Câu chuyện Nổi bật

Cơ sở dữ liệu bị rò rỉ cho thấy Đảng viên và chi bộ của ĐCSTQ được cài cắm trên khắp toàn cầu

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Theo như các nhà lập pháp và các cơ quan truyền thông, những tài liệu bị rò rỉ tiết lộ thông tin về một mạng lưới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cài cắm trên khắp toàn cầu, với gần 2 triệu đảng viên làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia, lãnh sự quán và các trường đại học ở nước ngoài.

“Những người theo dõi Trung Quốc luôn biết rằng trong các chính phủ và doanh nghiệp có rất nhiều nhân viên là người của Đảng Cộng sản, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có một danh sách để chứng minh điều đó”, ông Luke de Pulford, một nhà hoạt động nhân quyền người Anh kiêm điều phối viên của Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China, IPAC), nói với tờ tin Nikkei Asia vào cuối tháng 12 năm 2020.

Theo Dịch vụ Tin tức Ấn Độ-Châu Á, danh sách bị rò rỉ này có thông tin của 1,95 triệu đảng viên của ĐCSTQ bao gồm tên, ngày sinh, chức vụ trong đảng, số chứng minh nhân dân và dân tộc. Theo báo cáo, các nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc đã lấy dữ liệu từ một máy chủ ở Thượng Hải vào năm 2016 và sau đó đã cung cấp dữ liệu này cho IPAC và một hiệp hội truyền thông quốc tế.

IPAC được thành lập vào giữa năm 2020 và bao gồm các nhà lập pháp từ châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một phần trong sứ mệnh của tổ chức này là “giúp tạo ra một phương pháp tiếp cận chủ động và chiến lược” về các vấn đề nhằm đối phó với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), với trọng tâm là các lĩnh vực như tăng cường an ninh, bảo vệ nhân quyền và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

“Điều tuyệt vời về cơ sở dữ liệu này là nó không chỉ vạch trần những người là đảng viên Đảng Cộng sản mà hiện đang sinh sống và làm việc trên khắp thế giới, từ Úc đến Hoa Kỳ đến Anh Quốc. Mà còn bởi vì nó kéo ra tấm màn che đậy cách thức hoạt động của đảng này” dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình, bà Sharri Markson, một phóng viên điều tra của báo The Australian, một trong những cơ quan truyền thông được cung cấp các tài liệu bị rò rỉ, đã nói.

Danh sách này cũng liệt kê khoảng 79.000 chi bộ ĐCSTQ đã được thành lập bên trong các công ty, “cho phép các đảng viên ĐCSTQ thâm nhập vào các công ty đó, nếu được kêu gọi, sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp” trước đảng và ông Tập, bà Markson cho biết trong một bài phóng sự đăng vào giữa tháng 12 trên tờ Sky News ở Úc.

Theo báo cáo của các cơ quan truyền thông, các công ty này bao gồm nhà thầu trong lĩnh vực phòng thủ, công ty sản xuất ô tô, ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ viễn thông và các công ty sản xuất thuốc. Ít nhất hai trong số các công ty dược phẩm này đã phát triển vắc-xin phòng chống vi-rút corona mà hiện đang được phân phối ở nhiều quốc gia.

ĐCSTQ có khoảng 92 triệu đảng viên, chiếm khoảng 6,5% dân số Trung Quốc. (Ảnh: Các đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tham dự phiên bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh vào tháng 5 năm 2020.)

Tại Nhật Bản, khoảng 5.000 đảng viên của ĐCSTQ đã được xác định là nhân viên của gần 300 công ty hoặc chi nhánh, phần lớn trong số đó thuộc lĩnh vực sản xuất, theo tin từ Nikkei Asia. Ông Yasuhiro Matsuda, một giáo sư ngành chính trị quốc tế tại Đại học Tokyo, đã nói với tờ báo bằng tiếng Anh này rằng: “Giả sử rằng họ được đảng ra lệnh thu thập thông tin tình báo, họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài tuân lệnh.”

Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã bác bỏ các báo cáo trên cơ sở dữ liệu này là sai sự thật. “Mục đích thực sự của họ là kích động thái độ thù địch đối với Trung Quốc và khuấy động một cuộc xung đột tư tưởng,” cơ quan này nói trong một tuyên bố được gửi tới Nikkei Asia.

Bà Markson đã nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy các đảng viên của ĐCSTQ được nêu tên trong danh sách này là gián điệp. Tuy nhiên, mối lo ngại là liệu các công ty và chính phủ có “biết về các đảng viên của ĐCSTQ hay không và, nếu có, đã có bất kỳ biện pháp nào được thực hiện để bảo vệ dữ liệu và đội ngũ nhân sự của họ hay chưa?”

Các nhà quan sát nói rằng những phát hiện này làm sáng tỏ cách thức hoạt động công khai cũng như hoạt động ngấm ngầm của ĐCSTQ để thâm nhập và gây ảnh hưởng đến các tổ chức trên toàn thế giới. Vào tháng 12 năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thắt chặt các hạn chế về thị thực đối với các đảng viên của ĐCSTQ và gia đình của họ để đáp lại “sự can thiệp ác ý vào các vấn đề chính trị nội bộ, tự do học thuật, quyền riêng tư cá nhân hoặc hoạt động kinh doanh” của đảng này.

Trong một tuyên bố lưỡng đảng ban hành trong tháng đó, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio là quyền chủ tịch và Mark Warner là phó chủ tịch của Ủy ban Đặc biệt về Tình báo Thượng viện, đã viện dẫn sự thâm nhập “có chủ ý và gian trá” của Bắc Kinh vào xã hội Hoa Kỳ. Ông Rubio cũng là đồng chủ tịch của IPAC.

“Thông tin tình báo của chúng tôi là rất rõ ràng: Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không từ một thủ đoạn nào để đạt được sự thống trị trên toàn cầu,” tuyên bố cho biết.

 

Hình ảnh của: AFP/GETTY IMAGES

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button