Câu chuyện Nổi bật

Nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc để trả tự do cho tàu, thủy thủ đoàn bị Iran bắt giữ

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo báo chí đưa tin, Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Hàn Quốc và thủy thủ đoàn của tàu này vào ngày 4 tháng 1 năm 2021, trong thời gian xảy ra tranh chấp leo thang giữa hai quốc gia về số tiền 7 tỷ đô la Mỹ bị giữ lại kể từ năm 2019 do các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế giao dịch ngân hàng với chế độ Iran.

Iran dường như đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình đối với Seoul trước chuyến đi đã được sắp xếp của các quan chức Hàn Quốc đến khu vực này, bao gồm chuyến thăm đến Qatar, theo The Associated Press (AP) đưa tin.

Ngày mà Iran bắt giữ con tàu thì nước này cũng đã bắt đầu làm giàu uranium đến 20%, một mức độ chỉ xuất hiện trước khi Iran có thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới, AP cho biết. Động thái này khiến Tehran chỉ cách việc sản xuất uranium ở cấp độ vũ khí một quy trình kỹ thuật duy nhất.

Theo tờ The Korea Times đưa tin, một tuần sau vụ bắt giữ, những nỗ lực của các quan chức Hàn Quốc trong việc đàm phán nhằm trả tự do cho thủy thủ đoàn và tàu chở dầu vẫn “mờ mịt” vì Iran khăng khăng rằng việc con tàu bị cáo buộc gây ô nhiễm dầu đòi hỏi một giải pháp về mặt tư pháp, làm giảm đi hy vọng của Seoul về một giải pháp ngoại giao.

Thủy thủ đoàn của tàu Hankuk Chemi nặng 9.797 tấn, trong hình, bao gồm 20 thủy thủ từ Miến Điện, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam. Những người này vẫn đang bị giam giữ tại thành phố cảng Bandar Abbas gần eo biển Hormuz, một địa điểm đóng vai trò quan trọng, nơi con tàu bị bắt giữ. Năm người trong số các thủy thủ là người Hàn Quốc.

Các nhà ngoại giao Hàn Quốc, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Choi Jong-kun, đã nỗ lực để giải cứu các thủy thủ. Theo tờ The Korea Times đưa tin, kể từ khi đến Iran vào ngày 10 tháng 1, ông Choi đã họp với các quan chức cấp cao của Iran, bao gồm người đồng cấp của ông là ông Abbas Araghchi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mohammad Javad Zarif và ông Kamal Kharrazi, giám đốc Hội đồng Chiến lược về Quan hệ Đối ngoại của Iran.

Theo hãng thông tấn ISNA, các nhà ngoại giao từ Miến Điện và Iran đã họp tại Delhi, Ấn Độ, để đàm phán về việc thả 11 thủy thủ người Miến Điện.

Hoa Kỳ cũng yêu cầu trả tự do cho con tàu ngay lập tức.

“Chế độ [Iran] tiếp tục đe dọa các quyền và tự do hàng hải ở Vịnh Ba Tư như một phần trong một nỗ lực trắng trợn nhằm ép buộc cộng đồng quốc tế giảm áp lực của các biện pháp trừng phạt,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Một phát ngôn viên của chính phủ Iran cho biết vụ bắt giữ này là theo lệnh của tòa án Iran về “ô nhiễm môi trường.”

Đơn vị vận hành của con tàu, Taikun Shipping Co., một công ty có trụ sở tại Busan, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy các quan chức Iran đang điều tra các hành vi có thể là vi phạm đối với môi trường trước khi bắt giữ con tàu.

Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam, Hàn Quốc đã yêu cầu Iran cung cấp bằng chứng cho tuyên bố về việc con tàu đã vi phạm các quy định về môi trường.

Theo báo The Wall Street Journal đưa tin, các quan chức đã không phát hiện ra vi phạm nào về môi trường ngoài một vài vấn đề không đáng kể về an toàn trong đợt kiểm tra gần đây nhất trong năm 2019 tại một cảng Trung Quốc. 

Theo tờ South China Morning Post, hãng truyền hình nhà nước của Iran đưa tin, ông Araghchi nói rằng Hàn Quốc “không nên chính trị hóa vấn đề này cũng như tuyên truyền vô ích, để các quy trình pháp lý có thể được tiến hành”.

Các quan chức chính phủ Iran đã nhiều lần phủ nhận hành động bắt giữ này có liên quan đến việc Seoul tạm giữ số tiền thu được từ doanh thu bán dầu của Iran, theo AP đưa tin. “Chúng tôi không phải là những kẻ bắt cóc con tin,” phát ngôn viên của chính phủ Iran, Ali Rabiee, phát biểu một ngày sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng bắt tàu chở dầu. Ông nói: “Nếu có ai là kẻ bắt cóc con tin, thì chính là chính phủ Hàn Quốc”. Họ đã giữ tài sản của Iran dưới “những cái cớ vô lý.”

Trước vụ bắt giữ, hai quốc gia đã nỗ lực nhằm thiết lập một cơ chế để Iran sử dụng khoảng 500.000 đô la Mỹ trong khoản tiền này để mua vắc-xin chống vi-rút corona cùng các sản phẩm y tế liên quan và đã được Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa ra chấp thuận đặc biệt cho việc sắp xếp này, theo tin từ tờ The Wall Street Journal

 

HÌNH ẢNH: REUTERS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button