Câu chuyện Nổi bật

Các quốc gia nỗ lực chống lại việc gia tăng đánh bắt cá bất hợp pháp của các tàu Trung Quốc

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Các nhà chức trách ở Palau đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và 28 thành viên thủy thủ đoàn của tàu này vào giữa tháng 12 năm 2020, buộc tội họ khai thác hải sâm trái phép trong lãnh hải của quốc đảo nằm ở Thái Bình Dương này, theo tin từ tờ The Guardian.

Các quan chức ở khu vực Thái Bình Dương cho biết các tàu đánh cá của Trung Quốc đã thâm nhập sâu hơn vào vùng biển của họ — và ở lại trong những khoảng thời gian dài hơn — trong những tháng gần đây, nhưng vụ việc này đánh dấu lần đầu tiên một thủy thủ đoàn Trung Quốc bị chặn lại trong vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone, EEZ) của Palau.

Theo tờ The Guardian, ông Victor Remengesau, giám đốc bộ phận luật và thi hành luật hàng hải của Palau, cho biết: “Đó là một sự xâm nhập bất hợp pháp”. Ông bày tỏ rằng Palau phải cân bằng những mối quan ngại về việc giam giữ thủy thủ đoàn và COVID-19 vì đây là một trong số ít nơi trên thế giới vẫn chưa có trường hợp nhiễm vi-rút corona nào. “Chúng tôi có thể quan tâm đến COVID và sự lây lan của COVID, nhưng chúng tôi không thể để người ta làm bất cứ điều gì họ muốn và che đậy hoạt động bất hợp pháp.”

Các quốc gia Thái Bình Dương đã ở trong tình trạng cảnh giác cao độ đối với các cuộc xâm nhập của các đội tàu đánh cá từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Viện Phát triển Hải ngoại (Overseas Development Institute) có trụ sở tại London đã cảnh báo trong một báo cáo vào năm 2020 rằng “các đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đã đi xa hơn và xa hơn, và các công ty của nước này đã đóng ngày càng nhiều tàu hơn để đáp ứng nhu cầu đang tăng về thủy hải sản.”

Chỉ vài tuần trước sự việc ở Palau, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ chi 200 triệu đô la Mỹ vào các chương trình dành cho các quốc gia đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương để chống lại lối hành xử sai trái của Trung Quốc, bao gồm đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Illegal, unreported and unregulated, IUU). Khoản tiền đó sẽ giúp các quốc gia như Palau phát triển những phương thức để bảo vệ ngành đánh bắt cá của họ trước sự cạnh tranh không mong muốn từ Trung Quốc.

“Chúng ta đã thấy một loạt các hành vi ngày càng sai trái, bao gồm cả sự khẳng định của [Trung Quốc] về các tuyên bố chủ quyền trái pháp luật ở biển và các hoạt động quân sự hóa đang diễn ra ở các đảo có tranh chấp ở Biển Đông, các hoạt động kinh tế có tính lợi dụng bao gồm đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định cũng như và các khoản đầu tư làm suy yếu công tác quản trị tốt và tiếp tay cho tham nhũng,” bà Sandra Oudkirk, phó trợ lý Ngoại trưởng cho các vấn đề ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đã phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về viện trợ của Hoa Kỳ cho các quốc gia Thái Bình Dương.

Các quan chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ cho biết, việc đánh bắt cá IUU của Trung Quốc và hành vi chèn ép các tàu thuyền trong khu vực EEZ của các quốc gia khác thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đe dọa đến chủ quyền và gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực. Với đội tàu gồm ít nhất 800.000 con tàu, Trung Quốc từ lâu đã khai thác đến cạn kiệt nguồn thủy sản trong nước và đứng đầu thế giới về đánh bắt cá IUU, theo tạp chí Foreign Policy.

“Thông qua các khoản trợ cấp hào phóng và sự chỉ đạo của chính phủ, Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó đã khuyến khích một phần đội tàu của mình đi xa hơn để đáp ứng cả lượng tiêu thụ trong nước của Trung Quốc và thị trường quốc tế,” theo một bài phóng sự có tiêu đề “Trung Quốc đang đánh bắt rắc rối trên biển,” được đăng vào tháng 11 năm 2020 trên tờ Foreign Policy.

