Câu chuyện Nổi bật

Đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Sri Lanka làm dấy lên những nỗi lo ngại

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Sri Lanka và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã khiến các nước láng giềng và những nước khác lo ngại rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng và cơ sở hạ tầng của Sri Lanka có thể dẫn đến việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự trên quốc đảo này.

Theo tạp chí tin tức trực tuyến The Diplomat đưa tin, vị trí chiến lược của Sri Lanka ở trung tâm Ấn Độ Dương làm tăng sự hấp dẫn của nước này trong mắt Trung Quốc, đặc biệt là khi cảng Hambantota của Sri Lanka nằm gần các tuyến đường biển mà hai phần ba lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Theo The Diplomat, lượng dầu mỏ đó đóng vai trò tối quan trọng trong an ninh năng lượng của Trung Quốc. (Ảnh: Các tàu công-te-nơ đi qua một cảng biển ở Colombo, Sri Lanka.)

Ấn Độ và Hoa Kỳ nằm trong số những quốc gia đã đặt câu hỏi về hàng triệu đô la đầu tư trên khắp Sri Lanka trong khuôn khổ chương trình cơ sở hạ tầng Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road, OBOR) của Trung Quốc. Hoa Kỳ đã gọi mối quan hệ này là một ví dụ khác về các hoạt động cho vay nhằm trục lợi của Trung Quốc — một cú sa chân xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông Mahinda Rajapaksa, tổng thống của Sri Lanka từ năm 2005 đến năm 2015. Chính quyền của ông Rajapaksa đã phải đối mặt với các khoản nợ ngày càng chồng chất vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới. Theo tờ The Diplomat, để có thể trang trải những khoản nợ nần đó, ông Rajapaksa đã chấp nhận các dự án đầu tư OBOR từ Trung Quốc, bao gồm một Thành phố Tài chính Quốc tế Colombo mới, sửa sang cảng Hambantota và khu công nghiệp liền kề của cảng này.

Ấn Độ và Hoa Kỳ đã cố gắng chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc trong thời gian cầm quyền của Đảng Quốc gia Thống nhất (United National Party) của Sri Lanka từ năm 2015 đến năm 2019. Tuy một số thỏa thuận song phương và đa phương đã thành công, nhưng nhiều thỏa thuận khác đã gặp phải sự phản đối gay gắt và thất bại.

Gần đây, Sri Lanka tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính ít ỏi cho việc tái thiết đất nước sau một cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2009 cũng như ảnh hưởng kinh tế từ các cuộc tấn công khủng bố và đại dịch do vi-rút corona gây ra.

Theo tờ The Wall Street Journal, ông Palitha Kohona, đại sứ được Sri Lanka phái đến Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi đã tìm đến tất cả bạn bè của mình, bao gồm Ngân hàng Thế giới và Ấn Độ”. “Bên duy nhất nhanh chóng hỗ trợ chúng tôi là Trung Quốc.”

Tuy nhiên, chính phủ Sri Lanka đã từ chối một gói viện trợ kinh tế trị giá 480 triệu đô la Mỹ và một thỏa thuận quân sự mà Hoa Kỳ đề xuất, tuyên bố rằng gói này có quá nhiều điều kiện đi kèm, theo tờ The Wall Street Journal đưa tin vào tháng 11 năm 2020.

Ông Eran Wickramaratne, một thành viên đảng đối lập trong quốc hội Sri Lanka kiêm cựu thứ trưởng bộ tài chính, phát biểu trên tờ The Wall Street Journal: “Cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ chúng tôi nhưng với yêu cầu về kỷ luật tài khóa và giữ vững nền pháp trị.” “Trung Quốc sẽ không đưa ra yêu cầu như vậy nhưng lại cho vay nợ với chi phí cao.”

Một số người chỉ ra rằng đội ngũ lãnh đạo của Sri Lanka đóng vai trò thiết yếu trong những quyền lợi và mối quan hệ ngoại giao của đất nước này.

Gia đình Rajapaksa giành lại quyền lực vào tháng 11 năm 2019, khi em trai của ông Mahinda Rajapaksa là ông Gotabaya Rajapaksa, trở thành tổng thống. Tháng 8 năm 2020, Rajapaksa anh được bầu làm thủ tướng. Theo tờ The Wall Street Journal, tình thế quyền lực đó một lần nữa đã dẫn đến việc thắt chặt quan hệ giữa Sri Lanka và Trung Quốc.

Bất chấp mối quan hệ có vẻ nồng ấm giữa gia đình Rajapaksa với Trung Quốc, những nước khác không sẵn sàng chấp nhận rằng họ không có cơ hội giành được các thỏa thuận kinh tế.

Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của năm 2021, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã đến Sri Lanka. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao của nước khác đến đất nước này trong năm mới.

Theo tin từ tờ The EurAsian Times, một trang web tin tức: “Do đó, chuyến thăm này biểu thị sự ưu tiên mà cả hai quốc gia dành cho việc củng cố mối quan hệ hòa hảo thân thiết của họ trong tất cả các lĩnh vực đem đến những lợi ích chung”.

Ông Jaishankar hy vọng cứu vãn được Trạm Công-te-nơ phía Đông (East Container Terminal, ECT) đã được lên kế hoạch tại cảng của Sri Lanka cho Ấn Độ và Nhật Bản, mà chính quyền Đảng Quốc gia Thống nhất đã đồng ý vào tháng 5 năm 2019. Chính quyền mới kêu gọi việc rà soát lại thỏa thuận này. Một số người suy đoán rằng việc này là do Trung Quốc thúc ép, xuất phát từ một cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control) vào tháng 7 năm 2020.

“Dự án đã được thông qua. Có đủ cơ sở để đặt ra nghi vấn rằng Bắc Kinh đã đóng một vai trò trong vấn đề này,” theo trang The EurAsian Times. “Thế giới đã thấy thái độ hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực lân cận của Ấn Độ. Cứ cho đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chính phủ của ông Gotabaya Rajapaksa đã ra lệnh rà soát lại dự án ECT vào tháng 7 năm ngoái [2020], vài ngày sau một cuộc đối đầu bạo lực giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc.”

Dự án yêu cầu Sri Lanka chịu 51% của mức chi phí ước tính là từ 500 đến 700 triệu đô la Mỹ, còn Ấn Độ và Nhật Bản chia đôi phần chi phí còn lại.

 

Hình ảnh của: GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button