Câu chuyện Nổi bật

Các nhà phân tích cho biết những lời chỉ điểm ác ý bóp nghẹt tự do học thuật ở Trung Quốc

Dahai Han/Voice of America News

Trong những năm gần đây, có một số lượng ngày càng tăng các giáo sư đại học ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) đã bị cách chức, sa thải hoặc thậm chí bị bắt giữ và bị kết án tù sau khi bị những kẻ hớt lẻo trong lớp báo cáo cho chính quyền vì có những “lời phát biểu sai trái.”

Các nhà phân tích cho rằng xu hướng đáng lo ngại bao gồm hoạt động mà họ gọi là “báo cáo ác ý” trong các trường đại học của Trung Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến. Họ nói rằng hành vi này không chỉ giới hạn không gian dành cho tự do tư tưởng và tự do biểu đạt, mà còn gây nguy hiểm cho chất lượng nghiên cứu và những cuộc thảo luận học thuật.

Vào đầu tháng 11 năm 2020, nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc và chuyên gia về Chiến tranh Lạnh Shen Zhihua đã có bài phát biểu được truyền trực tiếp tại một hội thảo học thuật về sự trỗi dậy và sụp đổ của Liên Xô, nhưng bài giảng diễn ra được một giờ thì nguồn phát dữ liệu đột nhiên bị cắt. Vẫn chưa rõ ông Shen đã có thể nói điều gì mà bị coi là không lọt tai, và bên tổ chức hội thảo, Đại học Sư phạm Thủ Đô (Capital Normal University) ở Bắc Kinh, vẫn chưa đăng video trở lại trên mạng.

Trong một tuyên bố, trường đại học này quy trách nhiệm cho một báo cáo ác ý từ các sinh viên hoặc cá nhân, những người hớt lẻo về các giảng viên khi họ đưa ra những nhận định hoặc chia sẻ quan điểm được coi là đi ngược với những câu chuyện được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc lãnh đạo của Đảng này, Tổng Bí thư Tập Cận Bình chính thức công nhận. (Ảnh: Một giảng viên dạy một tiết lịch sử cho sinh viên của mình tại Đại học Tây Nam (Southwest University) ở Trùng Khánh, Trung Quốc.)

Trường đại học này gọi sự can thiệp đó là vi phạm rõ ràng đối với thảo luận học thuật và quyền tự do ngôn luận. Trường này cũng trình bày rằng bài giảng đó là sự kiện thứ bảy trong một chuỗi “Bốn Lịch sử” (“Four Histories”) và rằng, không những hoàn toàn không phải là một bài giảng cố tình gây bất ổn, mà cuộc thảo luận còn là một nỗ lực của nhà trường nhằm phát huy tinh thần của bài phát biểu của ông Tập về công tác nghiên cứu của “Bốn Lịch sử. ”

“Bốn Lịch sử” là từ chỉ lịch sử của đảng, Trung Quốc, thời kỳ cải cách và mở cửa, và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội.

Khi được Ðài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America, VOA) hỏi về sự việc này, ông Shen cười và nói rằng ông không để tâm nhiều đến những lời chỉ trích trên mạng.

Ông nói: “Cư dân mạng của Trung Quốc… họ sẽ báo cáo về bạn khi họ nghe thấy bất cứ điều gì mà họ không hài lòng.”

Giáo sư Yang Shaozheng, người đã bị sa thải sau khi bị bí mật theo dõi và bị các sinh viên của mình báo cáo vì ông đã có những nhận xét chỉ trích ĐCSTQ vào năm 2018, nói với VOA rằng đảng này tước đoạt quyền tự do ngôn luận của mọi người mặc dù quyền đó được quy định trong hiến pháp của đất nước.

Ông nói: “Nhìn bề ngoài, chính những kẻ báo cáo ác ý này có vẻ là những người gây khó chịu và đáng ghê tởm, nhưng nếu họ không có môi trường, thì họ sẽ không thể làm được việc xấu rồi phủi tay, ngay cả khi họ muốn thực hiện một báo cáo độc hại.”

Ông You Shengdong, một nạn nhân khác của hành vi này, cho biết việc hớt lẻo với ác ý có thể lan rộng là vì nhiều trường đại học ở Trung Quốc tận dụng sinh viên làm nguồn cung cấp thông tin trong vai trò là tai mắt cho nhà trường để giám sát giáo viên của họ nhằm loại bỏ sự bất đồng chính kiến và biến các trường đại học thành pháo đài của đảng giống như thời Mao Trạch Đông.

Nhiều trường đại học đã công khai chiêu mộ nội gián để giám sát giáo viên. Những giám sát viên này được yêu cầu báo cáo các giáo viên truyền bá mê tín dị đoan, các giá trị phương Tây và chỉ trích các nguyên tắc của đảng, và để đảm bảo rằng các chủ đề được xếp loại vào “bảy điều cấm kị” như đề xuất của ông Tập vào năm 2013 không được đề cập đến trong các lớp học, bao gồm các giá trị phổ quát và các sai lầm lịch sử của ĐCSTQ.

Trong các quy định dành cho sinh viên làm vai trò nội gián, Trường Cao đẳng Nghề Xiantao ở tỉnh Hồ Bắc nêu rằng sinh viên nên báo cáo các giảng viên có hành vi gây nguy hiểm đến lợi ích quốc gia. Nhà trường cho biết cũng cần báo cáo giảng viên nếu lời nói hoặc hành vi của họ đi ngược với các chính sách của ĐCSTQ hoặc vi phạm kỷ luật của đảng.

Adrianna Zhang đã đóng góp vào bài này.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button