“Mặc dù vậy, Trung Quốc đã tránh được bất kỳ hậu quả cụ thể nào đối với các hành động của mình, trong khi các quốc gia nhỏ hơn, dưới sức ép về vũ lực, phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn và luật hàng hải quốc tế”, tờ Foreign Policy đưa tin.

Trên toàn thế giới, đánh bắt thủy sản hải quá mức dẫn đến thất thoát hàng chục tỷ đô la hàng năm trong thu nhập và thuế thu nhập, vắt kiệt công ăn việc làm cũng như nguồn cung cấp thực phẩm. Theo Cảnh sát Biển Hoa Kỳ, một phần năm sản lượng đánh bắt thủy hải sản trên toàn cầu có nguồn gốc từ hoạt động đánh bắt cá IUU. Theo tờ Foreign Policy, phần lớn lượng thủy hải sản bị đánh bắt bất hợp pháp đến từ khu vực EEZ của các quốc gia như Guinea, Philippines và Bắc Triều Tiên — những nơi mà ai cũng biết là ngư dân Trung Quốc nhắm đến.

“Đánh bắt cá IUU đã thay thế hoạt động cướp biển và trở thành mối đe dọa hàng đầu trên biển ở trên khắp thế giới”, theo một báo cáo của Cảnh sát Biển Hoa Kỳ có nhan đề “Triển vọng về chiến lược đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không theo quy định” (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing Strategic Outlook). “Nếu hoạt động đánh bắt cá IUU tiếp tục không được kiểm soát, chúng ta sẽ thấy sự suy yếu của các quốc gia ven biển vốn đã yếu ớt và sự gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia đánh bắt cá nước ngoài, đe dọa đến sự ổn định về địa chính trị trên toàn thế giới.”

Tổ chức Global Fishing Watch đã sử dụng các công cụ lập bản đồ để phân tích hoạt động của tàu cá gần quần đảo Galapagos của Ecuador. Từ ngày 13 tháng 7 đến ngày 13 tháng 8 năm 2020, các tàu Trung Quốc đã ghi nhận hơn 73.000 giờ trong khu vực đánh bắt cá mực, theo thông tin từ Global Fishing Watch và nhóm vận động Oceana.

“Nỗ lực đánh bắt cá trên diện rất rộng và không ngừng nghỉ này của đội tàu Trung Quốc đe dọa Quần đảo Galapagos, những loài vật quý hiếm chỉ sinh sống ở đây và tất cả những người dân phụ thuộc vào quần đảo này để có thực phẩm và duy trì sinh kế. Đáng buồn thay, đây chỉ là bề nổi của vấn đề liên quan đến tác động mà đội tàu đánh bắt xa bờ siêu lớn của Trung Quốc gây ra trên đại dương của chúng ta”, Tiến sĩ Marla Valentine, chuyên gia phân tích về đánh bắt cá bất hợp pháp và sự minh bạch của Oceana, đã phát biểu trong một thông cáo báo chí. “Tình hình diễn ra ở Galapagos nên đặt ra những câu hỏi nghiêm túc và những nỗi lo ngại về tác động mà đội tàu đánh cá đông đảo của Trung Quốc đang gây ra cho các đại dương mà chúng hoạt động.”

Oceana đã ghi chép về các tàu Trung Quốc mà có vẻ như đã vô hiệu hóa các thiết bị theo dõi công cộng của họ và cung cấp thông tin nhận dạng tàu mâu thuẫn với nhau để tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp. (Ảnh: Tàu hải quân LAE Isla San Cristobal của Ecuador tiến hành một cuộc tuần tra chung với Cảnh sát Biển Hoa Kỳ để phát hiện và ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gần quần đảo Galapagos vào tháng 8 năm 2020.)

Bà Beth Lowell, Phó chủ tịch của Oceana phụ trách các chiến dịch của Hoa Kỳ, đã cho biết trong một thông cáo báo chí: “Các chính phủ trên thế giới phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng tất cả thủy hải sản đều an toàn, được đánh bắt hợp pháp, được lấy từ nguồn có trách nhiệm và được dán nhãn một cách trung thực để bảo vệ đại dương và những người phụ thuộc vào đại dương”.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button