Câu chuyện Nổi bật

Các chiến dịch y tế công cộng nhắm đến những thông tin sai lệch về chủng ngừa COVID-19

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Thông tin sai lệch và cố tình tung tin giả là một vấn nạn tràn lan trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Các ví dụ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức tuyên truyền Iran tung tin giả để che giấu nguồn gốc của vi-rút đến các bài đăng trực tuyến ở Miến Điện khuyên công dân uống nước nóng để chữa bệnh nhiễm trùng này và các trang web Bangladesh liên tục đăng một lầm tưởng rằng quàng hijab (khăn trùm đầu) ngăn chặn được sự lây lan của vi-rút.

Các chuyên gia cho biết phải làm nhiều hơn nữa để chống lại cái gọi là đại dịch thông tin (infodemic) này, đặc biệt là khi các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bắt đầu triển khai các chương trình tiêm chủng COVID-19. (Ảnh: Một bác sĩ tiêm Covaxin cho một nhân viên y tế trong các đợt thử nghiệm vắc-xin COVID-19 tại Ahmedabad, Ấn Độ, vào tháng 11 năm 2020.)

Ví dụ, những trò lừa đảo trực tuyến có thể làm công chúng giảm sự chấp nhận đối với vắc-xin, đặc biệt là ở các quốc gia như Indonesia, nơi tỷ lệ chấp nhận đã chỉ ở mức khoảng 50%, Tiến sĩ Dirga Sakti Rambe, một nhà chủng ngừa học và bác sĩ nội khoa, nói với báo The Jakarta Post vào tháng 12 năm 2020.

Thông điệp của bác sĩ Dirga là một phần của chiến dịch mà lực lượng đặc nhiệm quốc gia về COVID-19 của Indonesia thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về đại dịch này và ngăn chặn sự lan rộng của thông tin sai lệch hoặc chưa được xác minh trên mạng xã hội.

“Nếu công chúng tin vào những trò lừa đảo, thì mức độ tin tưởng của họ vào các loại vắc-xin khác, bao gồm cả các chương trình tiêm chủng thông thường, cũng sẽ giảm xuống. Điều này sẽ rất nguy hiểm. Các chương trình chủng ngừa thông thường đã diễn ra trong nhiều thập kỷ có thể bị ảnh hưởng “, ông Dirga nói với tờ The Jakarta Post.

Nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đang thực hiện các chiến dịch công phu để bảo vệ người dân trước thông tin sai lệch về đại dịch, tuy nhiên các chuyên gia y tế công cộng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tại Ấn Độ, các quan chức y tế gần đây đã hé lộ thông tin về một chiến dịch video và truyện tranh có sự tham gia của Priya, nữ siêu anh hùng đầu tiên của quốc gia này, theo trang web Insider.com đưa tin. Priya, người cưỡi hổ và giờ đây còn đeo khẩu trang bảo vệ cùng với áo choàng, đã chiến đấu chống lại bạo lực trên cơ sở giới trong sáu năm. Priya hiện cũng đang chiến đấu với sự sợ hãi, cô lập và kỳ thị đi kèm với vi-rút corona cũng như thông tin sai lệch về COVID-19.

“Sức mạnh của cô ấy rất đơn giản: Đó là nâng cao sức mạnh cho một người bằng cách nói sự thật và lên tiếng — ngay cả khi bạn đang bị bịt miệng”, tác giả Shubhra Prakash, người tạo ra nhân vật Priya, nói với Insider.com.

WHO đã thành lập Liên minh Ứng phó với Đại dịch Thông tin ở Châu Phi (Africa Infodemic Response Alliance) vào đầu tháng 12 năm 2020 để quy tụ 13 tổ chức quốc tế và tổ chức trong khu vực cùng với các nhóm xác minh dữ kiện (fact-check) để chống lại thông tin sai lệch về các loại vắc-xin phòng chống COVID-19, song song với những nỗ lực khác. Các chuyên gia y tế công cộng muốn các liên minh tương tự được phát động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tại Hoa Kỳ, Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng, thuộc Bộ An ninh Nội địa, đã tạo ra một Bộ công cụ Thông tin về COVID-19 để giúp các cộng đồng chống lại thông tin sai lệch, tin giả và các thuyết âm mưu trên mạng liên quan đến COVID-19.

