Câu chuyện Nổi bật

Công tác phân phối vắc-xin ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể mất một năm

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Cuộc cạnh tranh trên toàn cầu để giành được các loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19 có thể làm chậm việc giao hàng cho một số quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các bộ trưởng y tế cho biết việc phân phối sẽ tiếp tục cho đến năm 2022.

Vào giữa tháng 12 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng hầu hết các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không được đảm bảo quyền tiếp cận sớm với các loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19. Các viên chức của WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo áp dụng một phương pháp lâu dài hơn bao gồm xét nghiệm, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

“Việc phát triển các loại vắc-xin an toàn và hiệu quả là một chuyện. Sản xuất chúng sao cho có đủ số lượng và đến được với tất cả những người cần chúng là chuyện khác,” Giám đốc khu vực của WHO, ông Takeshi Kasai nói với các phóng viên ở Jakarta, Indonesia, theo tin từ The Associated Press.

Hầu hết các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tham gia sáng kiến COVAX, một liên minh phân phối vắc-xin được WHO hỗ trợ. Các viên chức của WHO nói rằng những quốc gia tham gia liên minh này sẽ bắt đầu nhận được các loại vắc-xin chậm nhất là vào quý II năm 2021. Tuy nhiên, mức ngân sách hiện tại sẽ chỉ đủ để tiêm chủng cho khoảng 20% dân số của mỗi quốc gia.

Ông Faisal Sultan, trợ lý đặc biệt về y tế của thủ tướng Pakistan, đã cho biết: “Mọi người đều muốn tranh giành một chiếc bánh có hạn”. Ông Sultan nói: “Hiện giờ thì chiếc bánh là cố định và mọi người đều muốn có một lát bánh,” theo tin từ BBC.

Với hơn 10,2 triệu ca nhiễm và 148.000 ca tử vong do COVID-19 tính đến cuối tháng 12 năm 2020, Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý của Ấn Độ sắp phê duyệt vắc-xin của AstraZeneca, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho việc sử dụng khẩn cấp vào cuối năm nay, theo hãng tin Reuters đưa tin.

Ấn Độ muốn thực hiện 600 triệu mũi tiêm trong khoảng thời gian từ sáu đến tám tháng bắt đầu từ tháng 1 năm 2021. (Ảnh: Một người lao động đi ngang qua một công-te-nơ mà sẽ được sử dụng làm trung tâm xử lý và phân phối vắc-xin tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở Ấn Độ.)

Trong khi đó, Indonesia, nơi đã có hơn 719.000 ca nhiễm vi-rút corona và 21.452 ca tử vong tính đến cuối tháng 12, đang thôi thúc việc triển khai vắc-xin nhanh chóng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hứa rẳng chính phủ sẽ tiêm chủng miễn phí cho toàn dân.

Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vắc-xin từ Sinovac Biotech của Trung Quốc vào đầu tháng 12 và đang chờ cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của nước này phê duyệt để đưa vào sử dụng. Hãng tin Reuters đưa tin, sẽ có thêm 1,8 triệu liều vắc-xin đến vào tháng 1 năm 2021. Nhiều liều thuốc trong số đó sẽ dành cho các nhân viên y tế ở Java và Bali. Với mong muốn mua được tổng cộng 246,6 triệu liều, Indonesia cũng đang đàm phán với Pfizer, AstraZeneca và COVAX.

Philippines cũng đang quăng lưới rộng bao gồm các công ty dược phẩm của Trung Quốc, Nga và Anh. Bloomberg đưa tin, nước này muốn mua được 50 triệu liều thuốc để tiêm chủng cho một phần tư dân số. Đa số các liều đó sẽ đến vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Hãng tin Reuters đưa tin, Malaysia muốn tiêm chủng cho 83% dân số của mình, và cho đến nay đã có được đủ số liều để tiêm chủng cho khoảng 40% trong số 32 triệu người dân.

Úc có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng vào tháng 3 năm 2021. Ban đầu, việc phân phối sẽ dành cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc mắc bệnh nghiêm trọng và những người ở môi trường lây truyền cao.

Singapore, một trong những nước có tỷ lệ tử vong do vi-rút corona thấp nhất thế giới, đã nhanh chóng hành động để mua được vắc-xin. Vào tháng 12 năm 2020, nước này trở thành quốc gia châu Á đầu tiên nhận được các lô hàng vắc-xin của Pfizer.

Các cơ quan quản lý của Nhật Bản cũng đang đánh giá vắc-xin của Pfizer. Nếu được phê duyệt, loại vắc-xin này sẽ được chủng ngừa cho 10.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe làm việc ở tuyến đầu vào tháng 2 và 3 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe phổ thông chậm nhất là vào giữa tháng 3. Nhật Bản hy vọng đến tháng 7 năm 2021 sẽ tiêm chủng toàn bộ dân số của mình.

Hãng tin Reuters đưa tin, cũng như nhiều nước láng giềng khác, Hàn Quốc đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng vắc-xin của mình, ký kết các thỏa thuận với AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson để đến năm 2021 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho 44 triệu người. Đến tháng 3 là các lô hàng dự kiến sẽ bắt đầu được chuyển.

Thái Lan muốn tiêm chủng cho 50% người dân nước này vào cuối năm 2021 bằng các loại vắc-xin của COVAX, AstraZeneca và các nguồn khác. Bloomberg đưa tin rằng nước này cũng đang phát triển vắc-xin riêng của mình, có thể sẽ sẵn sàng để sử dụng vào cuối năm 2021.

Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu trên vắc-xin sản xuất trong nước vào tháng 12. Giai đoạn sản xuất được dự kiến ​sẽ bắt đầu vào đầu năm 2022.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button