Câu chuyện Nổi bật

Singapore hợp tác với ngành công nghiệp để đẩy nhanh chương trình về vũ trụ

Tom Abke

Singapore đang theo đuổi một cách tiếp cận theo lối doanh nghiệp thương mại trong hành trình nhằm phóng vệ tinh, đổi mới công nghệ vũ trụ và đào tạo một thế hệ kỹ sư vũ trụ mới.

Dẫn đầu là Công ty TNHH Vũ trụ và Công nghệ Singapore (Singapore Space and Technology Ltd, SSTL), một tổ chức thuộc khu vực tư nhân làm việc với chính phủ và các doanh nghiệp để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ của thành bang (city-state) này.

Sau khi theo học ngành khoa học hàng không vũ trụ tại Đại học Hàng không Embry-Riddle (Embry-Riddle Aeronautical University) tại Hoa Kỳ, Jonathan Hung, người sáng lập và chủ tịch của SSTL, đã trở lại Singapore vào năm 2006 với một tầm nhìn để đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ tại nước mình.

“Thật đáng tiếc, chúng ta chưa có một ngành công nghiệp vũ trụ lớn mạnh ở Singapore”, ông Hung nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 năm 2019 với công ty khởi nghiệp SpaceChain của Singapore. “Chúng ta đã có một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ rất mạnh và một nền tảng sản xuất điện tử rất tốt. Chúng ta có các công ty viễn thông và truyền thông tốt cũng như các công ty kỹ thuật chính xác rất tốt. Như thế tức là chúng ta có tất cả các thành phần quan trọng để xây dựng năng lực cho lĩnh vực vũ trụ và một ngành công nghiệp vũ trụ. Đó là cách chúng tôi quyết định thành lập SSTL, một cơ quan trung tâm có thể hỗ trợ toàn bộ ngành công nghiệp này. ”

SSTL cũng đóng vai trò là một hiệp hội thương mại cho hàng chục công ty trong ngành công nghiệp vũ trụ ở Singapore, từ các công ty khởi nghiệp địa phương đến các công ty đa quốc gia. Một công ty như vậy, Hệ thống Vũ trụ Xích đạo (Equatorial Space Systems, ESS) có trụ sở tại Singapore, đã tiết lộ kế hoạch phóng tên lửa Dorado vào năm 2021 qua việc độc quyền sử dụng một hệ thống động cơ lai. Vào tháng 9 năm 2020, ESS đã công bố quan hệ đối tác với Công ty TNHH Công nghệ Vũ trụ Thương mại (Commercial Space Technologies Ltd, CST) của Vương quốc Anh, để cung cấp dịch vụ phóng tên lửa cho khách hàng của CST. Các tên lửa dự kiến sẽ được phóng từ các bệ phóng ngoài khơi.

Để thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp về lĩnh vực vũ trụ, SSTL sử dụng một chương trình tăng tốc để hỗ trợ khả năng tiếp cận với các chuyên gia trong ngành, người dùng cuối và các dịch vụ doanh nghiệp, bao gồm hoạt động gây quỹ.

Công ty này còn tổ chức Hội nghị Vũ trụ và Công nghệ Toàn cầu (Global Space and Technology) hàng năm. Hội nghị diễn ra vào tháng 2 năm 2021 dự kiến ​sẽ quy tụ 900 đại biểu, 60 diễn giả và 350 công ty đến từ hơn 50 quốc gia, SSTL cho hay.

SSTL cũng làm việc với Cơ quan Thăm dò Vũ trụ Nhật Bản (Japan Aerospace Exploration Agency ) để sử dụng Mô-đun Thử nghiệm Nhật Bản trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (International Space Station, ISS). Vào tháng 6 năm 2018, các tổ chức này đã phóng vệ tinh siêu nhỏ SpooQy-1 từ ISS. Được phát triển bởi Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore), sứ mệnh của SpooQy-1 là chứng minh việc sử dụng tín hiệu lượng tử từ quỹ đạo Trái Đất thấp có thể tăng cường tốc độ truyền dẫn viễn thông như thế nào. (Ảnh: SpooQy-1 được phóng từ Trạm Vũ trụ Quốc tế vào tháng 6 năm 2018.)

SSTL cũng đào tạo các chuyên gia trong ngành công nghiệp vũ trụ để xây dựng các mô hình vệ tinh siêu nhỏ sau khi tìm hiểu những nguyên lý căn bản về hoạt động và hệ thống của vệ tinh.

Thử thách Vũ trụ (Space Challenge) hàng năm của công ty, được tổ chức từ năm 2007, nhằm quảng bá ngành công nghiệp vũ trụ đến với giới trẻ. Thử thách năm 2020 kêu gọi những người tham gia thiết kế một thiết bị thăm dò mặt trăng.

Tom Abke là một cộng tác viênDIỄN ĐÀNđưa tin từ Singapore.

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button