Quân đội Campuchia thúc đẩy bình đẳng giới khi chính phủ phải đối mặt với những cáo buộc về vi phạm nhân quyền

Tom Abke
Quân đội Campuchia đang khởi xướng một sáng kiến nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới vào thời điểm chính phủ nước này đang đứng trước những chỉ trích từ các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc về việc đàn áp những nhà hoạt động về nhân quyền và các đối thủ chính trị.
Quân đội cho biết sáng kiến của họ phản ánh một nỗ lực của Thủ tướng Hun Sen nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới trong các cơ quan chính phủ. Trung tướng Marina Lim, Phó Tổng cục trưởng Cục Nghĩa vụ Quân sự (Department of Military Service) và Phó chủ tịch Nhóm Công tác Giới (Gender Working Group) thuộc Bộ Quốc phòng, đã trình bày các khuyến nghị vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, cho các sĩ quan và binh sĩ thuộc Lữ đoàn Bộ binh 90 của Quân đội Campuchia.
Mục đích là để “nâng cao nhận thức cho Quân đội về chính sách của Chính phủ Hoàng gia”, bà Lim phát biểu trong một thông cáo báo chí. Chính sách này bảo đảm phụ nữ Campuchia có quyền “tham gia vào tất cả các lĩnh vực.” Chính sách cũng nhằm nâng cao nhận thức về “các quan điểm giới” và ngăn chặn bạo lực gia đình trong các binh sĩ đồng thời truyền đạt một sự hiểu biết sâu sắc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (Royal Cambodian Armed Forces)
Các khuyến nghị được bà Lim nêu ra, như trong hình, bao gồm: ngăn chặn buôn bán lao động tình dục, bạo lực gia đình và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em; hiểu về bình đẳng giới; và nghiên cứu “các tình huống khó khăn” liên quan đến phụ nữ và nam giới. Bà cho biết, mỗi điều này góp phần vào các mục tiêu lớn hơn của “hòa bình bền vững dưới sự lãnh đạo” và bảo tồn “các truyền thống văn hóa của đất nước Campuchia. ”
“Lữ đoàn số 90 tiếp tục ủng hộ phụ nữ và tạo cơ hội cho các binh sĩ là nữ giới tham gia vào tất cả các hoạt động trong công tác,” bà cho biết.
Mặc dù chính phủ Campuchia thúc đẩy bình đẳng giới, họ vẫn bị lên án mạnh mẽ vì cách đối xử với các nhà hoạt động nhân quyền và các đối thủ chính trị.
Bà Mary Lawlor, một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Campuchia, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 16 tháng 11 năm 2020, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc giam giữ có hệ thống những người bảo vệ nhân quyền ở Campuchia và sử dụng vũ lực quá mức của chính quyền Campuchia.
Bà Lawlor nói trong tuyên bố: “Tôi ngày càng lo ngại về vòng luẩn quẩn của việc giam giữ họ vì họ lên tiếng chống lại việc giam giữ hoặc vi phạm đối với những người bảo vệ nhân quyền khác.” “Vòng luẩn quẩn này phải chấm dứt.” Bà nói thêm rằng 21 nhà bảo vệ nhân quyền người Campuchia đã phải chịu những lời hăm dọa và các vụ bắt giữ tùy tiện trong ba tháng qua.
Trong khi đó, quân đội đang đẩy mạnh kế hoạch này và cho biết sẽ loại bỏ các rào cản đối với phụ nữ. Theo một thông cáo báo chí, Trung tướng Chap Vanny, Phó Tư lệnh Quân đội, cho biết các sĩ quan chỉ huy được yêu cầu cung cấp cho phụ nữ sự khích lệ và cơ hội nghề nghiệp để “loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ”.
Các khuyến nghị đi kèm với các biện pháp tương tự được thực hiện ở tất cả các bộ và cơ quan để thúc đẩy bình đẳng giới, ông này nói thêm.
Campuchia đã nhất quán trong việc sử dụng phụ nữ để phục vụ trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ. Từ năm 2006 đến năm 2019, nước này đã gửi 285 phụ nữ đến các quốc gia bao gồm Cộng hòa Trung Phi, Chad, Síp, Lebanon, Libya, Mali, Nam Sudan và Syria. Campuchia cũng đã đề bạt phụ nữ trong hàng ngũ quân đội của mình. Tám mươi tám phụ nữ giữ cấp bậc tướng trong Lực lượng Vũ trang Campuchia tính đến tháng 3 năm 2018, theo Bộ các Vấn đề Phụ nữ (Ministry of Women’s Affairs) của Campuchia.
Những người này bao gồm một vị tướng bốn sao, bảy trung tướng, 19 thiếu tướng và 61 lữ đoàn trưởng.
Tom Abke là một cộng tác viênDIỄN ĐÀNđưa tin từ Singapore.