Câu chuyện Nổi bật

Nhật Bản và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác để củng cố an ninh cho các quần đảo ở Thái Bình Dương

Joseph Hammond

Nhật Bản và Hoa Kỳ ngày càng hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng cường an ninh và sự ổn định cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Những quốc gia này đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh và tình hình địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.

Nhật Bản và Hoa Kỳ là các đối tác đối thoại đầy đủ của Diễn đàn các Quần đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Forum, PIF) gồm 18 quốc gia thành viên, là một tổ chức liên chính phủ trọng yếu với mục tiêu là tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Cả hai quốc gia này cũng cung cấp viện trợ cho khu vực.

PIF nhận được tài trợ trực tiếp từ Nhật Bản, theo đại sứ quán Nhật Bản tại Fiji. Kể từ năm 2018, Nhật Bản đã đóng góp 580 triệu đô la Mỹ dưới hình thức hỗ trợ phát triển cho khu vực. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập PIF vào tháng 8 năm 2019, Washington đã cam kết hỗ trợ mới 36,5 triệu đô la Mỹ, ngoài khoản đóng góp 350 triệu đô la Mỹ nước này cung cấp mỗi năm. (Ảnh: Những người tham dự tham gia một buổi giao lưu văn hóa trong Diễn đàn các Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 50 được tổ chức vào tháng 8 năm 2019 tại Funafuti, Tuvalu.)

Ông Gregory B. Poling, một nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á kiêm giám đốc của Sáng kiến về sự Minh bạch Hàng hải ở Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với DIỄN ĐÀN]: “Hai mối quan ngại lớn nhất của các đối tác đảo tại Thái Bình Dương, ở cả phía Bắc và phía Nam, là khả năng phục hồi trước các biến đổi của khí hậu và hoạt động đánh bắt thủy hải sản IUU [bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định].

Hoạt động đánh bắt cá IUU đe dọa đến an ninh lương thực và túi tiền của người dân ở các quần đảo Thái Bình Dương, ông Poling nói. Hải sản chiếm 30% khẩu phần ăn của người dân trên các quần đảo và kinh phí cho hoạt động đánh bắt cá lên đến một nửa ngân sách của mỗi chính phủ. Ví dụ, khoảng 45% ngân sách năm 2016 của Tuvalu đến từ hoạt động đánh bắt cá ngừ ở vùng biển quốc gia của nước này.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), nước đang vận hành đội tàu đánh cá tầm xa lớn nhất thế giới, được xem là thủ phạm hàng đầu của hoạt động đánh bắt cá IUU.

“Năm 2018, PIF đã đưa ra Tuyên bố Boe, mà lần đầu tiên nêu rõ các mối đe dọa an ninh khu vực là gì, và trong đó số 1 là khí hậu, số 2 là các mối đe dọa an ninh hàng hải,” ông Poling cho biết. “Trong trường hợp này, họ chủ yếu nói về hoạt động đánh bắt cá IUU.

“Khí hậu và đánh bắt cá IUU là hai vấn đề mà chúng tôi rõ ràng là có lợi thế tương đối, đặc biệt là đánh bắt cá IUU, lĩnh vực mà Hoa Kỳ và Nhật Bản là các đối tác lâu năm,” ông Poling cho biết. Ông trích dẫn các thỏa thuận “người đi tàu” song phương cho phép các sĩ quan của những lực lượng thực thi pháp luật của đảo Thái Bình Dương chống lại hoạt động bất hợp pháp trong các vùng đặc quyền kinh tế của nước họ trong khi đi trên tàu của Cảnh sát biển Hoa Kỳ và các nỗ lực ngoại giao của Tokyo nhằm đại diện cho các quyền lợi về đánh bắt cá của các đảo Thái Bình Dương trên trường quốc tế.

Khả năng phục hồi trước các biến đổi khí hậu là một lĩnh vực khác mà Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể hợp tác để củng cố những mối quan hệ và khả năng phục hồi trên khắp khu vực đảo Thái Bình Dương, ông nói.

Dự án Sẵn sàng ứng phó với Khí hậu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đang hỗ trợ các đảo Thái Bình Dương trong việc bảo vệ mạng sống và tài sản trước căng thẳng môi trường do biến đổi khí hậu gây ra. Cơ quan này báo cáo rằng chương trình đã phân bổ 24 triệu đô la Mỹ cho các mục tiêu này từ năm 2017 đến năm 2022.

“Đây là những sự tham gia rất dễ thấy trong khu vực này,” ông Poling cho biết. “Vì vậy, đầu tư vào giảm thiểu và thích ứng với thảm họa khí hậu là một vấn đề lớn.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Tokyo và Washington cũng đang hợp tác với nhau để tăng cường cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối của các quần đảo Thái Bình Dương. Cả hai nước đều đóng góp vào các nỗ lực để cung cấp điện cho Papua New Guinea, và cùng với Úc, xây dựng một cáp quang dưới biển trị giá 30 triệu đô la Mỹ cho Palau.

Joseph Hammond là một cộng tác viên của DIỄN ĐÀN đưa tin từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button