Câu chuyện Nổi bật

Úc và Indonesia hợp tác để bảo vệ chủ quyền trên biển

Tom Abke

Úc và Indonesia đã tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ trên biển vào tháng 12 năm 2020 với những mục tiêu xoay quanh việc duy trì sự ổn định trong khu vực, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ và tăng cường quan hệ giữa các đối tác phòng thủ.

Cuộc diễn tập tuần tra phối hợp AUSINDO CORPAT và một cuộc tập trận hải quân gồm các tàu chiến từ cả hai quốc gia thể hiện một xu hướng trong việc gia tăng tương tác song phương trong bối cảnh các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ gần chuỗi đảo Natuna của Indonesia.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds phát biểu trong một tuyên bố: Cuộc diễn tập AUSINDO CORPAT lần thứ 10 đã được tiến hành vào ngày 2-3 tháng 12 năm 2020, tại vùng biển giữa Úc và Indonesia để tăng cường an ninh dọc theo đường biên giới trên biển của hai quốc gia.

Đội tuần tra có ba tàu — tàu HMAS Wollongong của Hải quân Hoàng gia Úc, tàu KRI Lemadang và tàu KRI Pandrong của Hải quân Indonesia. “Đội tuần tra nhắm đến tất cả các mối đe dọa về an ninh hàng hải, bao gồm đánh bắt cá bất hợp pháp, nhưng tập trung vào cải thiện việc thu thập và chia sẻ thông tin giữa hai quốc gia chúng tôi,” bà Reynolds nói.

Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, các tàu của Indonesia đã tuần tra vùng biển Timor và Arafura thuộc chủ quyền của họ , trong khi tàu của Úc tuần tra vùng biển của nước này dọc theo biển Timor.

Tàu HMAS Ballarat, một tàu khu trục nhỏ của Úc và tàu hộ tống nhỏ KRI Bung Tomo của Indonesia đã tham gia vào một bài tập phối hợp, trong ảnh, ở vùng biển phía tây của Quần đảo Anambas, cách Singapore khoảng 280 km về phía đông bắc, vào ngày 8 tháng 12 năm 2020. Cả hai tàu đều được trang bị cho tác chiến phòng không, tác chiến chống hạm nổi và tác chiến chống tàu ngầm.

Cuộc tập trận chung bắt đầu bằng một bài tập hai tàu gặp nhau (rendezvous drill) và tiếp tục với các bài tập trao đổi thông tin liên lạc sử dụng các tín hiệu cờ. Sau các bài tập đó là một quy trình lèo lái để chuyển giao kho vận giữa các tàu trên biển.

“Hoạt động tập luyện này là một biểu hiện của vai trò của Hải quân Indonesia trong ngoại giao quân sự. Một trong số những vai trò đó được thực hiện bằng cách tổ chức các cuộc tập trận chung với các quốc gia có mối quan hệ ái hữu”, Chuẩn Đô đốc Indonesia Abdul Rasyid Kacong đã phát biểu trong một tuyên bố. “Việc thực hiện loại bài tập phối hợp kiểu này dự kiến ​sẽ tăng cường quan hệ quốc tế đồng thời duy trì và củng cố quan hệ giao hảo giữa Indonesia và Úc, đặc biệt là các lực lượng hải quân của chúng tôi.”

Việc có thêm nhiều cuộc tập trận chung khác và các hoạt động “chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, trao đổi thông tin và chia sẻ tin tức tình báo” có quy mô lớn hơn giữa Úc và Indonesia có lẽ là kết quả của Kế hoạch Cập nhật Chiến lược Quốc phòng và Cơ cấu Lực lượng năm 2020 của Canberra, bà Greta Nabbs-Keller, một nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách cho Tương lai của Đại học Queensland, đã viết trong một bài luận gửi cho Viện Lowy của Úc đăng vào tháng 7 năm 2020.

“Phạm vi chiến lược ngày càng mở rộng của Bắc Kinh ở Biển Đông và Ấn Độ Dương” giúp giải thích tại sao bản cập nhật quốc phòng của Úc ghi nhận mối đe dọa đến từ “các chiến thuật bán quân sự theo lối cưỡng ép ở Biển Đông”, bà viết. Những chiến thuật này bao gồm việc các đội tàu đánh cá do lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc chỉ huy xâm nhập vào vùng lãnh hải của Indonesia xung quanh chuỗi đảo Natuna trong tháng 1 năm 2020.

Việc tăng cường hợp tác với Úc và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Indonesia trong việc bảo vệ vùng lãnh hải của mình, bà kết luận, “có khả năng sẽ bù đắp cho môi trường ngân sách hạn hẹp của Jakarta.”

Tom Abke là một cộng tác viênDIỄN ĐÀNđưa tin từ Singapore.

 

Hình ảnh của: HẢI QUÂN INDONESIA

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button