Câu chuyện Nổi bật

Có thêm nhiều người nài xin EU từ bỏ thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc sau khi số lượng các vụ bắt giữ ở Hồng Kông gia tăng

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Sự đàn áp ngày càng lan rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với phong trào dân chủ của Hồng Kông đang thôi thúc vô số những lời kêu gọi hướng đến Liên minh châu Âu (EU) nhằm yêu cầu tổ chức này xem xét lại thỏa thuận đầu tư mới của mình với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) — thậm chí trước khi hiệp ước có khả năng mang lại lợi nhuận lớn này chính thức được phê chuẩn.

Vài giờ sau khi hơn 50 nhà lập pháp và nhà hoạt động đối lập ở Hồng Kông đã bị bắt vì cáo buộc tội lật đổ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, ông Chris Patten, vị thống đốc người Anh cuối cùng của thành phố này, phát biểu: “Nếu thỏa thuận này được tiến hành, nó sẽ khiến tham vọng muốn được các bên khác kính nể như một đối trọng trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế toàn cầu của châu Âu trở thành một trò đùa.” “Thỏa thuận đó coi khinh nhân quyền và cho thấy một cái nhìn thiếu thực tế về mức độ đáng tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên trường quốc tế.”

Trong một tuyên bố của Hong Kong Watch, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Vương quốc Anh, mà ông Patten đóng vai trò là người bảo trợ, ông này cho biết, khi thế giới bị phân tâm bởi một đại dịch đang được điều tra vì đã xuất hiện ở Trung Quốc, thì ĐCSTQ “đã tiếp tục mạnh tay đàn áp ở Hồng Kông”. “Các nền dân chủ tự do trên toàn thế giới phải tiếp tục lên tiếng chống lại sự phá hủy tàn bạo đối với một xã hội tự do cũng như về nạn diệt chủng người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.”

Thỏa thuận toàn diện về Đầu tư (Comprehensive Agreement on Investment ) nhìn chung đã được phê duyệt vào ngày 30 tháng 12 năm 2020, sau một hội nghị trực tuyến qua video có sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình. Hội nghị đó đã chốt lại bảy năm đàm phán về thỏa thuận này. Thỏa thuận sẽ cần được Nghị viện châu Âu thông qua.

EU cho biết thỏa thuận này sẽ giúp cân bằng mối quan hệ thương mại của mình với Trung Quốc — ước tính có giá trị hơn 1,2 tỷ đô la Mỹ mỗi ngày — thông qua việc nới lỏng khả năng tiếp cận với các khu vực thị trường của Trung Quốc bị hạn chế , bao gồm sản xuất thiết bị y tế và dịch vụ hàng hải quốc tế. “Các công ty châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc không được hưởng lợi từ mức độ minh bạch và cạnh tranh công bằng tương tự như mức độ mà những công ty Trung Quốc được hưởng tại thị trường EU,” liên minh gồm 27 quốc gia cho biết.

Các quan chức châu Âu nói rằng họ đã “đạt được các cam kết có tính ràng buộc” từ phía Trung Quốc về việc chống lại lao động cưỡng bức và giải quyết các mối lo ngại về môi trường và khí hậu, cùng với các biện pháp khác.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động về nhân quyền cho rằng thỏa thuận này làm lợi cho ĐCSTQ ngay cả khi chế độ độc tài của đảng này đang chà đạp lên những quyền tự do dân sự ở Hồng Kông, bắt hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người thiểu số theo đạo Hồi khác vào các trại giam và lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương, và làm xói mòn di sản văn hóa của người dân tộc Mông Cổ ở khu vực phía bắc Trung Quốc.

Các nhà phân tích chỉ ra những hành động đáng buồn từ trước đến nay của ĐCSTQ trong việc giữ đúng những cam kết về bảo vệ người dân nước này hay bảo vệ trái đất. Ông Thorsten Benner, giám đốc của Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, nói với Radio Free Asia: “Tôi không nghĩ rằng những lời hứa hẹn này tương xứng với những văn kiện mà những lời đó được viết lên”.

Chỉ sau một tuần, những nỗi sợ đó đã trở thành hiện thực. Các vụ bắt giữ hàng loạt ở Hồng Kông là động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp trừng phạt kể từ khi cơ quan lập pháp của Trung Quốc áp đặt một luật an ninh mới vào giữa năm 2020, bao gồm việc hủy bỏ đột ngột các cuộc bầu cử toàn thành phố. Theo Hong Kong Watch, nhiều người trong số những người bị giam giữ đã tham gia vào một cuộc bầu cử sơ bộ cho cuộc bỏ phiếu mà sau đó bị hoãn lại. (Ảnh: Các đảng viên ủng hộ dân chủ người Hồng Kông phản đối việc bắt giữ các nhà lập pháp và nhà hoạt động đối lập trong một cuộc họp báo ngày 6 tháng 1 năm 2021.)

Trong một tuyên bố ban hành vào ngày 9 tháng 1, các chính phủ Úc, Canada, Anh và Hoa Kỳ nhắc lại rằng luật an ninh này vi phạm thỏa thuận mà theo đó Hồng Kông – thuộc địa cũ của Anh – đã được chuyển giao cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997. Thỏa thuận đó yêu cầu rằng trung tâm tài chính toàn cầu với dân số 7,5 triệu người này có 50 năm tự trị ở mức hạn chế.

“Rõ ràng là Luật An ninh Quốc gia đang được sử dụng để loại bỏ sự bất đồng chính kiến và các quan điểm chính trị đối lập,” tuyên bố cho biết.

Ông Tập “có lẽ đã nghĩ rằng mình cầm chắc hiệp ước trong tay, nên ông ta tha hồ chèn ép Hồng Kông hơn nữa,” một bài xã luận đăng ngày 6 tháng 1 trên tờ Washington Post đưa ra nhận định này, đồng thời kêu gọi Nghị viện châu Âu bác bỏ thỏa thuận đầu tư “chừng nào nền dân chủ còn bị đe dọa bởi vũ lực ở Hồng Kông.”

Ông Patten nói rằng thỏa thuận đầu tư thể hiện một “sai lầm chiến lược lớn” khi xét đến “hành vi o ép và tấn công thô thiển nhắm vào các quy tắc quốc tế của chúng ta.” của ĐCSTQ.

Ông nói: “Chúng ta không nên tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nhưng nên cố gắng chế ngự Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

 

HÌNH ẢNH: THE ASSOCIATED PRESS

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button