Câu chuyện Nổi bật

Các chuyên gia cảnh báo dự thảo luật của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Các nhà lập pháp Trung Quốc đã soạn thảo một đạo luật sẽ cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) khai hỏa vào các tàu thuyền nước ngoài ở những vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong một môi trường vốn đã có nhiều tranh cãi.

Luật do Quốc hội Nhân dân Trung Quốc đề xuất nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ được phép sử dụng “tất cả những phương cách cần thiết” để ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu thuyền nước ngoài trong “vùng biển thuộc quyền pháp lý” của Trung Quốc, một số trong số đó có tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác.

Một học giả nghiên cứu về phòng thủ gọi bước đi pháp lý này là một mánh khóe nhằm hăm dọa. Theo Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia, RFA), ông Hunter Stires, một nghiên cứu viên tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc “đang cố gắng truyền đạt cho các chính phủ có tuyên bố chủ quyền khác rằng Trung Quốc nói là làm”. “Đây là một tín hiệu rằng các quốc gia khác đừng có thách thức các hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc ở các vùng biển là vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của các quốc gia Đông Nam Á. ”

Cũng có khả năng luật này được thiết kế để làm hài lòng một bộ phận người dân Trung Quốc trong nước, những người mà đã lớn lên dưới một hệ thống giáo dục nhấn mạnh chủ quyền đối với các vùng ngoại vi của lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm phần lớn Biển Đông. Ví dụ như, công dân Trung Quốc được dạy rằng điểm cực nam xa nhất của Trung Quốc là Bãi ngầm James —một bãi ngầm nằm 80 km về phía bắc của Malaysia và cách 1.770 km từ phần đất liền của Trung Quốc. Để đảm bảo tính chính danh của mình trong nước, chính quyền Bắc Kinh phải chứng minh cho dân chúng có tinh thần yêu nước ngút ngàn rằng chính phủ Trung Quốc có thể bảo vệ các khu vực mà họ đã tuyên bố là lãnh thổ Trung Quốc.

Một học giả về lĩnh vực phòng thủ khác cho biết động thái pháp lý này làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột. Theo Bloomberg đưa tin, ông Zhang Mingliang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Tế Nam đặt tại Quảng Châu cho biết.”Đây sẽ là lần đầu tiên lực lượng bảo vệ bờ biển được trao quyền, rõ ràng theo luật pháp, để sử dụng vũ khí trong vùng biển đang tranh chấp”. “Điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp hóa tình hình vốn đã căng thẳng ở Biển Đông. ”

Luật được đề xuất đang mở cho công chúng bình luận cho đến ngày 3 tháng 12 năm 2020. Luật này nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan hàng hải khác có thể sử dụng vũ khí nhỏ hoặc vũ khí trên tàu, chẳng hạn như súng gắn trên boong, khi gặp tàu thuyền hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền pháp lý của Trung Quốc. Luật này không định nghĩa vùng biển thuộc quyền pháp lý, điều này đặt ra các câu hỏi về sự tuân thủ của biện pháp này theo luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đã cố gắng thực hiện quyền pháp lý ở những vùng xa đến tận rạn san hô Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Theo RFA đưa tin, lực lượng bảo vệ bờ biển của quốc gia này đã bắt giữnhững kẻ bị tình nghi là buôn bán ma túy ở đó vào tháng 9 năm 2020, mặc dù Trung Quốc không có quyền về kinh tế hay pháp lý đối với những vùng biển đó. Mặc dù các vùng biển này bị quân sự hóa và kiểm soát bởi Trung Quốc, Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền với khu vực này.

Một tòa án quốc tế đã bác bỏ thẳng thừng hầu hết các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng 7 năm 2016, khi nhận thấy rằng các tuyên bố đó không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế. Các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển của Trung Quốc chồng lên những tuyên bố chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone, EEZ) củaBrunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2020 đã công bố một tài liệu về quan điểm pháp lý ủng hộ phán quyết của tòa án. Ngoại trưởng Hoa Kỳ ông Mike Pompeo phát biểu trong một thông cáo báo chí rằng Trung Quốc không thể khẳng định tuyên bố chủ quyền hàng hải một cách hợp pháp tại các khu vực như gần Bãi cạn Scarborough và Quần đảo Trường Sa, bởi vì tòa án đã phán quyết rằng những khu vực này nằm trong EEZ của Philippines. Ông cho biết Trung Quốc cũng không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) hoặc Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hai khu vực này thuộc quyền pháp lý của Philippines. (Ảnh: Một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuần tra những vùng biển tranh chấp gần Bãi cạn Scarborough vào tháng 4 năm 2017.)

Ông Pompeo nói: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển Đông như đế quốc hàng hải của mình.” “Hoa Kỳ kề vai với các đồng minh và các đối tác Đông Nam Á của mình trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.”

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button