Câu chuyện Nổi bật

Môi trường ‘ảm đạm’ của Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại khi lượng khí thải CO2 tăng vọt

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Các nền kinh tế trên toàn thế giới đang khởi động lại sau giai đoạn đóng cửa (lockdown). Việc này đã làm giảm bớt đi phần nào sự căng thẳng trong khung cảnh thê thảm do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), các nhà phân tích môi trường cho biết, một đám mây độc hại treo lơ lửng trên sự trở lại của hoạt động sản xuất công nghiệp.

Khí thải carbon dioxide (CO2) “đã tăng vọt trở lại” khi các nhà máy điện chạy bằng than, các nhà máy xi măng và các ngành công nghiệp nặng khác của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại vào giữa năm 2020, khiến ô nhiễm không khí trở lại mức như trước thời vi-rút corona, theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch độc lập.

Nhà phân tích của trung tâm này Lauri Myllyvirta, đã viết trong một bài gửi cho trang web Carbon Brief vào tháng 6 năm 2020: “Điều này đang làm dấy lên mối lo ngại về những tác động trên toàn cầu đến từ sự phục hồi phụ thuộc nhiều vào than đá ở Trung Quốc”.

Ngay cả một quan chức cấp cao Trung Quốc gần đây cũng đã thừa nhận rằng thực trạng môi trường của quốc gia này hiện đang “ảm đạm”.

Theo Bloomberg đưa tin vào tháng 12 năm 2020, Trung Quốc chịu trách nhiệm về gần một phần ba lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chất lượng không khí của nước này là một trong những mức thấp nhất của tất cả các nước. Điều đó gây ra những hậu quả chết người: Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính khoảng 4,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm là do tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Ông John D. Sterman, một giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts, người nghiên cứu về tính bền vững môi trường và biến đổi khí hậu, nói với The Associated Press vào tháng 9 năm 2020: “Tính đến nay, Trung Quốc là nước thải ra lượng carbon lớn nhất thế giới”. “Họ đang thải ra nhiều hơn cả EU [Liên minh châu Âu] và Hoa Kỳ cộng lại.”

Trong cùng tháng đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Trung Quốc đã đặt ra thời hạn là đến năm 2060 sẽ đạt được mức “trung hòa carbon.” Cam kết này của Trung Quốc nằm trong một loạt những lời hứa hẹn về việc xử lý tai tiếng của mình như là một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh, bao gồm các cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra theo hiệp định Paris về khí hậu.

Trung Quốc lâu nay vốn là điểm đến quan trọng cho việc xử lý, tái chế hoặc, đơn giản là, nơi đổ rác của thế giới, bao gồm cả vật liệu độc hại và nguy hiểm. Giờ đây Trung Quốc sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu chất thải rắn có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021. Ngày càng nhiều thành phố của Trung Quốc cũng cấm các loại nhựa dùng một lần, chẳng hạn như ống hút, túi mua sắm và dụng cụ ăn uống, những vật làm đầy các bãi rác đô thị. Theo Reuters đưa tin, Trung Quốc đã tái chế ít hơn một phần ba trong số 63 triệu tấn nhựa mà nước này sản xuất trong năm 2019.

Trong khi đó, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc cắt giảm khí CO2 và các khí thải nhà kính khác thông qua việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo đang bị cản trở bởi chính sự ô nhiễm này. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Energy vào năm 2019 cho thấy các chất gây ô nhiễm bầu khí quyển đang chặn tia nắng mặt trời, làm giảm nguồn năng lượng thu được từ các tấm pin mặt trời của Trung Quốc lên tới 15%. (Ảnh: Ô nhiễm không khí che phủ một cơ sở nhiệt điện mặt trời ở Diên Khánh, phía bắc Bắc Kinh, vào tháng 9 năm 2020.)

Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm sạch không khí và nguồn nước bị giảm hiệu quả vì nước này tiếp tục phụ thuộc vào than đá và công nghiệp nặng, ông Zhao Yingmin, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc thừa nhận. “Xu hướng môi trường ảm đạm” vẫn tồn tại dù đã đạt được những bước tiến, và “nên thừa nhận rõ ràng rằng chất lượng của môi trường sinh thái vẫn còn xa so với kỳ vọng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Zhao phát biểu vào tháng 10 năm 2020, theo tin từ Reuters.

Hơn nữa, các chính sách đang hình thành của Trung Quốc thường cản trở sự tiến bộ. Ví dụ, việc gần đây nước này kiên quyết không mua than của Úc có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến môi trường.

“Đây thực sự là một tình thế hai bên cùng thiệt vì than đá Úc, so với loại than đá có nguồn gốc từ các quốc gia khác, thì các quốc gia khác có lượng khí thải cao hơn 50% so với than đá Úc,”Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu vào giữa tháng 12, theo tin từ Reuters.

Cuộc khủng hoảng môi trường này là “gót chân Achilles của Trung Quốc hiện đại”, làm tổn hại đến nền y tế công cộng và nền kinh tế của quốc gia này và làm suy yếu tính chính danh của ĐCSTQ, theo một cuốn sách mới của ông Yanzhong Huang, một nghiên cứu viên cao cấp về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một nhóm nghiên cứu hoạt động tại Mỹ.

Trong quyển Chính trị độc hại: Cuộc khủng hoảng sức khỏe môi trường của Trung Quốc và thách thức của nó đối với nhà nước Trung Quốc (Toxic Politics: China’s Environmental Health Crisis and Its Challenge to the Chinese State), ông Huang đã viết rằng sự bất lực của ĐCSTQ trong việc kiểm soát ô nhiễm có thể gây ra tình trạng bất ổn nội bộ, theo một bài bình sách đăng trên tờ The Wall Street Journal vào tháng 11 năm 2020. Sự xáo động đó, ông Huang lập luận, có thể “thúc đẩy nhà nước hành động mạnh tay hơn ở nước ngoài để gợi lên tình cảm dân tộc chủ nghĩa và làm chệch hướng sự chỉ trích trong nước trong một nỗ lực để giữ vững tính chính danh của nhà nước này.”

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button