạy cho trẻ nhỏ hơn về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, còn những trẻ lớn hơn sẽ được nghe giảng về tầm quan trọng của các tổ chức như Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, theo CNN đưa tin. (Ảnh: Đội viên Đội Thiếu niên Tiên phong Trung Quốc tham gia lễ kéo cờ tại Quảng trường Thiên An Môn để kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 2020, tại Bắc Kinh.)

Một cố vấn hàng đầu của Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam nói với CNN vào giai đoạn đỉnh điểm của những cuộc biểu tình vào năm 2019 rằng các nhân vật ủng hộ chính phủ đổ lỗi cho chương trình và giáo viên của nền giáo dục khai phóng vì đã “cực đoan hóa” thanh niên Trung Quốc đại lục và khiến họ quay lưng lại với ĐCSTQ.

“Vấn đề cơ bản là bạn có cả một thế hệ những người trẻ không chỉ nhất quyết quay lưng lại, mà còn thực sự thù ghét Trung Quốc,” người trợ lý này nói với CNN với yêu cầu được ẩn danh. “Bạn sẽ làm thế nào để mô hình ‘một quốc gia, hai hệ thống’ hoạt động được nếu bạn có cả một thế hệ ghét quốc gia đó?”

Tuy nhiên, một số người dân và nhà phân tích của Trung Quốc đại lục gọi các biện pháp nhồi sọ này là một nỗ lực nhằm kìm kẹp sự bất đồng và những cuộc biểu tình ngày càng nhiều để phản đối những hành động của ĐCSTQ và nói rằng thay vào đó, đảng này nên tập trung vào các vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như đại dịch vi-rút corona.

Một người dân ở thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây nằm về phía bắc Trung Quốc, người chỉ tiết lộ họ của mình là Vương, nói với RFA: “Thật ngớ ngẩn khi thảo luận về vấn đề hệ tư tưởng khi 1,4 tỷ người ở đất nước này đang phải đối mặt với tất cả những vấn đề tương tự như phần còn lại của thế giới ngay trong thời điểm này”. “Nếu tôi có một đứa con đi học ở trường, tôi sẽ không bao giờ để con mình gia nhập Đội Thiếu niên.”

 

HÌNH ẢNH: GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button