Câu chuyện Nổi bật

Nhật Bản tăng cường sự tham gia vào lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển

Tom Abke

Nhật Bản sẽ mở rộng sự tham gia của mình vào các hoạt động chống cướp biển ở khu vực ngoài khơi bờ biển Somalia thêm một năm nữa để bảo vệ một tuyến đường biển quan trọng và các tài sản hàng hải giá trị.

Quyết định này, được Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi công bố vào ngày 10 tháng 11 năm 2020, sẽ mở rộng vai trò của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (Japan’s Self-Defense Forces, JSDF) trong việc chống cướp biển dọc theo bờ biển Đông Phi kể từ lần đầu tiên lực lượng này được triển khai ở đó vào năm 2009 như một phần của Lực lượng Đặc nhiệm Kết hợp 151 (Combined Task Force 151) gồm 20 quốc gia.

Số lượng quân sĩ được triển khai sẽ tăng từ 90 lên 130 người, và số lượng nhân viên hỗ trợ được bố trí ở khu căn cứ mới được nâng cấp của JSDF ở Djibouti sẽ tăng từ 110 lên 120 người.

Theo công ty về cơ sở dữ liệu thống kê của Đức Statista, các cuộc tấn công do cướp biển gần Somalia đã giảm đáng kể trong thời gian diễn ra các hoạt động chống cướp biển, từ 358 vụ trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 xuống còn tám vụ trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019. Ông Kishi cho rằng có được sự sụt giảm này là nhờ “hiệu ứng ngăn chặn” của các lực lượng chống cướp biển ở khu vực ngoài khơi Somalia và ở Vịnh Aden.

Nhật Bản đã gửi một cặp tàu khu trục và hai máy bay tuần tra hàng hải P-3C đến khu vực này vào tháng 3 năm 2009, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa tin. Từ năm 2009 đến năm 2015, các tàu biển đã hộ tống 3.577 tàu trong 621 nhiệm vụ hộ tống qua vùng biển mà người ta biết là có hải tặc đang hoạt động . Các máy bay P-3C đã hoàn thành hàng ngàn cuộc tuần tra kể từ năm 2009, và Nhật Bản đã đóng góp hàng trăm triệu đô la tiền viện trợ phát triển cho Somalia để xóa đói giảm nghèo. Nhật Bản cho rằng đói nghèo chính là nguyên nhân gốc rễ gây ra nạn cướp biển ở Somalia. (Ảnh: Các thủy thủ Nhật Bản về nước vào tháng 6 năm 2020 sau khi tham gia vào các nỗ lực chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia và ở Vịnh Aden trong khoảng bảy tháng.)

Nhật Bản đã mở căn cứ quân sự của mình tại Djibouti vào tháng 6 năm 2011 và bắt đầu mở rộng căn cứ này vào năm 2017, tăng thêm 3 héc-ta vào khu đất 12 héc-ta mà nước này thuê từ chính phủ Djibouti, tờ Thời báo Nhật Bản (The Japan Times) đưa tin.

Nhà nghiên cứu Victor Teo của Đại học Cambridge đã viết trong cuốn sách năm 2019 của mình có tên, Quá trình Hồi xuân đầy Gian truân của Nhật Bản trong Vai trò là một Cường quốc Toàn cầu (Japan’s Arduous Rejuvenation as a Global Power), Nhật Bản bắt đầu tham gia vào nỗ lực chống cướp biển sau các cuộc tấn công nhắm vào tàu của nước này gần eo biển Malacca. Năm tàu Nhật Bản đã bị tấn công hoặc cướp bóc trong thời gian từ năm 1992 đến năm 2001, bao gồm tàu chở dầu Nagasaki Spirit. Tàu này đã đâm vào một tàu khác trong một vụ cướp, gây ra vụ tràn dầu diện rộng và một đám cháy làm 44 thủy thủ thiệt mạng.

Vì nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và xuất khẩu, ông Teo viết, nên nạn cướp biển “được coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia toàn diện của Nhật Bản. ”

Tom Abke là một cộng tác viênDIỄN ĐÀNđưa tin từ Singapore.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button