WHO và các tổ chức y tế công cộng khác cũng đã làm việc với các nền tảng mạng xã hội để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin độc hại về vi-rút corona. Theo một báo cáo vào tháng 12 của Dự án Tuyên truyền Máy tính của Đại học Oxford, mặc dù Google, Facebook, Apple và các công ty công nghệ khác đã cố gắng không cho những nội dung như vậy xuất hiện trên các nền tảng của họ, họ đã tạo điều kiện cho nó lây lan thông qua các dịch vụ, công cụ và mã mà họ cung cấp cho các trang web khác mà quảng bá cho nội dung đó.

“Họ đã thực hiện bước đầu tiên để điều tiết nội dung,” ông Philip N. Howard, đồng tác giả của nghiên cứu, “Trục lợi từ đại dịch”, nói với tờ The Washington Post. “Bước tiếp theo là rút lại các dịch vụ tầng sau mà tạo điều kiện cho việc tung tin giả và các chiêu trò lừa đảo về COVID.”

Ngay sau khi nghiên cứu được công bố, Google đã triển khai các bảng thông tin trong kết quả tìm kiếm, cho cả dịch vụ chia sẻ video trên YouTube của mình, để chống lại những tuyên bố sai lệch về vắc-xin phòng ngừa vi-rút corona. Theo tin từ CNBC, Google cũng cho biết công ty này sẽ cung cấp 1,5 triệu đô la Mỹ để tài trợ cho nghiên cứu xác minh dữ kiện và tạo ra một trung tâm cho các nhà báo để giúp họ tiếp cận với “chuyên môn khoa học và những cập nhật từ nghiên cứu” về các loại vắc-xin.

Trong khi đó, Facebook sẽ “từ chối các quảng cáo có những nhận định đã bị lật tẩy cũng như các quảng cáo xúi giục người dân không tiêm vắc-xin, gồm cả vắc-xin ngừa COVID-19″, phát ngôn viên của công ty Andy Stone nói với The Washington Post.

Nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thành lập các tổ chức và các trang web chuyên về xác minh dữ kiện để đánh giá thông tin về COVID-19. Ví dụ, Ấn Độ có Boom, SM Hoax Slayer và Alt News; Sri Lanka có Fact Crescendo, Watchdog Sri Lanka và Fact Check; và Nepal có South Asia Check và Nepal Fact Check, theo Bản tin của trang web các Nhà khoa học Nguyên tử (Atomic Scientists).

Các chuyên gia cho biết, hành động quyết liệt hơn từ các nền tảng công nghệ có thể sẽ không loại bỏ được các trang web đưa thông tin sai lệch và lừa đảo về COVID-19. Đó là lý do các chiến dịch dành cho công chúng phải mạnh mẽ hơn so với kiểu đưa thông điệp một chiều truyền thống từ phía chính phủ.

“Các cuộc đối thoại linh hoạt và việc chủ động đưa ra thông điệp giữa các quan chức y tế công cộng và công chúng có thể đem đến tác động lớn hơn so với việc xóa thông tin sai lệch khỏi các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là vì thường thường phải một thời gian dài sau khi một số lượng đáng kể người dân đã tiếp xúc với thông điệp sai lệch thì việc xóa thông tin mới xảy ra. Một cách tiếp cận nhiều hứa hẹn hơn là các cán bộ y tế công cộng và các tổ chức khoa học và y tế cung cấp cho công chúng một luồng thông tin ổn định và đúng sự thật”, Tiến sĩ Amir Bagherpour và Tiến sĩ Ali Nouri thuộc Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (Federation of American Scientists) đã viết trên tạp chí Scientific American vào tháng 10 năm 2020.

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button